Căng thẳng cuộc đua vào trường “điểm”

Căng thẳng cuộc đua vào trường “điểm”
Thời điểm này, nếu ông bố, bà mẹ nào có con chuẩn bị vào lớp 1, lớp 6 mà vẫn chưa chắc chắn xin được một suất, nhất là trái tuyến, vào những trường danh tiếng, thì tâm trạng hẳn như đang ngồi trên đống lửa.
Căng thẳng cuộc đua vào trường “điểm” ảnh 1
Tiểu học Kim Liên là một trong những trường chịu áp lực vì xin học trái tuyến cao - Ảnh Tuệ Nguyễn (Thanh Niên).

Mặc dù theo lịch tuyển sinh mà UBND TP Hà Nội vừa chính thức phê duyệt, việc tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 đối với học sinh (HS) đúng tuyến được tiến hành từ ngày 1 - 15/7. Sau thời điểm này, nếu còn chỉ tiêu mới bắt đầu tuyển HS trái tuyến cho đủ chỉ tiêu được giao.

Tuy nhiên, cuộc chạy đua ngấm ngầm vào các trường danh tiếng trên địa bàn thành phố đã bắt đầu từ ngay sau tết và thời điểm này được xem là giai đoạn “nước rút”.

Năm nay, theo dự kiến của Sở GD-ĐT, toàn thành phố sẽ tuyển khoảng 68.000 trẻ vào lớp 1 và 78.000 trẻ vào lớp 6. Theo nhận định của một số trường, năm tới, tuổi đi học của trẻ là Quý Mùi (năm 2003) nên tuyển sinh vào lớp 1 sẽ căng hơn do trẻ 6 tuổi đông. Trong khi đó, quy mô về trường lớp trên địa bàn lại hầu như không tăng.

"Cuộc đua" có vẻ càng căng thẳng khi năm nay, UBND TP chỉ đạo giảm mạnh số học sinh trái tuyến. Chị T.V.H (Bắc Linh Đàm) không giấu nổi sự lo lắng khi lên một danh sách có tới 5 trường để xin cho con mình vào lớp 1. “Nếu phương án 1 không thực hiện được thì sẽ tính đến các phương án còn lại” - chị nói.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, những trường hợp như gia đình chị T.V.H  không phải là hiếm. Đó là những người không thiếu tiền, cũng không tiếc tiền để xin cho con mình được một suất vào những trường danh tiếng nhất thành phố.

Tuy nhiên, điểm yếu của họ là thiếu các mối quan hệ để làm cầu nối tiếp cận với những người có quyền nhận HS vào học trái tuyến. Do vậy, cùng một lúc họ phải dự phòng nhiều phương án.

Một bà cụ bán trà quán cóc trên phố Nhà Chung (nơi có hai trường “điểm” của quận Hoàn Kiếm là tiểu học Trần Quốc Toản và Bán công Tràng An) cho biết: Thời điểm này, hầu như ngày nào cũng có người đến quán của tôi ngồi để dò la tin tức, tìm mọi cách để xin học cho con vào một trong hai trường này.

Bà cụ này còn kể: Năm trước đã có trường hợp do quá nôn nóng và cả tin nên đã bị bọn xấu lừa lấy tiền để “chạy” trường, mất cho bọn chúng gần chục triệu đồng mà cuối cùng vẫn không xin được học cho con.

Tuy nhiên, những thông tin được rỉ tai nhau giữa các bậc phụ huynh rằng, vào trường T mất 5 “vé”, trường L mất “7” vé, thậm chí hàng chục “vé” đã không phải là những chuyện lạ lẫm nữa và trên thực tế, đó không chỉ dừng lại ở những lời đồn thổi.

Theo thống kê (không chính thức), trên địa bàn Hà Nội có khoảng vài chục trường tiểu học công lập rơi vào tình trạng "áp lực" tuyển sinh do phụ huynh quyết nhắm cho con vào các trường này.

Những trường phải kể đến như: Quang Trung, Thăng Long, Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm); Kim Liên, Nam Thành Công (quận Đống Đa); Lê Ngọc Hân, Lê Văn Tám (Hai Bà Trưng); Kim Đồng, Thành Công A (Ba Đình)... Số HS trái tuyến của các trường này thường chiếm khoảng 30 - 50% chỉ tiêu.

Ông Đỗ Vũ - Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình, Hà Nội tâm sự: "Chúng tôi vẫn phải chấp nhận tỉ lệ HS trái tuyến của toàn quận khoảng 15 - 20%; một số trường điểm vẫn phải vượt sĩ số so với quy định, cá biệt có trường sĩ số lên tới 50 HS/lớp, trong khi theo quy định, bậc tiểu học không quá 35 HS/lớp". 

Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, đối với HS tiểu học, phụ huynh không nên nặng nề chọn trường, lớp cho con do chương trình đã được thống nhất chung theo chỉ đạo. Nếu vì chọn trường mà HS phải đi quá xa sẽ gây căng thẳng khi đi trên đường do âm thanh xe cộ, thời tiết, tạo sự mệt mỏi.

“Hơn nữa, ở những trường có áp lực tuyển sinh sẽ có sĩ số đông nên cô giáo khó quan tâm đến trẻ như các trường khác", ông Tiến góp ý thêm.

Theo Tuệ Nguyễn
Thanh Niên

MỚI - NÓNG