Cấp SHP vào tài khoản của trường LHS học

Cấp SHP vào tài khoản của trường LHS học
TPO - Phát biểu tại "Hội nghị sơ kết các đề án đào tạo tại nước ngoài bằng ngân sách nhà nước" sáng nay, 20/3, Bộ trưởng GD&ĐT cho rằng, nên xem xét phương án cấp sinh hoạt phí vào tài khoản của trường quản lý lưu học sinh.

Một trong những vấn đề được đề cập tại Hội nghị sơ kết các đề án được đào tạo nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (giai đoạn 2000 - 2006) là đổi mới phương thức cấp sinh hoạt phí cho lưu học sinh Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, để tránh tình trạng chậm sinh hoạt phí, lãnh đạo ban Đề án 322 nên xem xét phương thức cấp sinh hoạt phí trực tiếp tới tài khoản của trường quản lý lưu học sinh Việt Nam, thay vì qua trung gian là ngân hàng của nước bạn hay Đại sứ quán.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phạm Sỹ Tiến, chuyên viên Ban đề án 322 cho biết, Bộ GD&ĐT đã gửi văn bản yêu cầu Vụ Tài chính Đối ngoại (Bộ Tài Chính) cấp sinh hoạt phí cho lưu học sinh bằng tiền bản địa, thay vì đồng đô la Mỹ.

"Cấp sinh hoạt phí bằng tiền bản địa sẽ giúp lưu học sinh yên tâm học tập hơn, không phải lo sự phập phù lên xuống của đồng đô la Mỹ như thời gian vừa qua", ông Tiến nêu ý kiến.

Tuy nhiên, ông Vũ Xuân Hiểu - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Đối ngoại (Bộ Tài Chính) cho biết, hiện giờ, sinh hoạt phí cấp cho lưu học sinh theo đề án 322 vẫn được quy đổi theo đồng đô la Mỹ.

"Chúng tôi sẽ kiểm tra xem đã nhận được văn bản yêu cầu cấp sinh hoạt phí bằng tiền bản địa cho lưu học sinh của Bộ GD&ĐT chưa. Nếu Bộ GD&ĐT yêu cầu, chúng tôi sẵn sàng phối hợp thực hiện", ông Hiểu nói.

Ông Hiểu cũng cho biết, Vụ Tài chính Đối ngoại đang bàn với Bộ GD&ĐT để chậm nhất đến ngày 30/4 sẽ hoàn tất phương thức cấp sinh hoạt phí mới cho lưu học sinh.

"Hình thức cấp phát sinh hoạt phí qua tài khoản cá nhân hay gửi tới nhà trường, hoặc thông qua Đại sứ quán là do Bộ GD&ĐT lựa chọn. Bộ Tài chính gửi tiền vào kho bạc theo hạn mức. Căn cứ vào hạn mức đó, Bộ GD&ĐT toàn quyền sử dụng tiền. Đây là sự đổi mới rất căn bản", ông Hiểu nói. 

Đầu vào: Đau đầu vì... điểm 10

Theo báo cáo tình hình thực hiện các đề án đào tạo tại nước ngoài trong thời gian 6 năm qua, Bộ GD&ĐT đã cử 2684 người đi học. Trong đó, số người lấy bằng Tiến sĩ là 871; Thạc sĩ: 793; Thực tập sinh: 206 và 814 người tốt nghiệp trình độ đại học. Hiện giờ, đã có khoảng 1000 người trở về Việt Nam công tác.

Trong 6 năm qua, có 19 trường hợp lưu học sinh không đủ năng lực học tập, phải về nước giữa chừng. Trong đó, Liên bang Nga có 13 sinh viên đại học, 3 trường hợp không đủ trình độ ngoại ngữ để tiếp tục học tại Pháp, 1 trường hợp học tiến sĩ tại Úc nhưng chỉ được cấp bằng thạc sĩ và 1 người bỏ về khi đang học ở nước này. Tại Thái Lan, có 1 trường hợp không đủ điều kiện học xong chương trình.

Đánh giá về chất lượng đào tạo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Văn Nhung cho rằng, phần lớn những lưu học sinh trở về đều xuất sắc. Tuy nhiên, trong số 18 hội đồng tuyển sinh tại Đại học Quốc gia, đại học khu vực và một số trường đại học tiêu biểu cho nhóm ngành và có đủ điều kiện tổ chức tuyển sinh, vẫn còn một số nơi làm chưa nghiêm túc khâu đầu vào.

"Phải thẳng thắn với nhau rằng có một số hội đồng các thầy toàn cho điểm 10 hết. Vì thế, Bộ cũng chịu vì toàn 10 điểm thì biết loại ai? Điểm 10 nhiều quá cũng khiến phải suy nghĩ", Thứ trưởng Nhung bộc bạch.

Chấm dứt tình trạng "câu cá hàng năm"

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nên mở rộng đối tượng đào tạo theo đề án 322 sang những cán bộ thuộc các trường ngoài quốc doanh. 

Cùng với đó, cần chú ý tới tỉ trọng theo hướng tập trung đào tạo tiến sĩ cho các trường đại học, học viện.

Ngoài việc xác định những khó khăn như ngoại ngữ của lưu học sinh, kinh phí, điều hành..., Bộ trưởng nêu ý kiến không nên gửi lưu học sinh tới 30 nước như hiện nay mà nên tập trung vào khoảng 10 - 12 nước là trọng tâm.

Đặc biệt, để nâng cao chất lượng đào tạo, chọn được đúng người tài đi học, "bản thân các trường phải chủ động có kế hoạch và lộ trình trong 5 năm nữa cần bao nhiêu tiến sĩ, ở lĩnh vực gì. Từ đó, các trường báo cáo với Bộ để chủ động tìm đối tác. Cần chấm dứt tình trạng mỗi năm cứ phải đi "câu cá"", Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.