Cần thay đổi cách xét và công nhận chức danh GS, PGS hiện nay

Cần thay đổi cách xét và công nhận chức danh GS, PGS hiện nay
TP- Việc xét và công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư (dưới đây để cho gọn xin gọi chung là Giáo sư) ở nước ta đã được tiến hành một cách có hệ thống từ ngót ba chục năm nay.
Cần thay đổi cách xét và công nhận chức danh GS, PGS hiện nay ảnh 1
Đại học Bách khoa Hà Nội

Nhìn chung, công việc này đã có tác dụng tích cực đến việc xây dựng và chuẩn hóa đội ngũ giảng dạy đại học, đã khích lệ, thúc đẩy các nhà giáo, nhà khoa học phấn đấu vươn lên trình độ cao hơn, công hiến nhiều hơn, có hiệu quả hơn cho sự nghiệp giáo dục, khoa học và phục vụ xã hội.

Tuy nhiên, công tác này đã bộc lộ những điều bất ổn, cần được xem xét, điều chỉnh lại cho đúng hướng.

Trước hết, nói về quan niệm giáo sư. Từ khởi đầu của việc phong Giáo sư  đến nay, về thực chất chúng ta vẫn coi Giáo sư là một danh hiệu nhằm tôn vinh, công nhận trình độ và thành tích của nhà giáo và nhà khoa học giảng dạy đại học, chứ không phải là một chức vụ giảng dạy ở đại học gắn với nhiệm sở ở một trường đại học cụ thể.

Để cho dễ hiểu, ta lấy ví dụ khi bổ nhiệm một vụ trưởng của một bộ thì phải xác định rõ vụ trưởng của vụ nào? Sau khi được bổ nhiệm, người vụ trưởng đó phải thực hiện ngay chức trách của mình ở vụ đó và cũng chỉ ở Vụ đó mà thôi!

Nếu ông Vụ trưởng nghỉ hưu thì người khác sẽ được bổ nhiệm làm Vụ trưởng, thay thế vào chỗ khuyết đó. Cách làm của ta không giống  với cách làm ở các nước, tại đó không có khái niệm giáo sư chung chung của cả nước, mà chỉ có giáo sư của trường đại học A, B cụ thể và giáo sư chỉ được bổ nhiệm khi có yêu cầu và khuyết chỗ (vấn đề này đã  được học giả Lê Văn Giạng và nguyên giáo sư Đại học Paris Bùi Trọng Liễu  giải thích rất rõ, chẳng hạn xem  báo Tiền phong Chủ nhật số ra ngày 28/11/2004).

Thứ hai, về cách tiến hành lựa chọn giáo sư. Hiện nay, việc công nhận chức danh giáo sư không xuất phát từ yêu cầu của trường đại học cụ thể, mà chỉ là công nhận người đủ tiêu chuẩn làm giáo sư của Việt Nam nói chung.  Thủ tục xét công nhận chức danh giáo sư  phải  thông qua ba Hội đồng.

1. Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở (HĐCDGSCS) (của trường đại học, viện nghiên cứu khoa học hoặc liên cơ sở giáo dục đại học và sau đại học) xem xét hồ sơ của các  ứng viên thuộc biên chế cơ hữu của đơn vị mình và của những người được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) giới thiệu tới và kiến nghị lên HĐCDGSNN công nhận chức danh giáo sư cho những người đủ tiêu chuẩn.

2. Hội đồng chức danh giáo sư ngành và liên ngành chuyên môn (HĐCDGSN) xem xét và đề nghị HĐCDGSNN công nhận chức danh giáo sư cho những người đủ tiêu chuẩn thuộc danh sách do HĐCDGSNN chuyển đến.

3. Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước (gồm đại diện của tất cả các ngành chuyên môn) xem xét các đề nghị của HĐCDGSN và có tiếng nói quyết định cuối cùng bằng cách bỏ phiếu cho từng ứng viên chức danh giáo sư.

Trong thủ tục lựa chọn giáo sư này có những bất ổn sau đây. HĐCDGSCS không sát về chuyên môn của từng ứng viên, nên sẽ chỉ có những đánh giá chủ yếu về những vấn đề phi chuyên môn.

HĐCDGSNN gồm tất cả các ngành chuyên môn, nên cũng không thể đánh giá về chuyên môn, càng không thể đánh giá về phẩm chất của ứng viên như ở HĐCDGSCS, nên việc xét duyệt ở đây chỉ mang tính hình thức, căn cứ vào HĐCDGSCS và HĐCDGSN. Trong thực tế vừa qua, hàng năm HĐCDGSNN xét hàng mấy trăm ứng viên, nhưng nhiều nhất cũng chỉ loại bỏ  được 1 hoặc 2 người.

Như vậy, chỉ có HĐCDGSN chuyên môn cấp nhà nước là có thực chất nhất trong việc xem xét các ứng viên có đủ tiêu chuẩn Giáo sư về mặt chuyên môn hay không? 

Để cho giáo sư thực sự là một chức vụ giảng dạy ở đại học, chúng tôi đề nghị cách thức xét và công nhận giáo sư  theo trình tự sau đây:

1. Từng trường đại học cần định rõ số lượng giáo sư cần thiết cho trường mình: Bộ môn nào, cần bao nhiêu giáo sư? Hàng năm trường công bố các vị trí giáo sư cần tuyển (do chưa có hoặc khuyết).

Đối với trường công lập, vì Nhà nước trả lương nên số lượng giáo sư của trường và số giáo sư tuyển bổ sung hàng năm phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Các trường đại học tư tự trả lương cho cán bộ nên họ sẽ tự quyết định số lượng giáo sư bổ sung hàng năm cho trường mình. 

2. Căn cứ vào thông báo tuyển giáo sư của trường đại học, các ứng viên trong cả nước tự xét thấy đủ tiêu chuẩn sẽ nộp hồ sơ ứng cử cho trường.

3. Các Hội đồng ngành chuyên môn của Nhà nước (do Bộ GD&ĐT thành lập) sẽ giúp các trường xem xét, đánh giá năng lực chuyên môn của ứng viên qua  những hồ sơ dự tuyển chức vụ giáo sư, đảm bảo sự đồng đều về trình độ  chuyên môn của giáo sư trong các trường đại học công lập.

Đối với trường đại học tư thì điều này không bắt buộc. HĐCDGSN cần xem trọng chất lượng các công trình nghiên cứu của ứng viên,vì như ta biết: có công trình có giá trị gấp cả chục lần công trình khác.

4. Căn cứ vào kết quả xem xét đánh giá năng lực chuyên môn của các ứng viên của Hội đồng ngành chuyên môn của Nhà nước, sau khi tìm hiểu kỹ về mọi mặt của ứng viên, Hội đồng trường đại học bổ nhiệm chức vụ giáo sư cho trường mình.

Người được bổ nhiệm sẽ trở thành giáo sư ở trường đại học đó, vào chỗ khuyết đó và cũng chỉ vào chỗ khuyết đó thôi. Từ nay về sau, khi xưng danh giáo sư cần nói rõ là giáo sư của trường nào. Có như vậy, giáo sư mới là một chức vụ giảng dạy ở đại học.

Bằng cách làm như kể trên, giáo sư sẽ nhận nhiệm vụ mới ngay tại trường đại học của mình được bổ nhiệm. Cũng bằng cách này, các trường đại học ở cách xa những trung tâm lớn như Hà Nội, TPHCM mới có cơ hội tuyển chọn được các giáo sư cho trường mình và việc xét công nhận giáo sư mới có tác dụng thiết thực.

GS. Nguyễn Văn Đạo - Đại học QG Hà Nội

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.