Các trường tài chính, ngân hàng chỉ có 8 giảng viên là giáo sư

Các trường tài chính, ngân hàng chỉ có 8 giảng viên là giáo sư
TP - Năm học 2006 – 2007, số giảng viên của ngành tài chính ngân hàng có chức danh giáo sư là 8 người trong tổng số 451 giảng viên có chức danh giáo sư. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên tham gia giảng dạy ở ngành này là 322 người.

Tại hội thảo quốc gia về đào tạo nhân lực tài chính – ngân hàng theo nhu cầu xã hội, được tổ chức tại Hà Nội, hôm qua (27/12), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long thông báo, tính đến tháng 7/2007, trong tổng số 135 đại học, học viện và trường đại học trong cả nước, có 33 trường đào tạo ngành tài chính ngân hàng.

16 trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tham gia đào tạo ngành này.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, chương trình đào tạo và nội dung giảng dạy trong ngành tài chính, ngân hàng hiện chưa bắt kịp thế giới. Quá trình đào tạo còn coi nhẹ việc phát triển các kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên như làm việc nhóm, quản lý dự án, tư duy phản biện, chưa tạo cho người học một khả năng thích ứng linh hoạt trong công việc.

Thống kê được đưa ra tại hội thảo cho biết, năm học 2006 – 2007, số giảng viên của ngành tài chính ngân hàng có chức danh giáo sư là 8 người trong tổng số 451 giảng viên có chức danh giáo sư. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên tham gia giảng dạy ở ngành này là 322 người.

“Tỷ lệ giảng viên có trình độ quá thấp, tính trung bình chỉ 13% có trình độ tiến sĩ là trở ngại lớn nhất của đổi mới giáo dục đại học. Ở các nước khác, tỷ lệ này trung bình vào khoảng 60 – 75%” – Thứ trưởng Bành Tiến Long nói.

Để từng bước khắc phục những bất cập nêu trên, theo Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, Bộ này cùng Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phải vào cuộc.

“Các nhà” trên ký thỏa thuận hợp tác với ba nội dung lớn là phối hợp để nắm bắt thông tin về đào tạo, nghiên cứu khoa học; đánh giá chất lượng đào tạo nhân lực ngành tài chính ngân hàng, trên cơ sở đó sớm chuẩn hóa công tác đào tạo nhân lực ngân hàng ở nước ta.

Phó Thủ tướng cho rằng, khi đã có sự liên kết, các cơ sở đào tạo có thể mời những cán bộ của ngân hàng, Cty chứng khoán, Cty bảo hiểm lớn tham gia giảng dạy các chuyên đề cho sinh viên. Bên cạnh đó, các trường mời giáo sư nước ngoài dạy chuyên sâu về từng lĩnh vực.

Đề xuất giải pháp cho “chương trình của chúng ta còn lạc hậu”, Phó Thủ tướng cho rằng: Hiệu trưởng các trường kinh tế, giám đốc các ngân hàng ngồi lại với nhau để rà soát chương trình khung.

“Chúng ta có chương trình khung về tài chính ngân hàng nhưng chúng tôi đề nghị chính các hiệu trưởng, các trưởng khoa và những người hoạt động trong thực tiễn bàn lại để thống nhất chương trình khung trong cả nước”.

Phó Thủ tướng kỳ vọng: Các cơ sở đào tạo tài chính, ngân hàng phải thay đổi phương pháp đào tạo để không đọc chép, sinh viên khi làm bài tập thì lên mạng lấy đề bài  và  “hễ học tài chính ngân hàng là học chương trình mô phỏng chứ không học bằng lời, hễ học tài chính ngân hàng là trước khi tốt nghiệp phải đăng ký học một môn bằng tiếng Anh…”.

MỚI - NÓNG