Cận cảnh vùng trũng giáo dục ĐBSCL

Cận cảnh vùng trũng giáo dục ĐBSCL
TP - "ĐBSCL là một vùng trũng giáo dục và khoa học công nghệ" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tại Hội nghị về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra tại Cần Thơ cuối tháng 9 vừa qua. Tiền Phong đã cận cảnh vào những vấn đề nổi cộm của vùng trũng giáo dục ĐBSCL.

Quá nhiều học sinh ngồi nhầm lớp

Tuy trường đạt chuẩn quốc gia, nhưng chất lượng của học sinh và giáo viên ở nhiều nơi đều dưới chuẩn, không đạt yêu cầu, không biết đọc, biết viết.

Cận cảnh vùng trũng giáo dục ĐBSCL ảnh 1 Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A Huỳnh Hà Thắng trực tiếp kiểm tra chất lượng học sinh không biết đọc, viết.

Không biết đọc vẫn lên lớp

Đầu năm học 2017-2018, em Hàng Kim L. có tên trong danh sách lớp 2 của Trường tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), nhưng em tự thừa nhận: “Con không đọc được chữ nào”. Cho em làm thử phép tính cộng đơn giản em cũng không thể thực hiện. Ông Hàng Minh Dũng, ông nội của Hàng Kim L. kể: “Thấy cháu L. đọc chậm, đánh vần chưa được nên gia đình xin giáo viên cho cháu ở lại lớp nhưng không được chấp nhận, vì…cháu lỡ có tên trong danh sách lên lớp 2 rồi”. Cùng chung lớp với L., hai anh em sinh đôi Nguyễn Nhật Tr. và Nguyễn Nhật Kh. cũng chỉ đánh vần đọc được vài chữ trong sách Tiếng Việt lớp 2 và không làm được phép cộng đơn giản. Lúc đầu, ông Huỳnh Hà Thắng - Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A không tin vào điều kể trên vì… đây là trường đạt chuẩn quốc gia.

Ông Thắng cho biết, dịp hè, trường tổ chức bồi dưỡng cho những học sinh học yếu, sau đó tổ chức thi, em nào đạt kết quả tốt được lên lớp. “Trường hợp em K và T học yếu nhưng đã được bồi dưỡng trong hè và nhà trường đã tổ chức kỳ thi kiểm tra, các em đã vượt qua kỳ thi này nên được lên lớp. Việc tổ chức thi có hội đồng, có giám sát, được đánh giá khách quan, không có chuyện bị áp lực hay chạy theo thành tích”-ông Thắng nói. Tuy nhiên, sau khi trực tiếp kiểm tra học lực của em nói trên, ông Thắng thừa nhận: “Đúng là các em chưa biết đọc, chưa biết viết”. Đây không phải là trường hợp cá biệt của Trường tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A. Đầu năm học 2016-2017, giáo viên phụ trách lớp 2H của trường này đã tổ chức khảo sát và kết quả chỉ có 4 trong tổng số 24 học sinh đọc trôi chảy, một số em đánh vần một cách khó nhọc, một số khác không ghép được chữ, có em không biết đọc, không biết viết.

Phóng viên đã tiến hành khảo sát ở các trường đạt chuẩn quốc gia tại Sóc Trăng và nhận thấy nhiều học sinh từ lớp 2 đến lớp 6 chưa đọc thông viết thạo, không làm được các phép tính đơn giản. Em Lâm Sơn V. là một trong số đó. Chị Tô Thị Quỳnh Giao, mẹ của V. cho biết, năm học 2016 - 2017, V. được lên lớp 6 Trường THCS Lê Vĩnh Hòa sau khi học hết lớp 5 tại Trường tiểu học Lý Đạo Thành. “Chỉ học được vài ngày, giáo viên đã mời tôi lên thông báo V. chưa thể đọc chữ, viết cũng không rành nên không thể học lớp 6”-chị Giao thuật lại. Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Đạo Thành Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh xác nhận: “Trường hợp em V. đã vào lớp 6 nhưng học rất yếu là có thật”. Tại Trường tiểu học Lê Hồng Phong (phường 3, TP Sóc Trăng), năm học trước cũng có 8 trong tổng số 42 em trong một lớp 3 không biết đọc, viết chưa rành và trên 10 học sinh đọc còn phải đánh vần. Một giáo viên trường THCS thị trấn Lịch Hội Thượng cũng cho biết, mỗi năm trường này nhận từ 240-260 học sinh lớp 5 của các trường tiểu học trong thị trấn lên lớp 6 nhưng qua kiểm tra, có khoảng 40% là học lực yếu. Nhiều em học kém nhưng nhà trường vẫn phải nhận và tăng cường bồi dưỡng để các em biết đọc, viết vì không thể trả các em về tiểu học.

Cận cảnh vùng trũng giáo dục ĐBSCL ảnh 2 Học sinh K.P vất vả đánh vần dù đã lên lớp 2.

Chạy theo thành tích?

Bà Nguyễn Thị Tuyết Hà-Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng thừa nhận thực tế học sinh yếu kém, ngồi nhầm lớp. Việc này không riêng ở các vùng nông thôn mà ở ngay thành phố. Kết thúc năm học 2016-2017, Sở GD&ĐT Sóc Trăng đã khảo sát và ghi nhận toàn tỉnh có hàng trăm học sinh tiểu học chưa biết đọc, viết thành thạo, chiếm tỷ lệ khoảng 1% trong tổng số học sinh. Trưởng phòng GD&ĐT TP Sóc Trăng Dương Thị Ngọc Diễm lý giải, việc học sinh không biết đọc, không biết viết là do đặc thù địa phương có đông con em đồng bào dân tộc thiểu số, khả năng tiếp thu còn hạn chế. Một phần nữa là do năng lực của giáo viên chưa cao.

Tuy nhiên, ông Bùi Duyên Hồng-Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Long Phú cho rằng chính qui định của ngành giáo dục đã “đẻ” ra căn bệnh này. Cụ thể, Thông tư 59 của Bộ GD&ĐT quy định chất lượng dạy và học để đạt chuẩn quốc gia rất chung chung. Quan trọng hơn là lấy việc công nhận trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu, chuẩn quốc gia để làm căn cứ “xây dựng kế hoạch đầu tư các nguồn lực cho giáo dục tiểu học”. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giáo viên cho học sinh lên lớp bằng mọi giá. Đặc biệt, kết quả xếp loại giáo dục của học sinh đối với trường tiểu học đạt “chuẩn quốc gia mức độ 2” không có chỉ tiêu học sinh lưu ban.

Theo cô Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh, hàng năm, để xét lên lớp, nhà trường tổ chức thi, kiểm tra chéo, nhận xét đánh giá đầy đủ theo Thông tư 30. Để xảy ra tình trạng học sinh lên lớp đều nhưng không biết đọc, lỗi một phần do nhà trường quá tin tưởng giáo viên. Mặt khác, việc giao chỉ tiêu, áp lực của trường chuẩn quốc gia nên thường cuối năm, mỗi lớp, học sinh lưu ban gần như không được quá 1 em.

Giáo viên dưới chuẩn

“Tỉ lệ điểm trung bình thi môn Tiếng Anh là quá thấp”-Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể đã phải thốt lên khi nghe Sở GD&ĐT báo cáo kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017. Theo đó, nhiều môn có tỉ lệ học sinh đạt trên trung bình thấp như môn Sinh học 30,94%, điểm trung bình 5.07; môn Toán học 40,05%, điểm trung bình 4.75; môn Lịch sử 39,66%, điểm trung bình 4.64 và xếp cuối bảng là môn Ngoại ngữ (tiếng Anh) chỉ đạt tỉ lệ 18,77%, điểm trung bình là 3.92. Báo cáo cũng đánh giá: “Chất lượng thi môn tiếng Anh còn rất thấp, đạt chưa đến 19% có điểm từ trung bình trở lên”. Cụ thể, chỉ 8,81% đạt từ điểm 6 trở lên, 4,26% đạt từ điểm 7 trở lên...

Theo Phó GĐ Sở GD&ĐT Sóc Trăng Châu Tuấn Hồng, có nhiều nguyên nhân khiến chất lượng thi môn Tiếng Anh thấp, trong đó có nguyên nhân đội ngũ giáo viên còn yếu, nhiều giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu năng lực dạy ngoại ngữ theo qui định của Bộ GD&ĐT.

Ông Nguyễn Minh Luân-GĐ Sở GD&ĐT Cà Mau, bộc bạch: “Có người hỏi sao giáo viên không đạt chuẩn vẫn còn trong biên chế mà giáo viên đủ chuẩn lại không được tuyển? Tôi nghĩ rằng giáo viên cần được đào tạo, tự đào tạo và đào tạo lại vì trước đây đâu có chuẩn qui định. Bây giờ, giảm biên chế anh chị em là “vắt chanh bỏ vỏ”.

“Giáo viên chúng tôi chịu quá nhiều áp lực, từ chuyện xét danh hiệu thi đua cá nhân đến áp lực chỉ tiêu từ phòng GD&ĐT khi xét thi đua của trường... Vì thế, nhiều giáo viên cho “điểm khống” để khỏi mất công, còn được khen nữa. Cuối cùng, từ dưới cho đến trên đều dối nhau vì bệnh thành tích”.

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng

MỚI - NÓNG