Cách đánh giá về học lực HS tiểu học chưa khoa học

Cách đánh giá về học lực HS tiểu học chưa khoa học
TP - Ngày 30/9/2005, Bộ GD-ĐT ra Quyết định số 30 về đánh giá xếp loại học sinh tiểu học trước mắt chỉ áp dụng cho các lớp 1, 2, 3, 4 (lớp 5 chưa thay sách). Quyết định này đã bộc lộ nhiều bất cập.

Theo đó, những học sinh có các môn cho điểm được xếp loại giỏi, các môn khác hoàn thành (A) trở lên thì được xếp loại giỏi, các môn cho điểm còn lại xếp loại khá, số môn khác hoàn thành (A) trở lên sẽ xếp loại tiên tiến.

Điều bất cập ở đây là, lấy ví dụ, một học sinh lớp 4 có 4 môn được đánh giá bằng cho điểm là Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử + Địa lý (2 môn này tính 1).

Nếu học sinh A có một (01) môn được xếp loại giỏi, các môn cho điểm còn lại chỉ xếp khá sẽ được xếp loại tiên tiến. Học sinh B có ba (03) môn xếp loại giỏi, môn còn lại xếp loại khá cũng chỉ xếp ngang hàng với học sinh A là tiên tiến. Độ chênh lệch có hợp lý chăng?

Theo Bộ GD-ĐT, đánh giá như vậy là do thời gian qua dư luận xã hội phê phán nhiều về bệnh thành tích trong ngành giáo dục. Để giảm bớt số học sinh tiên tiến cần phải kèm theo một môn cho điểm phải xếp loại giỏi (thay vì tiên tiến thì chỉ cần tất cả các môn xếp loại khá như trước đây). Vì bệnh thành tích mà đưa ra một quyết định như vậy là chưa ổn.

Là một người làm công tác giáo dục, tôi không phủ nhận bệnh thành tích nhưng có lẽ cần phân tích từ nhiều phía để có giải pháp đúng, tránh áp đặt. Đánh giá phải dựa trên những tiêu chí cụ thể, khách quan, phù hợp với quy luật. Đổi mới giáo dục cũng cần đổi mới về phương pháp đánh giá.

Đào Phụ
Trường tiểu học An Hiệp A, Mỹ Tú, Sóc Trăng

MỚI - NÓNG