Cần đào tạo nhiều tiến sĩ chất lượng cao

Cần đào tạo nhiều tiến sĩ chất lượng cao
TPO - Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về chất lượng của kế hoạch đào tạo 20.000 tiến sĩ trong khoảng thời gian 10 năm của Bộ GD&ĐT. Đào tạo nhiểu tiến sĩ là đúng và cần thiết, tuy nhiên thực hiện như thế nào để vừa đạt được số lượng lớn, vừa đảm bảo chất lượng?
Cần đào tạo nhiều tiến sĩ chất lượng cao ảnh 1
Lễ phát bằng Tiến sĩ. Ảnh minh họa.

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Sỹ Tiến, chuyên viên cao cấp của Bộ GD&ĐT về vấn đề này.

Mở rộng đầu vào

Hiện nay, muốn dự thi đào tạo tiến sĩ, thí sinh phải có bằng thạc sĩ và có ít nhất một công trình nghiên cứu. Thí sinh cũng phải thi môn chuyên ngành, ngoại ngữ và bảo vệ đề cương nghiên cứu. Có lẽ đã đến lúc phải xem xét lại điều kiện nào là cần thiết, cũng như cách thức thi tuyển.

Theo tôi, cùng với những thí sinh có bằng thạc sĩ, nên mở rộng “cửa” cho những người là cử nhân tốt nghiệp xuất sắc mà thể hiện được năng lực nghiên cứu.

Ở nhiều nước hiện có chế độ đào tạo cử nhân honour (tạm dịch là cử nhân tài năng), các sinh viên tốt nghiệp hệ tài năng được trang bị kiến thức để thực hiện nghiên cứu. Vì thế, sinh viên tốt nghiệp honour được chấp nhận đào tạo tiến sĩ không cần học chương trình thạc sĩ.

Đây cũng là mô hình được áp dụng ở Viện Khoa học Công nghệ tiên tiến Nhật Bản (JAIST), khi họ dự định đào tạo tiến sĩ tài năng (Super Doctor Program).

Ở Nhật Bản, cử nhân được đào tạo trong 4 năm, nhưng hết năm thứ 3, Viện JAIST sẽ tuyển sinh viên ở những trường đại học uy tín với kết quả xuất sắc và thể hiện năng lực nghiên cứu.

Các sinh viên được tuyển sẽ hoàn thành năm thứ tư đào tạo cử nhân đặc biệt, tiếp sau đó sẽ làm nghiên cứu sinh 3 năm và 1 năm sau tiến sĩ tại Mỹ. Các sinh viên sẽ được hưởng học bổng đặc biệt và được tạo các điều kiện nghiên cứu tốt nhất.

Tất nhiên, không phải tất cả sinh viên tốt nghiệp cử nhân tài năng đều được đào tạo sớm thành tiến sĩ mà cần chọn lọc những sinh viên có năng lực nghiên cứu. Với những trường hợp xuất sắc, nên cử đi “làm” tiến sĩ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước.

Để đánh giá được năng lực nghiên cứu của sinh viên hệ cử nhân tài năng, có thể dựa trên công trình đã công bố của sinh viên hoặc dựa vào sự đánh giá của các nhà khoa học.

Những sinh viên tốt nghiệp cử nhân loại khá hoặc giỏi nhưng chưa được đánh giá về năng lực nghiên cứu thì vẫn phải học đầy đủ chương trình thạc sĩ trước khi được đào tạo tiến sĩ, kể cả khi ưu tiên đào tạo cho các vùng khó khăn.

Yêu cầu tối thiểu về ngoại ngữ cần quy định theo các chứng chỉ quốc tế. Trong giai đoạn đầu có thể chỉ yêu cầu 450 TOEFL hoặc 5.0 IELTS, nhưng không nên sử dụng loại chứng chỉ B, C, rất dễ có tiêu cực hay quay cóp trong thi tuyển.

Dần dần, yêu cầu về ngoại ngữ nên được tăng lên. Đối với ngoại ngữ khác chỉ nên sử dụng trong trường hợp vấn đề nghiên cứu cần các loại ngoại ngữ đó, và phải sử dụng quy định và cách kiểm tra của các nước đối với các ngoại ngữ này.

Một vấn đề khác muốn đề cập là không nhất thiết yêu cầu nghiên cứu sinh đã học ngành gì ở bậc đại học hoặc cao học thì chỉ được nghiên cứu và xây dựng luận án trong lĩnh vực đó.

Ví dụ, người có cơ sở kiến thức toán học ở bậc đại học hay cao học có thể nghiên cứu về kinh tế. Tất nhiên, trong quá trình nghiên cứu, các nghiên cứu sinh phải được trang bị thêm các kiến thức cần thiết.

Vấn đề tuyển chọn thí sinh và yêu cầu bổ sung kiến thức là trách nhiệm của các thầy hướng dẫn và cơ sở đào tạo. Không nên chỉ có một hình thức thi viết để tuyển nghiên cứu sinh, cần phát triển hình thức phỏng vấn, tiếp xúc trực tiếp để đánh giá khả năng sáng tạo và năng lực nghiên cứu của thí sinh.

Chỉ tiêu bám sát thực tế

Hiện tại, sau mỗi lần tuyển sinh, hầu hết các cơ sở đào tạo đều xin thêm chỉ tiêu và ít nhiều gì cơ sở cũng sẽ được thoả mãn trong cơ chế xin - cho. Với chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ, có thể sẽ có điều chỉnh trong việc giao chỉ tiêu và cách thức tuyển chọn thí sinh.

Nếu giao chỉ tiêu không dựa trên thực tế của cơ sở đào tạo và tuyển sinh quá lỏng, hoặc đưa ra nhiều ràng buộc không đáng có đối với thí sinh, đều có thể dẫn đến chất lượng và số lượng tiến sĩ không được cải thiện.

Có thể không cần giao chỉ tiêu cho một cơ sở đào tạo nào, thay vào đó yêu cầu các cơ sở đào tạo phải công bố các vấn đề khoa học hướng dẫn nghiên cứu sinh và xây dựng thành luận án tiến sĩ.

Các vấn đề khoa học này phải do một nhà khoa học, hoặc một nhà giáo thuộc cơ sở đào tạo, hoặc thuộc cơ sở khoa học, giáo dục khác liên kết với cơ sở đào tạo đảm nhận.

Các nhà khoa học, nhà giáo này cần được cơ sở đào tạo xem xét về khả năng và sự tích cực tham gia nghiên cứu khoa học trong vòng 5 - 7 năm gần đây. Nếu các nhà giáo, nhà khoa học không có công trình nghiên cứu trong lĩnh vực dự định tuyển nghiên cứu sinh thì cơ sở đào tạo không được tuyển nghiên cứu sinh trong lĩnh vực đó.

Công trình nghiên cứu khoa học của người hướng dẫn nghiên cứu sinh nên được xem xét qua các bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí nước ngoài hoặc các đề tài nghiên cứu các cấp đang triển khai.

Phần lớn các đề tài đã nghiệm thu không còn tính thời sự để tuyển nghiên cứu sinh và cũng không còn kinh phí để giúp cho nghiên cứu sinh triển khai nghiên cứu.

Những thông tin về hướng nghiên cứu khoa học và người hướng dẫn cần được thông tin trên mạng của Bộ GD&ĐT để mọi người phản biện về tính khoa học của các vấn đề nghiên cứu.

Tuỳ theo tính chất khoa học, mỗi hướng nghiên cứu có thể tuyển một hoặc nhiều nghiên cứu sinh. Đó là cơ sở để đảm bảo mỗi cơ sở đào tạo, trong từng giai đoạn có thể tuyển bao nhiêu nghiên cứu sinh.

Tăng cường nghiên cứu

Trên thế giới, đào tạo tiến sĩ bằng nghiên cứu đã trở thành nguyên lý, nếu không có nghiên cứu khoa học thì không thể đào tạo tiến sĩ. Điều đó đòi hỏi thầy và trò phải cùng hướng đến các vấn đề có ý nghĩa và giải quyết theo một phương pháp khoa học, kết quả của công việc nghiên cứu này phải có tính khoa học và tính mới.

Mục tiêu đào tạo tiến sĩ cũng nhằm phục vụ nghiên cứu, đó là đào tạo ra những người làm công tác nghiên cứu. Đào tạo giảng viên cho các trường đại học chính là đào tạo đội ngũ những nhà nghiên cứu, vì công tác giảng dạy đại học được hiểu là phải gắn với nghiên cứu khoa học.

Muốn đào tạo bằng nghiên cứu, yêu cầu tất yếu phải có phương tiện nghiên cứu bao gồm phòng thí nghiệm, trang thiết bị thí nghiệm và kinh phí cho nghiên cứu.

Chúng ta cũng vui mừng thấy trong phương hướng cải tiến chính sách tài chính của Bộ GD&ĐT sẽ tăng kinh phí đào tạo tiến sĩ lên mức hợp lý. Tuy vậy, những điều kiện này không phải dễ dàng được đáp ứng trong một thời gian ngắn.

Gần đây, trong khuôn khổ các đề án đào tạo tại nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (Đề án 322) phát triển phương thức phối hợp đào tạo tiến sĩ (1,5 hoặc 2 năm đào tạo tại Việt Nam và 2 hoặc 2,5 năm đào tạo tại nước ngoài).

Trong phương thức phối hợp đào tạo này, Giáo sư Việt Nam tham gia bồi dưỡng kiến thức và đồng hướng dẫn với Giáo sư nước ngoài. Các yêu cầu đối với người nghiên cứu và yêu cầu chất lượng cũng như các quy định đối với một luận án tiến sĩ phải tuân theo yêu cầu của trường đại học nước ngoài.

Các trường nước ngoài tham gia chương trình phối hợp đào tạo tiến sĩ được lựa chọn là các trường có uy tín, có thương hiệu quốc tế, sẽ cấp bằng tiến sĩ. Do đó chất lượng đào tạo tiến sĩ theo phương thức phối hợp không còn là vấn đề phải lo lắng.

Hơn nữa, các vấn đề nghiên cứu của nghiên cứu sinh thuộc chương trình phối hợp đào tạo tiến sĩ sẽ gắn với thực tế Việt Nam, các giảng viên Việt Nam sẽ học tập thêm kinh nghiệm và cộng tác nghiên cứu với bạn bè quốc tế cụ thể hơn.

Ngoài ra, các trường đại học Việt Nam có nhiều quan hệ song phương với các trường đại học nước ngoài, nên tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế để cử nhiều cán bộ trẻ đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài, nhưng chú ý cần phải là các trường đại học được kiểm định và có uy tín trong đào tạo tiến sĩ. 

Quy định rõ ràng

Điểm quan trọng để đảm bảo chất lượng đào tạo tiến sĩ là phải có một quy định rõ ràng về tính mới, tính khoa học cần thiết của một luận án tiến sĩ. Tính mới và khoa học thường được gọi chung là tính độc đáo hoặc nguyên bản (originality) của luận án.

Rất khó thống nhất với nhau về vấn đề này, nhưng theo kinh nghiệm của một số nước, nếu yêu cầu nghiên cứu sinh trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ phải công bố được ít nhất một bài báo trên tạp chí khoa học ở nước ngoài là biện pháp tốt nhất đảm bảo tính mới của luận án.

Rất ít khi tạp chí khoa học ở nước ngoài cho công bố những vấn đề không đủ tính khoa học và không có tính mới. Hơn nữa, có công bố bài báo ở các nước tiên tiến thì vấn đề nghiên cứu mới có thể thông tin đến đồng nghiệp trên phạm vi quốc tế và ngược lại sẽ nhận từ cộng đồng khoa học sự đánh giá khách quan và thấy rõ ý nghĩa của vấn đề đã nghiên cứu khi bài báo được nhiều người trích dẫn, sử dụng.

Không nên sợ khả năng ngoại ngữ của nghiên cứu sinh không cho phép việc viết báo bằng ngoại ngữ. Với yêu cầu ban đầu về ngoại ngữ  như  trên thì nhiều nghiên cứu sinh còn gặp khó khăn trong vấn đề này, nhưng không ai cấm nghiên cứu sinh nhờ dịch bài báo ra ngoại ngữ. Vấn đề quan trọng là nội dung và hàm lượng khoa học của bài báo.

Về phía các thầy hướng dẫn, với quy định nghiên cứu sinh phải công bố bài báo ở nước ngoài, sẽ sàng lọc được những người tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh.

Thông thường bài báo công bố là công trình chung của thầy và trò, nên chỉ những người đã hoặc triển vọng sẽ có quan hệ hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu hoặc tạp chí nước ngoài mới đủ điều kiện tham gia hướng dẫn với nhiệm vụ sẽ cùng trò của mình công bố công trình ở nước ngoài.

Những người chưa đủ khả năng này nên tự giác không nhận nghiên cứu sinh, vì kết quả cuối cùng nếu nghiên cứu sinh không thành công thì một phần trách nhiệm thuộc thầy hướng dẫn.

Cũng không nên có nhiều ngoại lệ cho ngành này hay ngành kia được miễn công bố bài báo ở nước ngoài. Có lẽ chỉ nên ngoại lệ cho các vấn đề thực sự có tính bí mật quốc gia.

Những ngành khoa học xã hội nhân văn đều có thể tìm được tạp chí phù hợp ở nước ngoài, nếu thực sự có người thầy giỏi và có uy tín. Chỉ có như vậy uy tín của khoa học xã hội nhân văn nước ta mới được nâng cao trên phạm vi quốc tế.

Khi đã có quy định nhằm đảm bảo tính mới, tính khoa học một cách cụ thể như đã nêu, thì Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ sẽ giao cho các cơ sở đào tạo thành lập. Hội đồng sẽ tập trung đánh giá các kiến thức yêu cầu nghiên cứu sinh phải trang bị thêm, buổi bảo vệ chỉ còn mang tính thủ tục.

Ở một số nước, người ta không yêu cầu nghiên cứu sinh phải bảo vệ luận án trước một hội đồng. Thay vào đó, họ đề nghị một số nhà khoa học nước ngoài chấm luận án theo phương thức đánh giá kín.

GS-TSKH Phạm Sỹ Tiến
Chuyên viên cao cấp Bộ GD&ĐT

MỚI - NÓNG