Cậu bé xương thủy tinh, 17 lần gẫy chân mơ thành lập trình viên

Em Nguyễn Hữu Thanh Quang với đôi chân "thủy tinh". Ảnh: Đức Hùng
Em Nguyễn Hữu Thanh Quang với đôi chân "thủy tinh". Ảnh: Đức Hùng
11 tuổi, 17 lần gãy chân, cuộc sống gắn liền với bệnh viện, nhưng Quang vẫn học giỏi và nuôi ước mơ trở thành lập trình viên.

"Trên thế giới này, con tưởng sẽ không ai ngồi một chỗ như mình. Tuy nhiên, con hiểu sai mẹ ạ, khi xem tivi con thấy còn rất nhiều người khổ hơn mình", câu nói của con trai 11 tuổi nhiều lần khiến bà Lại Thị Tuyết Ban (49 tuổi, trú thôn Vạn Đò, xã Thạch Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh) ứa nước mắt.

  Chuyện đời của cậu bé xương thủy tinh.

Con trai út của bà là Nguyễn Hữu Thanh Quang ngay từ khi lọt lòng đã mắc bệnh xương thủy tinh. "Khi một ngày tuổi, bác sĩ bảo đôi chân của cháu bị 'xương bất toàn' mà lòng tôi rụng rời. Buồn, lo lắng, song cũng phải chấp nhận thực tại, cả gia đình yêu thương, nâng niu đùm bọc cậu út", bà Ban kể.

Năm nay 11 tuổi, là học sinh lớp 5B trường Tiểu học Thạch Sơn, nhưng do thường xuyên bị đau ốm nên ngoại hình của Quang thấp bé hơn so với bạn bè. Để đi lại, em phải có người khác bồng và cõng. Đôi chân mỏng manh 17 lần gãy, cuộc sống của Quang gắn liền với bệnh viện.

Ở thôn Vạn Đò, gia đình bà Ban thuộc diện khó khăn, thu nhập chính đều từ mấy rào ruộng và lạc. Chồng già yếu, mọi gánh nặng dồn lên vai bà Ban. Thiếu thốn vật chất được bù đắp về tinh thần, vợ chồng bà rất tự hào khi 3 người con học giỏi. Anh trai và chị gái của Quang đang học đại học, riêng cậu bé xương thủy tinh nhiều năm liền là học sinh giỏi.

"Có lần nó mang cả đôi chân bó bột đi thi, ai cũng xúc động", bà Ban kể. Đến tuổi vào lớp 1, thấy bạn bè đi học, Quang cũng đòi mẹ đưa tới trường. Và từ đó, nắng hay mưa, ngày nào bà Ban cũng dậy sớm đưa con đi học, trưa lại tới chở về. Buổi chiều là một vòng quay tương tự.

"Ngồi sau xe máy cà tàng của mẹ, em cảm nhận được tình thương bao la. Rất nhiều lần em bấm tay tự nhủ, phải cố gắng để làm được điều gì đó vượt ra ngoài giới hạn của bản thân", Quang nói.

Cậu bé xương thủy tinh, 17 lần gẫy chân mơ thành lập trình viên ảnh 1

Bố sức khỏe yếu, anh chị đi học xa, mẹ luôn chăm sóc, đều đặn đưa đón Quang đi học mỗi ngày. Ảnh: Đức Hùng

Tự đặt mục tiêu và Quang hoàn thành xuất sắc. Từ lớp 1 đến lớp 5, Quang liên tục nằm trong tốp 5 học sinh xuất sắc của lớp. Em giành nhiều giải thưởng về thi viết chữ đẹp, lớp 1-3 đạt giải khuyến khích cấp huyện về cuộc thi giải Toán qua mạng, lớp 4-5 giành giải nhất huyện môn tiếng Anh và giải khuyến khích cấp quốc gia môn tiếng Anh trên mạng....

Quang thích học tiếng Anh, Toán và Tin. Nhà không có máy tính, mỗi lần đến trường em thường xin thầy cô cho vào phòng thực hành, hoặc mỗi khi anh chị đưa máy về, em thường mượn tranh thủ học thêm. Được sự giúp đỡ của mọi người, Quang tích lũy rất nhiều kiến thức thông qua việc học qua mạng.

"Thể trạng nhỏ bé, không thể di chuyển, em mơ ước trở thành lập trình viên kiếm tiền đỡ đần gia đình. Em tự nhủ phải học tốt Toán và tiếng Anh vì nó sẽ bổ trợ cho môn Tin học", Quang chia sẻ.

Nói về học trò nhỏ, giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Thị Châu cho hay Quang thông minh, khả năng tự học rất tốt, được bạn bè yêu quý. "Em học môn tiếng Anh tốt nhất khối. Dù gia cảnh khó khăn, thể trạng yếu, song sự cố gắng vươn lên của em là tấm gương sáng cho bạn bè noi theo", cô Châu nói.

Cậu bé xương thủy tinh, 17 lần gẫy chân mơ thành lập trình viên ảnh 2

Quang luôn miệt mài học tập. Ảnh: Đức Hùng

Một nữ học sinh lớp 5B chia sẻ thích nhất là nụ cười hiền, lạc quan của cậu bạn cùng lớp. "Thỉnh thoảng những bài học nào không biết, chúng em thường nhờ Quang giải đáp. Bạn ấy rất tận tình hỗ trợ, dù khó đến mấy cũng tự tìm cách giải trước khi hỏi cô giáo", nữ sinh nói.

Nhìn con học bài, bà Ban bảo: "Nếu, nếu như, hay giá như thì sẽ không còn gì để nói. Tạo hóa cho mỗi người một số phận, gia đình tôi nghèo khó, nhưng bù lại các con là tài sản lớn. Quang không may mắn, nhưng lại có trí tuệ hơn người, vậy là quá viên mãn rồi". 

Hôm 10/6 vừa qua, đứng dưới hội trường nhìn con trai ngồi xe lăn được lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh vinh danh tấm gương điển hình tiên tiến, bà Ban đã khóc vì tự hào. Bà chỉ mong trời cho sức khỏe để tiếp tục theo bước chân tập tễnh của con trai trên những chặng đường học tập về sau.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG