Cần có "khoán 10" trong giáo dục

Cần có "khoán 10" trong giáo dục
Các trường đại học cần được trao quyền tự chủ đầy đủ để phát huy cao nhất tính năng động và sáng tạo. Giao quyền tự chủ đầy đủ cho trường đại học cũng giống như khoán 10 trong nông nghiệp.
Cần có "khoán 10" trong giáo dục ảnh 1
Các trường đại học cần được tự quyết định chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh. Ảnh: Lao Động. 

>> Trao quyền tự chủ đầy đủ cho trường đại học

  

Giao quyền tự chủ đầy đủ cho các trường đại học cũng tương tự như khoán 10 trong nông nghiệp trước kia, đã giải phóng sức sản xuất của nông dân, đưa Việt Nam từ chỗ một nước thiếu ăn đến chỗ xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai, thứ ba trên thế giới.

Mỗi trường đại học là một trung tâm trí tuệ, có hiểu biết sâu về lĩnh vực đào tạo của mình, thấu hiểu nhất các vấn đề của nội bộ nhà trường, có tổ chức Đảng và các đoàn thể quần chúng, có đủ điều kiện cần thiết để hoạt động (đối với các trường đại học tư, các điều kiện này đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD&ĐT thẩm tra kỹ lưỡng khi ra quyết định thành lập trường).

Họ cần được trao quyền tự chủ đầy đủ để phát huy cao nhất tính năng động và sáng tạo của tập thể nhà trường, để các hoạt động của nhà trường đạt được hiệu quả cao.

Trường cần được tự quyết định nội dung đào tạo về chuyên môn. Kiến thức của loài người đang tăng lên nhanh chóng và luôn luôn biến động, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Nội dung chuyên môn cũng phải thay đổi kịp thời để theo kịp với thực tiễn (Thời gian trung bình là 6 tháng đối với công nghệ thông tin). Chính nhà trường chứ không phải Bộ, là nơi có hiểu biết và cập nhật nhanh nhất các thông tin trong lĩnh vực chuyên môn mà họ đào tạo.

Vì vậy, nhà trường cần được trao quyền tự quyết định nội dung đào tạo về chuyên môn. Bộ sẽ thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình thông qua các tổ chức kiểm định chất lượng - kiểm tra chặt chất lượng đầu ra trong khi mở rộng đầu vào.

Trường cần tự quyết định chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh. Căn cứ vào các khung pháp lý và quy chuẩn do Bộ GGD&ĐT ban hành, căn cứ vào nhu cầu nhân lực việc làm do các bộ, ngành, các doanh nghiệp đưa ra hàng năm và khả năng thực tế của nhà trường, trường được tự quyết định chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh.

Như vậy, không nên tổ chức kỳ thi đại học trong toàn quốc theo kiểu ba chung như đã làm, vừa tốn kém, vừa căng thẳng và chưa chắc đã lựa chọn được người tài theo đúng chuyên môn cần đào tạo.

Chẳng hạn, một trường chuyên đào tạo công nghệ thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực cho xuất khẩu phần mềm, sẽ đòi hỏi thí sinh không chỉ kiến thức về các khoa học cơ bản, mà còn khả năng tư duy sáng tạo, ngoại ngữ, tính năng động...

Từng trường có mẫu văn bằng riêng, đặc trưng cho trường mình. Trường được quyền in ấn, cấp phát bằng và chứng chỉ cho các học viên và tự chịu trách nhiệm về chất lượng văn bằng của mình.

GS Nguyễn Văn Đạo
Đại học Quốc gia Hà Nội
Theo Lao Động

MỚI - NÓNG