Cần vận dụng kiến thức, tránh học tủ

TP - Đề thi THPT quốc gia các môn xã hội năm nay tiếp tục được ra theo hướng mở yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức, hiểu biết xã hội, hạn chế ghi nhớ thuộc lòng các sự kiện để làm bài…

Theo một số giáo viên, hiện Bộ GD&ĐT đã ra đề mẫu, các bộ môn dựa vào đó để ôn tập cho thí sinh cách học, cách làm bài. Cô Phan Hà Thanh, giáo viên môn Văn Trường THPT Lê Qúy Đôn (Hà Nội) cho biết, khi đi chấm thi cô thấy học sinh thường mắc vào lỗi viết quá sa đà, tản mát mà không tập trung xây dựng ý tứ để ăn điểm. Cô Thanh ví dụ, trong đề thi THPT quốc gia môn Văn năm 2015, đề đưa ra một trích đoạn trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa yêu cầu thí sinh phân tích hình tượng Người đàn bà làng chài. Tuy nhiên, nhiều thí sinh không có kỹ năng đọc hiểu đề nên sa đà phân tích hình tượng người đàn bà làng chài xuyên suốt tác phẩm.

Tránh học tủ

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng, nỗi khiếp sợ của thí sinh khi thi môn Sử là buộc phải nhớ các con số, sự kiện. Tuy nhiên, với cách ra đề như hiện nay, đề yêu cầu học sinh hiểu nguyên nhân, tính chất, đánh giá sự kiện vì thế học sinh hoàn toàn yên tâm không phải nhớ máy móc hay thuộc lòng sách giáo khoa. 

Theo thầy Hiếu, để ôn tập môn Lịch sử hiệu quả, học sinh nên chia lịch sử theo từng giai đoạn. Học sinh cần nắm mỗi giai đoạn giải quyết nội dung cơ bản gì, sự kiện nào cốt lõi, nắm nguyên nhân, hậu quả. Sau đó, học cách tư duy xâu chuỗi sự kiện để nêu quan hệ nhân quả. Một điều cấm kỵ mà học sinh nên tránh là học tủ, học chuyên đề theo kiểu võ đoán như nội dung này đã ra năm trước năm nay sẽ không ra. Một câu hỏi rất dễ nhưng nếu không nắm được kiến thức cơ bản, thí sinh cũng không thể làm được bài.

Cô Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổ trưởng môn Ngữ Văn Trường THPT Hoài Đức B cho hay, Bộ GD&ĐT vừa ra đề mẫu vì thế cách ôn tập hiệu quả nhất là học sinh bám phom đề để học. Theo cô Nga, phom đề có 3 phần, phần 1 là đọc hiểu (3 điểm), phần 2 nghị luận xã hội (3 điểm) và phần nghị luận văn học (4 điểm). Với phần đọc hiểu, học sinh cần nắm kỹ các phương thức diễn đạt, biện pháp tu từ, phong cách ngôn ngữ…

Theo cô Nga dựa vào cơ cấu đề thi năm ngoái, độ mở được đánh giá khoảng 30-40%, còn lại vẫn bám sách giáo khoa. Vì thế, ngoài kiến thức sách giáo khoa, học sinh cần cập nhật thông tin thời sự, xã hội để vận dụng trong phần nghị luận xã hội (3 điểm). Cô Thanh cũng cho rằng, với đề Ngữ Văn, học sinh khá cạnh tranh nhau ở câu nghị luận Văn học và nghị luận xã hội. Phần vận dụng nhiều kiến thức ngoài sách giáo khoa nhất là phần nghị luận xã hội. Phần này học sinh tập làm các dạng đề này theo dàn ý 3 nội dung gồm: giải thích vấn đề, bình luận vấn đề và rút ra bài học cho bản thân. Với cách lập dàn ý này, khi gặp bất cứ chủ đề nào, học sinh cũng có thể vận dụng linh hoạt.

MỚI - NÓNG