Cái ăn đá văng con chữ

Cái ăn đá văng con chữ
Chưa năm nào học sinh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại bỏ học nhiều như năm nay. Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục các địa phương, ngoài những nguyên nhân khách quan, đặc thù như trước đây còn có yếu tố “hai không”...

Sau cơn bão dữ năm 1997, khu vực An Lạc thuộc xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) được đầu tư xây dựng một trường tiểu học.

Toàn khu có gần 1.000 nhân khẩu nhưng trong đó trẻ em chiếm gần một nửa, nhiều nhất là trẻ 7-8 tuổi.

Vào mùa cua biển giống, 9g sáng trên trăm ngôi nhà cửa vẫn đóng im ỉm, nhà nào có người thì chỉ toàn ông bà già hoặc những người bệnh không ra biển được.

Ông Thạch Ha, 75 tuổi, thì thào: “Giờ này không có ai trong nhà đâu. Người lớn, con nít đều kéo nhau ra biển hết rồi, may ra còn vài đứa ở đằng trường học”.

Bỏ học vì mưu sinh

Đúng như lời ông cụ, ở cuối xóm, hơn chục đứa trẻ lớp 1 đang ê a đánh vần từng chữ. Thầy Quách Thanh Tường cho biết có hôm lớp học vắng gần một nửa vì các em trốn học ra biển bắt cua giống phụ giúp cha mẹ từ tờ mờ sáng. Ngoài lớp của thầy Tường, còn có thêm vài lớp nữa nhưng không khi nào các em đi học đầy đủ.

Thầy Thạch Chí Dũng than thở: “Nghèo quá nên tụi nhỏ thường bỏ học ra biển mưu sinh, kiếm vài ngàn đồng mua gạo giúp gia đình. Cứ đến vụ thu hoạch hành tím, tôm sú là các em bỏ lớp theo cha mẹ đi làm thuê. Giáo viên phải một buổi đi dạy, buổi còn lại đến từng nhà hoặc lội ra biển vận động các em trở lại lớp”.

Ông Kim Sary - hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Hải I - thở dài: “Từ ngày mở điểm ở An Lạc đến nay, chưa kịp mừng cho tụi nhỏ thì trường đã đau đầu vì chuyện học sinh đến lớp bữa đực bữa cái. Muốn gặp phụ huynh vận động cho các em đến lớp không phải dễ, vì người dân nơi đây suốt ngày bán mặt cho nước, bán lưng cho trời”.

Ở huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang), sĩ số học sinh lớp học dao động theo... mùa đánh bắt hải sản. Ông Ninh Thành Viên - phó giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang - cho biết cứ đến chính vụ mùa đánh bắt hải sản thì số học sinh bỏ học lại tăng lên bởi các em xuống ghe theo gia đình ra biển làm nghề! Trong khi đó tại An Giang, thống kê chưa đầy đủ cho thấy năm học vừa qua có trên 2.000 học sinh phải bỏ học để theo gia đình đi làm ăn xa.

Chuyện không của riêng ai!

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Kiên Giang, kết thúc năm học 2006-2007 toàn tỉnh có khoảng 15.000 học sinh bỏ học. Trong đó bậc tiểu học có 4.000 em, THPT có 3.000 và THCS là 8.000 em. Ông Ninh Thành Viên cho biết nguyên nhân chính khiến các em bỏ học là do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn buộc các em phải nghỉ học để đi lao động phụ giúp gia đình.

Thực hiện "hai không" có tác động không nhỏ

Ông Hồ Việt Hiệp - giám đốc Sở GD-ĐT An Giang - cho biết việc thực hiện nghiêm cuộc vận động "hai không" có tác động không nhỏ đến thực trạng này.

Ông cho biết đây là năm tỉnh có số học sinh bỏ học cao nhất từ trước đến nay - trên 21.000 em! Đi vào nguyên nhân cụ thể, ông Hiệp cho biết có khoảng 20% trong số này theo gia đình chuyển đi nơi khác sinh sống. Nhiều em bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn phải đi mưu sinh.

Phần lớn số học sinh bỏ học lại là do ảnh hưởng của việc thực hiện cuộc vận động "hai không" khiến số học sinh phải ở lại lớp quá nhiều. Những học sinh học lực yếu, thời gian bồi dưỡng không đủ để các em lên lớp nên mắc cỡ và nghỉ học luôn! Trong số này có khoảng 2.000 em ngồi nhầm lớp!

Bên cạnh đó ông Viên cũng cho rằng việc thực hiện nghiêm chủ trương “hai không” cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ học của học sinh.

“Điều này dễ nhận thấy khi trong một cấp học, số học sinh bỏ học nhiều nhất đều thuộc các lớp đầu cấp. Chẳng hạn bậc THPT thì số học sinh lớp 10 bỏ học nhiều hơn hai khối còn lại, đa số các em bỏ học là số học sinh được xét tốt nghiệp lần hai.

Các em vốn yếu, thời gian bồi dưỡng chỉ một vài tháng không đủ để có nền tảng vững vàng, khiến khi vào lớp 10 sau một thời gian sức học không theo kịp nên nghỉ”.

Trong khi đó, ông Lưu Văn Duỗi - phó phòng trung học Sở GD-ĐT Kiên Giang - lại nhấn mạnh đến yếu tố ý thức của người dân khu vực nông thôn khi muốn “gặt lúa non”.

Ông cho biết hầu hết gia đình ở nông thôn đều còn nhiều khó khăn nên họ muốn con mình đi làm sớm. Vì vậy họ đã cho con nghỉ học ở hệ phổ thông và chuyển sang học bổ túc - một năm hai lớp - khiến tỉ lệ học sinh bỏ học ở khu vực này cao.

Yếu tố khó khăn về trường lớp cũng được ông Duỗi nhắc đến như là một trong những nguyên nhân khiến học sinh bỏ học. Chẳng hạn ở huyện Kiên Hải chỉ có hai đảo là đủ dân cư để mở trường, trong khi những đảo khác vì số học sinh ít nên không thể mở trường được.

Những học sinh này phải sang hai đảo lớn, việc đi lại khó khăn nên không ít em đã bỏ học. Năm học này vẫn chưa có thống kê chính thức nhưng ông Duỗi cho biết số học sinh bỏ học chắc cũng không phải là ít. Ông Duỗi cho biết thời điểm kết thúc học kỳ I cũng chính là lúc nhiều học sinh có học lực yếu bị gia đình cho nghỉ học.  

Tại Cà Mau, số học sinh bỏ học tập trung nhiều nhất ở bậc THCS với 5.813 em, kế đến là bậc tiểu học với 3.187 em và bậc THPT có 2.110 học sinh bỏ học.

Trong số những nguyên nhân về kinh tế gia đình, học lực của học sinh, ông Thái Văn Long - giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau - còn nhấn mạnh đến yếu tố di dân. Ông Long cho biết Cà Mau là vùng sông nước nên có rất nhiều người dân từ các tỉnh khác đi ghe, xuồng đến mưu sinh.

Họ đến đâu thì cho con cái học đến đó. Thời gian “định cư” của họ chỉ vài tháng, khi đi sang nơi khác họ cũng dắt con đi theo nên các em phải bỏ học.

Tương tự, ông Huỳnh Hổ - giám đốc Sở GD-ĐT Trà Vinh - cho biết có những lúc người dân kéo đi làm ăn xa cả mấy xe đò, khiến các em phải nghỉ học để đi theo. Số học sinh này đã góp phần không nhỏ trong tổng số khoảng 10.000 học sinh bỏ học của Trà Vinh!

Theo Minh Giảng- Ngọc Diện
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG