Qua các vụ việc kiểu SITC:

Cần kiểm định, cấp dấu chất lượng các cơ sở đào tạo

Cần kiểm định, cấp dấu chất lượng các cơ sở đào tạo
TP - Tại Việt Nam đã xuất hiện các cơ sở đào tạo 100% vốn nước ngoài, hoặc liên doanh giảng dạy, đào tạo. Một số cơ sở đã gây ra những vụ xì-căng-đan làm người học thất vọng.
Cần kiểm định, cấp dấu chất lượng các cơ sở đào tạo ảnh 1
Ảnh: Hồng Vĩnh

Việc quản lý các cơ sở loại này đang là vấn đề cấp thiết.

Nhiều người còn nhớ vụ trường ĐH châu á  đã “treo” số phận của hàng ngàn sinh viên lơ lửng cho đến khi Bộ GD-ĐT buộc phải đứng ra dàn xếp theo một giải pháp mang tính tình thế; tiếp theo là trung tâm Tin học lấy danh nghĩa của Hội Tin học VN chỉ ghi danh lấy chứng chỉ không tổ chức  học hành tử tế cho người học.

Gần đây nhất, vụ việc của Cty Liên doanh trường Quốc tế Hà Nội lại nổi cộm với một số sai phạm: Bản tiếng Anh của Điều lệ Cty liên doanh không có (hay bỏ qua?) hai nội dung quan trọng so với bản tiếng Việt; sau 9 năm hoạt động trường này vẫn không có Quy chế hoạt động và chương trình giảng dạy được Bộ GD-ĐT phê duyệt; trường đã tự ý vượt rào đào tạo học sinh trong quá trình hoạt động, Hội đồng quản trị không đưa ra các kế hoạch kinh doanh cụ thể, không ký hợp đồng lao động với Tổng GĐ, Phó tổng GĐ, Kế toán trưởng...

Theo đề  nghị của Thanh tra Chính phủ mới đây (ngày 09/1/2006), trường này phải chấn chỉnh, sửa chữa các sai phạm; nếu không chấn chỉnh và không thống nhất được giữa các bên trong việc phối hợp, điều hành, quản lý thì sẽ được đề nghị  giao cho các Bộ KHĐT, GD-ĐT và Bộ Tài chính nghiên cứu, cân nhắc trình Thủ tướng Chính phủ giải pháp xử lý dứt điểm theo hướng: Rút giấy phép đầu tư hoặc thay đổi đối tác liên doanh.

Đầu năm 2006, sự sụp đổ hàng loạt của hệ thống Trung tâm đào tạo quản lý cao cấp SITC tại nhiều thành phố lớn lại làm dư luận xôn xao. Những sai phạm bước đầu của SITC như Sở GD-ĐT TP HCM kết luận  là: Quảng cáo sai giấy phép; chiêu sinh đào tạo không đúng chức năng; cấp giấy chứng nhận không đúng mẫu... và theo nhận định ban đầu của một cơ quan có trách nhiệm là  bước đầu có dấu hiệu lừa đảo.

Một câu hỏi được đặt ra là vì sao từ năm 2002, tiền thân của SITC là Trung tâm Anh ngữ SIMI đã bị Sở GD-ĐT TP HCM cảnh cáo vì hành vi hoạt động ngoài chức năng cho phép và yêu cầu chấm dứt các hoạt động này nhưng SITC vẫn được cấp phép, hoạt động đến nay; hơn nữa, còn phát triển rộng rãi ra các tỉnh, TP lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hoà và Bà Rịa Vũng Tàu?

Nhiều ý kiến cho rằng, trước xu hướng đặt niềm tin vào các nhà GD-ĐT ngoại quốc của các phụ huynh học sinh hiện nay, ngành GD-ĐT, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực quan trọng này cần kiểm định chất lượng các cơ sở đào tạo này và có thông báo rộng rãi để người học không bị rơi  vào tay những cơ sở kém chất lượng hoặc thậm chí lừa đảo.

Ông Trần Bá Giao, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết việc kiểm định các cơ sở này là chưa thể thực hiện được. Hiện nay ngành GD-ĐT mới chỉ tiến hành công việc kiểm định chất lượng của các trường ĐH và tính đến thời điểm này mới chỉ có 10 trường ĐH đăng ký kiểm định chất lượng và một số ít trường khác đang rục rịch chuẩn bị.

Ông Trần Bá Giao cho rằng, trong lúc chưa kiểm định được chất lượng thì phải có một cơ chế nào đó để những cơ sở đào tạo nước ngoài hay liên doanh tại VN cũng như các trung tâm bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ, tin học mang tính phổ thông như các dạng kể trên có trách nhiệm báo cáo hoạt động của mình cho ngành GD-ĐT và ngành cần thiết kế một kênh để thông báo rộng rãi cho người học biết được những thông tin tối thiểu như tên cơ sở đào tạo, lĩnh vực đào tạo, bằng cấp, chứng chỉ, học phí và địa chỉ tin cậy... để người học định hướng.

Và nhất thiết trong tương lai cần có sự kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng, cấp dấu chất lượng cho những cơ sở giáo dục kể trên. 

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.