Cao học thời vàng son

Cao học thời vàng son
Chưa bao giờ tấm bằng cao học lại có giá như hiện nay, nhất là khi mảnh bằng này thể hiện sự vượt trội của bản thân người “sở hữu” nó.
Cao học thời vàng son ảnh 1
Ảnh: Tuổi Trẻ.

Điều đó đã thể hiện qua số lượng “sĩ tử” đăng ký rất đông tại kỳ thi cao học vào các trường đại học của TP.HCM vào tháng năm vừa qua và tháng chín này.

Hiện nay, tấm bằng đại học của những “ông cử” đã không còn danh tiếng nữa, bởi thời đại bây giờ phải là cao học hay hơn thế nữa.

Có dạo qua kỳ thi cao học tháng năm vừa rồi tại các trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn TP Hồ Chí Minh, ĐH Sư phạm..., ngoài những thí sinh đang công tác tại nhiều cơ quan thì phần nhiều là các bạn trẻ, có độ tuổi từ 23 - 30 chiếm tỉ lệ khá lớn.

Huệ, tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn TP Hồ Chí Minh, sau một thời gian làm việc tại Đài Truyền hình Quảng Ngãi, đã xin vào làm nhân viên văn phòng cho công ty T tại quận 10. Tuy là công việc văn phòng nhưng cô nàng 8X này vẫn quyết tâm thi cao học để cải thiện lương và công việc với chức vụ cao hơn.

Thế là, ban ngày đi làm tuy mệt nhoài, Huệ vẫn cố gắng về nhà ôn bài để dự thi cao học chuyên ngành ngôn ngữ học trong kỳ thi vừa qua tại Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn TP Hồ Chí Minh.

Đối với một số giảng viên các trường đại học, muốn làm giảng viên chính ít ra phải có bằng cao học, theo chủ trương của Bộ GD-ĐT. Thế là một bộ phận giảng viên trẻ được các trường giữ lại phải mở cuộc “đua maratông” để có bằng thạc sĩ, thay vì chỉ luôn làm nhiệm vụ trợ giảng hay dạy các lứa sinh viên năm 1.

Một giảng viên trẻ của một trường đại học tại TP.HCM, bảo tôi: “Bằng mọi cách, tôi phải có bằng thì mới được dạy lên cao! Nên phải gắng thôi!”.

Chung quan điểm đó, một giảng viên trẻ khác tại Qui Nhơn (Bình Định), cũng phải vào Sài Gòn thi lấy bằng C tiếng Anh để miễn thi môn tiếng Anh, “chỉ còn lo hai môn cơ sở và chuyên ngành thôi” để dự thi cao học cho “oách” hơn ở quê nhà - Giảng viên này tâm sự.

Một Thạc sĩ trẻ của Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh kể rằng, mất 3 - 4 kỳ thi anh mới đậu cao học và cũng qua ngần ấy năm nữa, chàng cựu sinh viên khoa văn Đại học Đà Lạt này mới đủ “chức danh” lên giảng đường dạy cho sinh viên theo qui định.

Ngày nhận bằng cao học, anh đã xấp xỉ 30 tuổi, cả gia đình mừng quá, thuê xe vượt thành phố ngàn hoa để về thành phố chung vui với cậu con cả đã được dạy học cho sinh viên.

Cao học là... vật trang sức?

Ai cũng biết tấm bằng cao học là quá trình 2 - 3 năm học viên sau đại học phải vất vả mới có được. Thế nhưng, công việc tại nơi các thạc sĩ làm việc  mỗi nơi một vẻ với tấm bằng này.

Anh Vũ, một tân thạc sĩ, kể: “Nhiều khi, mình chẳng cần dùng đến tấm bằng nghe qua thì lớn lao này, nhưng kỳ thực suốt 2 - 3 năm học, suốt ngày tôi bận tối tăm vào công việc, lâu lâu có kỳ thi mới lên lớp, nhưng đều... vượt qua cổng vũ môn cả”. Bằng chứng là anh vẫn có tấm bằng sau quãng thời gian dài, mặc dù có nhiều người bạn bị đúp lại.

Huệ, một thí sinh cao học, thì than thở rằng: “Công việc của mình không cần cao học gì cả, công việc chỉ cần kiến thức thời đại học, nhưng thấy người ta đổ nhau đi thi cao học, thế là mình cũng lo chạy theo. Nếu mình đứng lại, người khác sẽ vượt qua mình thôi!” - cô gái xứ Quảng triết lý, sau cặp kính dày cộm trong thời gian “cày ải” suốt những năm tháng đại học.

Trong kỳ thi cao học chuyên ngành ngôn ngữ học - Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn vừa qua, Huệ tuy đậu hai môn cơ sở (triết học) lẫn chuyên ngành (ngôn ngữ học), nhưng môn tiếng Anh chỉ đạt 44/100 điểm nên tất nhiên là “out”. Bởi qui chế tuyển sinh tại trường này, tiếng Anh phải đạt mức 50/100 mới được xét tuyển hai môn còn lại.

Để theo đuổi tấm bằng này, những ngày này, Huệ lại quyết tâm đi ôn thi lại kỳ thi thứ hai vào tháng chín. Mặc dù, trước đó cô đã bỏ ra 900.000đ để ôn thi, 300.000đ cho lệ phí thi, 50.000đ mua hồ sơ - một số tiền không nhỏ với một nhân viên văn phòng như Huệ.

Vĩ thanh

Kỳ thi cao học mỗi năm thật không dễ để chinh phục bởi chỉ có một lượng rất ít thí sinh mới được gởi giấy báo nhập học. Nếu vượt qua vũ môn, thí sinh cũng phải vất vả trong suốt 2 - 3 năm tiếp, với mức chi phí phải trên dưới 20 - 30 triệu đồng.

Ngoài số tiền trang trải cho học phí, sách vở ấy còn là mồ hôi và nước mắt trong những tháng ngày trên giảng đường.

Nhưng kỳ thực, tấm bằng ấy vẫn có sức hút mãnh liệt đối với nhiều người. Và đó là một tín hiệu đáng mừng khi nhiều bạn trẻ đã có ý thức học cao, vươn cao - một nhu cầu thăng tiến không thể thiếu được.

Theo Phạm An Hòa
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG