Cần chữa nhiều bệnh trước khi đổi mới thi cử

Đại biểu phát biểu tại cuộc tọa đàm. Ảnh: Hồ Thu
Đại biểu phát biểu tại cuộc tọa đàm. Ảnh: Hồ Thu
TP - Ông Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) cho biết Hiệp hội đã được chỉ đạo xây dựng phương án nhằm đề xuất hướng đi cho một số vấn đề cấp bách, tìm giải pháp thực hiện Nghị quyết T.Ư 8 về đổi mới GD.

Đó là cơ duyên của cuộc tọa đàm hôm qua (28/2) tại Hà Nội, tập trung giải quyết 2 vấn đề: Cấu trúc lại hệ thống và đề cương cho các kỳ thi cuối bậc THPT triển khai từ 2015.

Giá như chấp nhận để có niềm tin

Ông Hoàng Ngọc Trí, Hiệu trưởng trường ĐH Hải Dương nói: Việc bỏ điểm sàn là khá đột ngột đối với thí sinh, với xã hội và các ĐH công lập. Việc bỏ này sẽ thuận lợi cho khối NCL. Để giữ chất lượng, trường ông dựa vào 2 tiêu chí: kết quả tốt nghiệp và điểm bình quân các môn học theo khối ngành. Ông nhấn mạnh: việc xã hội không tin vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp hay kết quả học tập là trách nhiệm của ngành giáo dục, đặc biệt khối giáo dục phổ thông.

Ông Trí nói: “Cách đây 8 năm, ngành giáo dục đã có cuộc vận động “2 không” và nếu từ đó đến nay, chúng ta kiên quyết sửa chữa sai lầm trong GD thì “2 không” đã đem lại kết quả tốt - chúng ta có thể sử dụng kết quả tốt nghiệp THPT, đỡ phải thi 2 kỳ. Tuy nhiên, hồi đó, tỷ lệ tốt nghiệp thấp đã làm rúng động xã hội. Giá như chúng ta chấp nhận đau một thời gian để khối phổ thông phải nhìn lại chất lượng dạy và học của mình! Rất tiếc, sau năm đó “2 không” đã không được thực hiện nữa”.

Lãng phí

Số lượng môn thi tốt nghiệp giảm từ 6 xuống 4 các học sinh sẽ rất phấn khởi, ông Võ Thiện Quân, Hiệu trưởng THPT Đông Đô (Tây Hồ, Hà Nội) nói, nhưng, vấn đề cần được xem xét lại. Theo ông, tổng số các môn học là 13, nếu thi 6 môn như trước đây thì sẽ phản ánh được chính xác hơn, đầy đủ hơn kết quả học tập-thi gì học trò sẽ học nấy và sẽ lơ là các môn học khác, đặc biệt với môn Lịch sử, khi môn này được đặt vào vị thế tự chọn.

Nếu thí sinh không chọn thi môn này vì ngại nhớ nhiều sự kiện theo cách học thuộc lòng của việc dạy và ra đề thi như hiện nay thì việc đặt Lịch sử thành môn tự chọn sẽ khiến học sinh dần không học môn này và chúng ta đang đặt ra tiền đề cho một vấn đề xã hội mà sau này lại phải nhọc công tìm cách giải quyết, ông Quân nhấn mạnh.

Hướng tới một kỳ thi- từ khi ý tưởng này được đưa ra có khá nhiều ý kiến cho rằng: nên bỏ thi tốt nghiệp. Lạ thay, tại cuộc bàn thảo này, hầu hết các chuyên gia đều đưa các ý kiến: Ở Mỹ, các bang bắt đầu thi cuối bậc THPT, ở Úc thi, ở Hà Lan trước bỏ thi, thậm chí, tiểu học, nay bắt đầu thi tốt nghiệp cả tiểu học...

Về kỹ thuật thi, ông Quân phân tích, hiện Bộ đưa ra 4 phương án còn gây tốn kém hơn và phức tạp hơn cho việc tổ chức thi, tổ chức ôn tập, tài liệu phục vụ, đảm bảo an toàn cho kỳ thi... Nếu trước đây, mỗi buổi thí sinh thi 1 môn nhẹ nhàng thì nay, có thí sinh, do việc lựa chọn có thể phải thi 2 môn, 3 môn trong 1 ngày. Những người xếp lịch thi đã làm theo chủ quan của mình mà không tính đến người thi. Các nhà trường sẽ phải tổ chức ôn tập, tổ chức thi tới 8 môn...

Với môn Ngoại ngữ được đặt vào vị trí tự chọn, bà Nguyễn Phương Nga, nguyên Viện trưởng Viện đảm bảo chất lượng giáo dục ĐHQG HN bày tỏ quan điểm: Hằng năm, nước ta đầu tư tới mấy trăm tỷ đồng từ ngân sách cho đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 nhằm mục đích hội nhập. Bà Nga đặt câu hỏi: Ngàn tỷ đồng cho đề án ngoại ngữ mà không thi thì nên đóng cửa dự án vì không thi, học trò sẽ không học, ta sẽ hội nhập thế nào? Lịch sử các nước thi cả thì vì sao chúng ta lại bỏ, thành tự chọn.

Cần chữa nhiều bệnh

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nói: Xác định trình độ dân trí của một dân tộc được đánh giá bởi giáo dục phổ thông, qua 12 năm. Vì vậy, không thể muốn làm sao thì làm. Trước mắt, phải cải tiến bằng cách thi cử nghiêm chỉnh, thực chất. Sau đó một số trường, ví dụ cao đẳng, có thể căn cứ vào đó để tuyển; trường nghiên cứu thì phải có thêm kiểm tra xem thí sinh có đủ năng lực vào học không...

Tại buổi tọa đàm, GS Lâm Quang Thiệp đã đưa ra một mô hình thi cuối bậc phổ thông mang tính toàn diện, phủ khắp các môn học, dành cho đối tượng không nhất thiết là học xong bậc phổ thông và không khống chế thời gian thi với đề thi chủ yếu bằng phương pháp trắc nghiệm khách quan.

Các môn thi sẽ bao gồm: Toán, Tiếng Việt, Khoa học Tự nhiên (tích hợp kiến thức của các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học), Khoa học xã hội (tích hợp Văn, Lịch sử, Địa lý, Chính trị). Kỳ thi này nhằm 2 mục tiêu: Xác định trình độ tương đương tốt nghiệp THPT và cung cấp kết quả cho thí sinh để dự xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Ông Nguyễn Hữu Trí, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục, Ban Tuyên giáo T.Ư nói: Để đạt mục tiêu tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp, làm cơ sở để các trường có cách thức tự chủ tuyển sinh, chúng ta phải bỏ nhiều nhược điểm: thi cử của chúng ta thiếu độ tin cậy khiến học sinh và xã hội không có niềm tin. Sắp tới, ông Trí nói: Đổi mới là thi nghiêm túc, khách quan, chính xác làm sao để có tác dụng trở lại đối với công tác quản lý và công tác dạy học. Ông nhấn mạnh: nghịch lý của thi cử những năm qua là một mặt, chúng ta nói về tích cực sáng tạo, nhưng mặt khác lại thi cử theo sách giáo khoa; hoặc như bệnh ứng thí-bất chấp mọi thứ để thi. Những việc như thế cần được khắc phục trong quá trình đổi mới.

Ông Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường NCL cho biết, Hiệp Hội, Hội Khuyến học VN và Hiệp hội giáo dục cho mọi người sẽ tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện các phương án và trình chính phủ.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.