Cần cải tổ ngay các trường sư phạm

Cần cải tổ ngay các trường sư phạm
TPO - Trước tình trạng tỉnh nào cũng có trường CĐ sư phạm, ĐB Nguyễn Bá Thanh đề nghị : “Để nâng cao chất lượng đào tạo người thầy, tôi đề nghị giải thể tất cả các trường ĐH, CĐ sư phạm hiện có để thành lập ngay 3 trường ĐH vùng ở khu vực Bắc, Trung, Nam”.
Cần cải tổ ngay các trường sư phạm ảnh 1
Cô và trò. Ảnh: Nghĩa Nam

Sáng nay, 7/11, sau khi nghe hai bản báo cáo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Trần Thị Tâm Đan, các đại biểu quốc hội đã thảo luận tại hội trường về đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và dạy nghề.

Bên cạnh việc đánh giá cao những cống hiến của ngành giáo dục trong những năm qua, các đại biểu đã chỉ ra những bất cập xoay quanh các vấn đề đào tạo trong các trường sư phạm, trình độ, thu nhập của giáo viên còn thấp, cơ sở vật chất trong ngành giáo dục còn hạn chế…

Theo Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng), chất lượng giáo dục hiện nay còn yếu và nhiều bất cập, gây bức xúc cho nhân dân.

“Không bức xúc sao được khi bệnh thành tích đang hành hoành trong ngành giáo dục; khi thi cử thì lộ đề, dân làm một cách công khai; khi sách giáo khoa thì độc quyền in ấn và thay đổi liên tục; khi đào tạo ra nhiều nhưng không xin được việc; khi tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan; khi học sinh sáng ngồi tiểu học, chiều học lớp 6 để lấp những khoảng trống”, ông Thanh bức xúc nói.

Theo ông Thanh, một trong những nguyên nhân “đẻ” ra tình trạng này là trong một thời gian dài, ngành giáo dục quá coi trọng về đào tạo số lượng mà chưa chú ý đến chất lượng.

Hiện nay, trình độ giáo viên còn nhiều hạn chế mà một phần là do hệ thống đào tạo ở các trường sư phạm chưa theo kịp thực tiễn. Theo đó, các trường sư phạm đào tạo sinh viên ra làm thầy mà dạy Lý, Hóa thì thiếu phòng thí nghiệm, dạy văn thì theo văn mẫu, dạy sử thì toàn những sự kiện rối rắm, sinh viên nhớ không nổi...

“Ở phần lớn các trường đại học, cao đẳng sư phạm lâu nay, giảng dạy vẫn theo lối thầy đọc, trò chép. Giáo trình thì cũ kỹ, thiếu sáng tạo. Nói chung, ta mới chỉ đào tạo về lý thuyết, vậy mà lúc nào cũng hô hào: Học đi đôi với hành, lý thuyết đi đôi với thực tiễn. Đó chỉ là cách hô hào khẩu hiệu”, ông Thanh phản ánh.

Từ việc nêu lên những thực tế như: “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, hay các trường đào tạo nhếch nhác, “ăn thì như sư, ở thì như phạm”, ông Thanh đề nghị “cần cải tổ ngay các trường sư phạm”.

“Dù biết khó được chấp nhận nhưng tôi đề nghị giải thể tất cả các trường đại học, sư phạm hiện có để thành lập ngay 3 trường đại học sư phạm vùng ở khu vực miền Bắc, Trung, Nam, kèm theo đó là 3 trường cao đẳng sư phạm. Sau đó, thành lập 2 trường đại học và 2 trường cao đẳng sư phạm đào tạo cho đồng bào dân tộc ở hai khu vực”, ông Thanh đề xuất.

Sáng nay, 7/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã đọc báo cáo trước Quốc hội về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

Trong báo cáo, bên cạnh việc nêu lên những ưu, khuyết điểm và nguyên nhân, Bộ trưởng cũng trình bày một số thực trạng trong ngành giáo dục hiện nay.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề xuất 7 nhóm giải pháp để khắc phục tình trạng yếu kém trong ngành, cũng như thực hiện tốt 7 nhiệm vụ đề ra.

Lý do, theo ông Thanh, là hiện nay tỉnh nào cũng có trường cao đẳng sư phạm, có địa phương có 2 trường sư phạm. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo không đảm bảo, cơ sở vật chất quá nghèo nàn. Nếu cứ trải nhân lực, vật lực ra đào tạo thiếu tập trung như vậy làm sao có được một đội ngũ giáo viên như mong muốn.

Cũng đề cập đến những bất cập trong giáo dục đại học, Đại biểu Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa) cho rằng, những năm gần đây, quy mô phát triển của các trường đại học quá tràn lan, thiếu định hướng. Điều đó dẫn đến tình trạng thiếu giảng viên “chất lượng cao” trong giáo dục đại học. Thầy không giỏi, đương nhiên khó có thể “đòi” trò giỏi được

“Tôi đề nghị xem xét lại toàn bộ mạng lưới các trường đại học hiện nay”, ông Phát nói. Bên cạnh đó, phải xem xét lại việc nâng cấp cho các trường từ cao đẳng lên đại học, tránh tình trạng ồ ạt, chạy theo số lượng.

Không chỉ khâu đào tạo giáo viên “có vấn đề”, mà nhiều đại biểu còn nhất trí rằng, giáo viên ở nước ta hiện nay còn thiếu và yếu.

Đại biểu Hà Thị Hoa (Thái Bình) nhận định: “Giáo viên mầm non còn thiếu và yếu. Trình độ giáo viên bậc trung học chuyên nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, ở bậc đại học, cao đẳng, đội ngũ giảng viên còn quá hẫng hụt”.

“Nhìn chung, giáo dục của chúng ta chưa toàn diện và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Cán bộ quản lý phần lớn chưa được đào tạo cơ bản”, bà Hoa đúc rút.

Theo đánh giá của bà Hoa, trong báo cáo của ngành giáo dục chưa làm nổi bật được vai trò của mảng giáo dục nghề nghiệp, trong khi để hội nhập, chúng ta sẽ cần nhiều công nhân có tay nghề bậc cao.

“Ngành giáo dục phải phân luồng như thế nào để con em chúng ta được học tập phù hợp với hoàn cảnh của mình, Các em được vừa học, vừa làm, cống hiến cho xã hội”, bà Hoa đặt câu hỏi.

Sau khi mổ xẻ các vấn đề trong ngành giáo dục, các đại biểu tập trung thảo luận các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo đó, các nhóm giải pháp tập trung vào các vấn đề: Nâng lương cho giáo viên, đổi mới cách đào tạo trong các trường sư phạm nói riêng và các trường đại học, cao đẳng nói chung, luân chuyển cán bộ, tự chủ đại học và cả nâng mức học phí…

Xuân Mai ghi

MỚI - NÓNG