Căng thẳng như thi vào lớp 10 ở Hà Nội

Kẻ cười, người khóc ảnh: Như Ý
Kẻ cười, người khóc ảnh: Như Ý
TP - Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đã kết thúc sau 2 ngày thí sinh chiến đấu với 4 môn thi đầy căng thẳng. Đã có những nụ cười, niềm vui nhưng cũng có những giọt nước mắt của thí sinh rơi xuống vì đề khó, vì căng thẳng do không làm được bài như ý. 

Ðề Lịch sử, Ngoại ngữ giải tỏa áp lực cho thí sinh

Sáng ngày 3/6, thí sinh Hà Nội bước vào 2 môn thi gồm Ngoại ngữ, Lịch sử. Đây là năm đầu tiên Hà Nội tổ chức thi 4 môn nên học sinh không tránh khỏi tâm lý áp lực, căng thẳng. Sau 2 giờ làm bài thi 2 môn cuối cùng là Lịch sử và Ngoại ngữ, mỗi môn 60 phút, thí sinh rời điểm thi với tâm trạng khá thoải mái chia sẻ, đề thi cơ bản, học sinh khá, giỏi kỳ vọng đạt điểm 9, 10, học sinh trung bình dễ lấy điểm 6,7.

Thí sinh Nguyễn Hoàng Mai, học sinh trường THCS Thanh Trì chia sẻ, em khá tự tin đạt điểm cao. Bởi vì đề ra kiến thức cơ bản, kiến thức trong sách giáo khoa, chỉ cần đọc kỹ sách, không cần đi luyện thi cũng có thể làm được tất cả các câu hỏi.

Tại điểm thi THPT Việt Đức, thí sinh Trần Ngọc Ánh cũng nhận định, đề Ngoại ngữ và Lịch sử đều ra kiến thức rất cơ bản, không làm khó thí sinh. Cũng theo Ngọc Ánh, trước đó, em cũng như các bạn áp lực và hình dung mức độ đề sẽ khó hơn nên ôn tập kỹ chương trình, sách giáo khoa cũng như học nâng cao hơn. Vì thế, khi đọc đề, em đã thở phào nhẹ nhõm và dự đoán sẽ được điểm 9.

Cô Bùi Hồng Yến, giáo viên Trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhận định, đề thi môn Lịch sử phù hợp với năng lực đa số học sinh, không có câu hỏi đánh đố, không có đáp án gây nhiễu. Nội dung kiến thức xuyên suốt đề thi đều nằm trong chương trình lớp 9, trong đó trải đều từ lịch sử thế giới đến lịch sử Việt Nam. Học sinh chỉ cần học sách giáo khoa có thể làm hết được đề.

Cũng theo cô Yến, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay là năm đầu tiên thi môn Lịch sử. Tuy nhiên, cách ra đề môn Lịch sử như vậy là phù hợp, tránh áp lực cho học sinh những năm tiếp theo”, cô Yến nói. Cô dự đoán, phổ điểm môn Lịch sử năm nay sẽ từ 7-9, trong đó, học sinh trung bình có thể làm được 6,5-7 điểm, học sinh khá sẽ làm được 8, 9 điểm.

Tương tự, đề thi Ngoại ngữ cũng được các thí sinh và giáo viên đánh giá nội dung cơ bản, học sinh học trong sách giáo khoa có thể làm được đến
điểm khá.

Căng thẳng như thi vào lớp 10 ở Hà Nội ảnh 1

Kẻ cười, người khóc ảnh: Như Ý

Cả phụ huynh lẫn học sinh đều căng thẳng

Chứng kiến các phụ huynh đợi con ở cổng điểm thi mới thấy, có phụ huynh kể, “khâm phục cả cô giáo” vì 7 giờ 15 phút mới vào học chính thức nhưng hàng tháng trời, đúng 6 giờ 30 bất kể mưa hay nắng, cô đã có mặt để soát bài cùng học sinh. Hay chuyện, những ngày cuối, nhiều học sinh cáo ốm ở trường để ngày 3 buổi có mặt ở trung tâm luyện thi. Có phụ huynh còn lo lắng đến mức cho con ăn, ngủ ở nhà cô giáo suốt nhiều ngày để học ôn vì giáo viên đánh giá hổng kiến thức, khó đạt điểm cao.

Rõ ràng, mong muốn có được một suất học trường công những tưởng đó là điều rất đỗi bình thường, hết THCS thì lên THPT nhưng có “nghe”, “thấy” những gì phụ huynh, thí sinh chia sẻ về hành trình đã đi qua mới thấy họ thật nhọc nhằn. Đó là hành trình những đêm mất ngủ, mất tiền, thậm chí có cả nước mắt vì quá mệt mỏi, vì hi vọng và lo sợ. Có lẽ những ai dõi theo kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội vừa qua sẽ không quên được hình ảnh những đứa trẻ bật khóc nức nở trong vòng tay của cha mẹ sau khi kết thúc môn Toán. Giáo viên dạy Toán của các trường cho rằng, những học sinh khá, giỏi sau một hành trình dài vốn đã tự tin, kỳ vọng có thể làm tốt để vào trường top đầu nhưng đề có câu hỏi khó, lắt léo nên các em cũng không làm được trọn vẹn.

Một phụ huynh chờ con ở điểm thi THPT Quang Trung, quận Đống Đa kể, áp lực và lo sợ đến nỗi, ngoài học ngày 3 ca, trước kỳ thi, giáo viên còn mua lễ vật là bút, thước đi chùa cầu may về phát lộc cho học sinh. Cô giao hẹn, học sinh phải dùng bút đó để đi thi mới may mắn. Tưởng chuyện lạ có một ở trung tâm luyện thi nọ, hóa ra sau khi nghe kể, nhiều phụ huynh khác cũng thành thật: “giáo viên ở trung tâm… cũng tặng bút là lễ vật cầu may ở đền, chùa cho học sinh đi thi”.

Trước đó, chia sẻ với PV Tiền Phong, hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội cho rằng, hàng năm căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, để nói chỉ tiêu tuyển sinh có được giao tối đa năng lực hay chưa thì khẳng định là chưa. Hà Nội “siết” đầu vào lớp 10 trường công luôn ở ngưỡng 60-62%.

Lý giải về chuyện này, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội từng cho rằng, ngoài thi 4 môn để lấy điểm xét tuyển như năm nay, mấy năm nay Hà Nội cho phép các trường công lập tự chủ tài chính và các trường ngoài công lập được xét tuyển học sinh mà không cần lấy kết quả từ kỳ thi của sở. Theo đó, các trường có thể căn cứ vào điểm rèn luyện 4 năm học THCS của học sinh để tuyển sinh. Tuy nhiên, theo các phụ huynh, những trường ngoài công lập có tiếng đều căn cứ vào điểm của kỳ thi để tuyển sinh, còn các trường xét học bạ họ chưa thực sự tin tưởng. “Chất lượng dạy học chưa khẳng định được, trong khi học phí thu trên trời” là nguyên nhân khiến phụ huynh chưa tha thiết với các trường học này.

Bộ GD&ĐT đã ban hành quyết định số 12/2006/QĐ-BGD về Quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tế từng địa phương, Sở GD&ĐT hàng năm quyết định lựa chọn phương thức tuyển sinh THPT với 3 phương thức gồm: xét tuyển, thi tuyển và kết hợp xét tuyển và thi tuyển. Tuy nhiên, hiện nay, đa số các tỉnh/ TP đều lựa chọn phương thức thi tuyển theo xu hướng nhiều môn cùng lúc.    

MỚI - NÓNG