Cần thay đổi cơ chế quản lý tài chính trong GD & ĐT

Cần thay đổi cơ chế quản lý tài chính trong GD & ĐT
TP - Hôm qua (6/3), tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị đối thoại thường niên lần thứ 2 giữa lãnh đạo Bộ GD&ĐT với nhóm các nhà tài trợ quốc tế cho giáo dục.

Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT), đến nay ngành GD&ĐT có 9 dự án ODA vốn vay với tổng giá trị đầu tư là 825,40 triệu USD.

Trong đó có 3 dự án đã kết thúc (dự án GV Tiểu học; DA GD Đại học; DA GV THCS). Ngoài ra, có 6 dự án TA (viện trợ không hoàn lại) đều đang được thực hiện với tổng số vốn 25,1 triệu USD...

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, thông qua hợp tác ODA những năm qua, các nhà tài trợ giúp hệ thống GD Việt Nam từ bậc mầm non tới đại học trên các khía cạnh:

Nghiên cứu chính sách giúp GD Việt Nam phát triển phù hợp quy luật; tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống GD phổ thông; hình thành những cơ sở đào tạo nghề nghiệp có trình độ quốc tế. Tại hội nghị thường niên năm nay, sử dụng hiệu quả đến mức độ nào vốn đầu tư là một băn khoăn của các nhà tài trợ.

Trước cam kết của Bộ GD & ĐT về việc thực hiện mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 70% học sinh được học 2 buổi/ ngày (năm 2020 là 100%), đại diện một nhà tài trợ tỏ ra lo ngại chi phí cho GD sẽ tăng. Vị đại diện này bày tỏ sự băn khoăn: “Liệu điều này có ảnh hưởng tới chính sách phổ cập GD tiểu học miễn phí hay không?”.

Ngoài ra, đại diện các nhà tài trợ còn quan tâm tới chương trình trao học bổng, trợ cấp và cho vay đối với những HS và SV có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Cơ hội tiếp cận GD và hưởng thụ công bằng; đảm bảo tính minh bạch trong quản lý tài chính và các dịch vụ.v.v... là những vấn đề được các nhà tài trợ đặt ra.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng chia sẻ với băn khoăn của các nhà tài trợ: “Chúng tôi mong muốn cải thiện vấn đề quản lý tài chính, nâng cao trách nhiệm giải trình của các Bộ, khuyến khích sự tham gia của chính quyền địa phương về vấn đề này.

Bộ GD&ĐT chỉ chiếm một phần nhỏ trong quản lý tài chính nên không thể kiểm tra và theo dõi hết tính hiệu quả trong chi tiêu cho GD. Tôi cho rằng cơ chế này sẽ cần được thay đổi trong thời gian tới nếu chúng tôi muốn tăng tính hiệu quả trong đầu tư cho GD”.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, hệ thống quản lý tài chính của hoạt động GD ở ta đang rất phân tán. Ví dụ với các trường ĐH, Bộ GD&ĐT quản lý 1/3, còn 2/3 là các Bộ khác và địa phương quản lý.

Hoặc Chính phủ dành một tỉ trọng rất lớn ngân sách nhà nước cho GD (20%) nhưng Bộ GD&ĐT chỉ quản lý trực tiếp 5%; 95% là các Bộ khác hoặc địa phương quản lý. Theo quy chế hiện nay họ không cần báo cáo về Bộ GD&ĐT hiệu quả đầu tư.

Phó Thủ tướng nói: “Đây là thực trạng tồn tại rất lâu và chúng ta (Chính phủ - PV) không yên tâm vì cách làm này. Hiện Bộ GD&ĐT đang soạn thảo đề án đổi mới cơ chế quản lý tài chính có nội dung đó: phải sắp xếp lại sự quản lý hợp lý hơn, phải có phối hợp quy định trách nhiệm trong việc xác định định mức chi và báo cáo kết quả. Dự kiến, tháng 4/2008 công bố đề án này.

Về ngắn hạn, năm học 2008 – 2009 là năm học có chủ đề ứng dụng CNTT và đổi mới quản lý tài chính. Trong đó có nội dung sẽ đào tạo các hiệu trưởng về quản lý tài chính (từ bậc phổ thông + ĐH). Bậc ĐH thì tự chúng ta làm lấy. Bậc phổ thông sẽ tiến hành thông qua một dự án ODA”.

MỚI - NÓNG