Các trường đại học trước thời điểm VN gia nhập WTO

Các trường đại học trước thời điểm VN gia nhập WTO
Các nhà quản lý giáo dục cho rằng với cơ chế quản lý hiện nay các trường đại học (ĐH) trong nước có nguy cơ mất thị phần vì các trường ĐH nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Các trường đại học trước thời điểm VN gia nhập WTO ảnh 1
Sinh viên lớp tài chính ngân hàng với chương trình đào tạo đặc biệt của Trường ĐH Mở TP.HCM, đang thảo luận trong giờ học - Ảnh: Người Lao Động.

Chiều 30/10, một lớp học của sinh viên (SV) năm thứ nhất Trường ĐH Mở TP.HCM có giờ học kỹ năng và phương pháp học ĐH. Lớp học này có máy lạnh và giảng viên dạy trên giáo án điện tử.

Bài giảng tóm tắt đã được phát trước nên SV không phải ghi chép mà thoải mái trao đổi với giảng viên, tạo nên một giờ học sinh động. Đó là lớp học thuộc chương trình đặc biệt ngành quản trị kinh doanh mà trường vừa khai giảng được một tuần.

Chương trình đào tạo đặc biệt

Đây là năm đầu tiên Trường ĐH Mở TP.HCM mở chương trình đào tạo đặc biệt với hai ngành tài chính ngân hàng và quản trị kinh doanh, thu hút 111 SV theo học.

Theo TS Nguyễn Thuấn, Phó hiệu trưởng nhà trường, chương trình này nhằm khắc phục ba điểm yếu của SV khi ra trường là yếu ngoại ngữ, chuyên môn và kỹ năng làm việc nhóm.

Nhà trường tập trung thực hiện cải tiến chương trình đào tạo, cải tiến nội dung môn học và phương pháp giảng dạy. Do vậy, mức đầu tư cao hơn bình thường.

Nhà trường tính toán học phí ở mức 8,8 triệu đồng/năm/SV. Tuy nhiên, khóa đầu tiên sẽ được cấp học bổng bằng phần chênh lệch so với lớp thường.

Mới học được hai tuần nhưng SV rất thích thú với phương pháp học mới. SV Phạm Đỗ Hồng Nhật Khánh, lớp quản trị kinh doanh, cho biết: “Em tiếp thu bài tốt hơn nhờ những hình ảnh trực quan qua giáo án điện tử”.

Tại Trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng, nơi đã mở lớp kế toán chất lượng cao với 17 SV từ năm học trước, kết quả rất khả quan: Đến nay không SV nào bỏ cuộc, đều đạt loại khá trở lên, chủ động trong học tập, khả năng làm việc độc lập cao.

Năm học này, trường tiếp tục thu hút 21 SV năm nhất vào lớp kế toán chất lượng cao. Chương trình học được tăng cường thêm giờ thảo luận, tự học so với lớp thường và được áp dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến, 100% giờ học trên giáo án điện tử. Mức đầu tư được trường tính toán là 16 triệu đồng/năm/SV.

Bỏ ngỏ thị trường

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM: Nếu không làm ngay sẽ muộn

Có người quan niệm rằng việc mở dịch vụ chất lượng cao nên để các trường ĐH tư thục, dân lập làm, nhưng thực tế chỉ có các trường ĐH công lập lớn mới có khả năng thu hút người học và đáp ứng dịch vụ này. Nếu không làm ngay bây giờ thì sẽ muộn mà cũng đã muộn rồi.

Trước đó, các chương trình đào tạo kỹ sư, cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao, chương trình tiên tiến cũng đã được ĐH Quốc gia Hà Nội, và ĐH Quốc gia TP.HCM, cùng vài trường công lập khác triển khai thí điểm.

Trong tình hình đầu tư của Nhà nước và người học chưa đủ để đồng loạt nâng cao chất lượng đào tạo của toàn bộ hệ thống, các trường đành chọn giải pháp tập trung vào một vài chương trình với mức đầu tư lớn hơn.

Tuy nhiên, các chương trình như vậy vẫn rất hiếm hoi vì các trường công lập lớn, nơi có khả năng cung cấp dịch vụ này bị khống chế bởi mức trần học phí.

Trước thời điểm Việt Nam sắp gia nhập WTO, các nhà quản lý giáo dục cho rằng với cơ chế quản lý hiện nay các trường ĐH trong nước có nguy cơ mất thị phần vì các trường ĐH nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, phân tích: Đối với các chương trình có mức học phí trên 5.000 USD/năm/SV sẽ khó thu hút người học trong nước.

Các chương trình liên kết với nước ngoài có mức học phí 2.000 - 3.000 USD/năm/SV có thể thu hút được một số ít SV nhưng chương trình có mức học phí khoảng gấp 7 - 8 lần mức học phí hiện tại, tức là khoảng 10 - 15 triệu đồng/năm/SV sẽ thu hút được nhiều người học hơn.

Đây là thị trường tiềm năng mà các trường ĐH trong nước có khả năng cung cấp, tuy nhiên hiện đang có nguy cơ rơi vào các cơ sở đầu tư nước ngoài.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thái Bá Cần cho rằng: Phải tồn tại những dạng trường ĐH với suất đầu tư không phải là cao lắm, đồng thời phải hình thành 1 loạt trường hoặc chương trình với suất đầu tư cao hơn, chất lượng cao hơn. Nếu các trường ĐH công lập không mở các loại hình này thì các cơ sở nước ngoài sẽ nhảy vào.

Theo Diệu Hằng
Người Lao Động

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.