Cậu bé không tay bước vào trang vở

Cậu bé không tay bước vào trang vở
Từ khi sinh ra, Nguyễn Đình Nhẫn đã bị mất cả hai tay - đến tận vai… Với cậu, tưởng chỉ có góc nhà là thế giới, nhưng bằng nghị lực phi thường cậu đã viết chữ bằng… chân, để được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa.

Đó là cậu bé Nguyễn Đình Nhẫn, ở xã Nghi Kim, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Nhẫn là con thứ 5 trong gia đình có tới 6 anh chị em, cha mẹ đều làm nông.

Nhẫn sinh ngày 14 - 4 - 1998, khi sinh ra đã bị mất hai tay đến tận vai. Chị Nguyễn Thị Vinh, mẹ Nhẫn kể: “Khi sinh ra, thấy hình hài của con như vậy vợ chồng tôi buồn vô cùng.

Gia đình đã nghèo lại đông con, thêm một đứa con tật nguyền không gì bất hạnh cho bằng. Cũng may nhờ trời nên cháu không mấy khi ốm đau”. Cả gia đình anh chị dù nghèo vẫn đầy ắp tiếng cười, ai cũng dành hết tình yêu thương cho Nhẫn.

Vì đông con, bố mẹ phải đầu tắt mặt tối với ruộng đồng nên Nhẫn được gửi đi mẫu giáo. Và từ đây, người ta đã phát hiện ở cậu bé “có cái chi đó là lạ”.

Người đầu tiên phát hiện ra khả năng “là lạ” của cậu bé là cô giáo Trà ở lớp mẫu giáo. Chính cô Trà là người đã chăm sóc, khích lệ và kiên nhẫn “hướng dẫn đôi chân” của cậu bé đặc biệt nhất lớp.

Cô Trà đã gặp và trao đổi với anh Thuyên và chị Vinh (bố mẹ Nhẫn). Gia đình chị Vinh không tin nổi rằng đứa con tật nguyền của mình cứ ở trường về là “ngọe nguậy chân trái”.

Nhẫn bắt hết mẹ đến bố, rồi các anh chị cầm chân nắn… cho mình tập viết. Vì thương con, thương em nên ai cũng giúp, nhưng không ai có thể tin được cậu bé có thể viết được chữ, càng không tin là Nhẫn sẽ đi học.

Đầu tiên, Nhẫn tập viết bằng que tre, sau dần đến than, rồi phấn… và cuối cùng là bút. Em trườn trên nền nhà tập viết, khi mỏi thì nằm lăn ra ngủ.

Có ngày cậu bé mê tập viết đến nỗi que tre cứa vào chân chảy máu. Chị Vinh nhớ lại: ”Những lúc ấy tôi cứ nghĩ lung tung, nói thật là tôi sợ con nó bị… ma ám, hay ông bà chỉ vẽ, chứ nó còn bé thế nó có ý thức được mô…”. Cùng với tập viết, Nhẫn tập “cầm” thìa xúc cơm ăn, đến giờ thì cậu không phải nhờ ai, mà đã tự xúc cơm ngon lành.

Ước mơ... hình cây bút

Cậu bé không tay bước vào trang vở ảnh 1
Bé Nguyễn Đình Nhẫn và mẹ. Ảnh: SGGP.

Năm 6 tuổi cũng như bạn bè đồng trang lứa, Nhẫn được đưa đến trường. Cái ngày Nhẫn vào lớp 1 Trường Tiểu học Nghi Kim đã trở thành một “sự kiện trọng đại” ở xã.

Thời gian đầu bố và anh trai thay nhau chở Nhẫn đến trường, sau này có người anh họ là Nguyễn Văn Hùng học cùng lớp nên “chuyên trách” đón đưa Nhẫn.

Ban đầu nhà trường “không thể ngờ” nên không có bàn ghế riêng cho một học sinh đặc biệt. Nhẫn được trải cho một cái chiếu ngay giữa lớp ngồi học.

Sau đó, em có một cái ghế riêng, như ghế của thợ hớt tóc để vừa học vừa có thể ngả lưng khi mỏi. Cô giáo và bạn bè yêu thương đã làm cậu bé thêm phấn khích.

Hai năm học vừa qua, Nhẫn đều đạt học sinh giỏi, không bài làm nào Nhẫn dưới điểm 6, đa phần là từ điểm 7 trở lên. Chị Vinh khoe với chúng tôi về Nhẫn bằng ánh mắt long lanh, không giấu nổi tự hào.

Đang nằm nghỉ trên giường vì mới tập viết xong, nhưng vừa nghe chúng tôi nhắc viết chữ thì Nhẫn lập tức bật ngồi dậy. Nhẫn dùng chân tự lấy vở và bút trong cặp ra rồi kẹp bút vào ngón cái và ngón trỏ chân trái. Chị Vinh vội nhắc Nhẫn chuyển sang chân phải.

Nhìn đứa con lưng thì gù lên, thân hình thì còm nhom ngồi viết ở thế như sắp ngã, chị Vinh ngậm ngùi: “Cháu nó quen chân trái, chỉ khi mô có người nhắc thì mới chuyển sang phải, ăn cơm cũng vậy. Các anh thấy đó, vì điều kiện khó khăn quá, nên không chăm lo cho cháu được. Nhẫn bị vẹo cột sống nên vai trái bị gù lên”.

Cuốn vở Nhẫn lấy ra là vở luyện chữ đẹp, chúng tôi xem qua và kinh ngạc vì chữ em viết rất đẹp. Thấy mẹ đi ra ngoài, Nhẫn lập tức chuyển sang chân trái. Chúng tôi nhắc thì Nhẫn cười: “Cháu viết bên ni quen rồi, chân phải cũng được nhưng nhanh mỏi lắm, đau người nữa. Viết chân trái chữ đẹp hơn”.

Chúng tôi hỏi thăm chị Vinh thì được biết, việc đi học của Nhẫn gia đình phải lo mọi thứ, chỉ được miễn 120.000đ tiền xây dựng trường mà xã ký duyệt, mới đây thì thêm một suất học bổng do Bảo Việt Nghệ An trao tặng, thế thôi.

Trước khi ra về chúng tôi hỏi Nhẫn, nếu có ước muốn cháu sẽ ước gì, cậu bé cười hiền lành đáp: “Dạ, cháu ước có một bó bút màu màu xanh”.

Theo Lê Duy Cường
Sài Gòn Giải Phóng

MỚI - NÓNG