Cấp thẳng sinh hoạt phí cho LHS Việt Nam tại Nga

Cấp thẳng sinh hoạt phí cho LHS Việt Nam tại Nga
TPO - Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng vừa có ý kiến chấp thuận đề nghị của Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính về việc chuyển cấp sinh hoạt phí cho lưu học sinh Việt Nam tại Liên bang Nga diện “xử lý nợ” từ tạm ứng sang cấp thẳng.

>> Vì sao LHS Việt Nam hay bị chậm sinh hoạt phí?
>> Xem xét cấp sinh hoạt phí cho LHS bằng tiền bản tệ

Cấp thẳng sinh hoạt phí cho LHS Việt Nam tại Nga ảnh 1
Lưu học sinh Việt Nam tại Nga sẽ không còn phải ăn mì tôm vì chậm sinh hoạt phí? Ảnh: VnExpress.

Ngày 8/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký công văn về vấn đề này.

Thời gian qua, nhiều lưu học sinh Việt Nam tại Liên bang Nga và một số nước khác liên tục phản ánh tình trạng cấp tiền sinh hoạt phí hàng tháng chậm, khiến đời sống của họ gặp nhiều khó khăn.

Trong một lần trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tiền phong, đại diện của Ban đề án 322 (Bộ GD&ĐT) cho biết, riêng với những lưu học sinh đang học ở Nga theo diện xử lý nợ, thủ tục cấp phát sinh hoạt phí rất rườm rà, với 8 bước (đã được 2 bên ký kết).

Công văn 4403/VPCP-QHQT của VPCP nêu rõ: "Xét đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại văn bản số 5967/BGDĐT-VP ngày 13 tháng 6 năm 2007, của Bộ Tài chính tại văn bản số 9870/BTC-TCĐN ngày 25 tháng 7 năm 2007 về việc chuyển cấp sinh hoạt phí cho lưu học sinh Việt Nam tại Liên bang Nga diện "xử lý nợ" từ tạm ứng sang cấp thẳng, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đồng ý với kiến nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính tại các văn bản nêu trên".

Theo Website Chính phủ

Theo đó, tiền từ Bộ Tài chính phải được chuyển tới Ngân hàng kinh tế đối ngoại Nga, căn cứ trên danh sách do chính các trường đại học tại Nga đang đào tạo lưu học sinh lập. Sau đó, các trường này nhận lại tiền và cấp phát cho lưu học sinh Việt Nam.

Sở dĩ có thủ tục rườm rà này, theo giải thích của một cán bộ Ban đề án 322, là do phía Nga muốn kiểm soát và xác thực việc trả nợ, thậm chí họ còn duyệt cả mức sinh hoạt phí mà phía Việt Nam muốn cấp cho lưu học sinh. Vì vậy, chỉ cần thủ tục ách tắc ở một khâu nào đó là xảy ra tình trạng lưu học sinh Việt Nam bị chậm sinh hoạt phí nhiều tháng trời.

Bên cạnh đó, do chưa áp dụng cách chuyển tiền vào tài khoản cá nhân cho lưu học sinh nên họ phải lặn lội hàng nghìn cây số lên Đại sứ quán Việt Nam nhận tiền, gây thêm tốn kém.

MỚI - NÓNG