Cậu học trò làm thuê nuôi bố mẹ bệnh tật

Cậu học trò làm thuê nuôi bố mẹ bệnh tật
Chăn bò thuê, cắt lá mía, nhặt củi... ai có việc gì gọi, Lành 'còi' đều nhận làm. Hơn 8 năm, cậu học trò Nguyễn Đình Lành (17 tuổi) trở thành trụ cột của gia đình, nuôi bố bị tâm thần, mẹ bệnh nặng mất sức lao động.

Hình ảnh cậu bé còi cọc, đen nhẻm, lúc tất tả lùa đàn bò đi chăn, lúc lại len lỏi vào từng vườn mía cắt lá, khi ngược nông trường tìm củi cao su... đã quá quen thuộc với người dân xã Quảng Phú (Thọ Xuân, Thanh Hóa).

Bà Nguyễn Thị Lịnh (mẹ Lành) bị bệnh khớp, hai tay cử động khó, đến tự chải đầu còn không làm được. Còn ông Nguyễn Đình Chăm (bố Lành) bị bệnh thần kinh, suốt ngày đi lang thang, nói cười. Để có gạo nuôi cả nhà, Lành vừa chăn bò vừa cắt lá mía thuê. Đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng cậu thanh niên 17 tuổi vẫn nhỏ tí khiến cả làng gọi là Lành "còi".

Cậu học trò làm thuê nuôi bố mẹ bệnh tật ảnh 1
Hết chăn bò, mót củi, Lành lại vào ruộng ngô cắt lá, sao cỏ. Ảnh: Hoàng Phương.

9 tuổi, Lành "còi" đi chăn bò thuê đổi gạo về cho mẹ. Lớn lên chút nữa, cậu nhận chăn cả đàn bò 11 con, đi cắt lá mía, mót củi cao su bán lấy tiền. Ai có việc gì thuê làm, Lành đều nhận hết.

Sáng đi học, chiều cậu lùa đàn bò lên nông trường cao su cách nhà 5 km để chăn. Thả cho bò ăn, cậu học trò tranh thủ đọc bài hoặc nhặt củi bán. Chiều về, trên lưng con bò đực to nhất đàn bao giờ cũng có một bó củi cao su. Lành bán hoặc đổi lấy gạo, mua thêm quả trứng, miếng đậu cải thiện bữa ăn cho cả nhà.

Có lần, trong lúc đi chăn bò, Lành phát hiện một con bê biến mất. Cậu vội vàng lùa bò về rồi chạy khắp nông trường tìm bê. "Em mừng suýt khóc khi thấy con bê cách chỗ chăn 3 km. Nếu để mất, em không biết lấy tiền đâu mà đền", cậu bật cười nhớ lại.

Dắt bê về trả cho chủ lúc 22h đêm, Lành nuốt vội bát cơm nguội rồi nằm vật ra giường vì mệt. Tiền công chăn bò được 200.000 đồng mỗi tháng, Lành đưa mẹ một phần để đong gạo, phần còn lại đóng tiền học và mua sách vở. Con bê bị lạc hồi đó giờ thuộc sở hữu của cậu. Người hàng xóm tốt bụng đã bán lại cho Lành để em "làm vốn" và giờ nó là tài sản lớn nhất của gia đình.

Lên lớp 11 phải đi học cả ngày, Lành chỉ nhận chăn một con bò không công cho nhà hàng xóm để xin phân bón cho ngô. Nhà không có đất trồng lúa, chỉ có ít đất màu nên mình em "canh tác" gần sào ngô. Trưa nào cũng được sáo cỏ, bón phân nên ruộng ngô của Lành "còi" cho bắp to, mẩy hơn hẳn ruộng nhà khác.

Năm nay, ngô vừa trổ cờ, đang phun râu kết hạt thì đê Cầu Chày vỡ, lũ tràn về trắng đồng. Hôm đê vỡ, cả làng phải chạy lên đồi vì nước dâng nhanh quá. Nhìn cả cánh đồng ngô chìm trong nước lũ đục ngầu mà Lành "còi" xót xa: "Nước rút thì ngô cũng hỏng hết, em phải đốt cây làm phân bón ruộng rồi mua giống về trồng tiếp. Quê em năm nào cũng có bão lũ nên quen rồi".

Cậu học trò làm thuê nuôi bố mẹ bệnh tật ảnh 2
Gia đình Lành là một trong những hộ nghèo nhất xóm. Ảnh: Hoàng Phương.

Bận học không đi chăn bò thuê được, Lành đi chặt lá mía cho dân quanh vùng rồi xin lá về bán. Mỗi lần chặt được độ 10 bó, bán được 20.000 đồng. Số tiền ít ỏi đó đủ mua gạo ăn trong vài ngày.

Một lần đi cắt lá, Lành cắt cả vào tay. Máu chảy ra thấm ướt vạt áo, cậu cắn chặt vào môi, chạy về nhà nhờ hàng xóm đưa đi trạm xá. Vết thương phải khâu 4 mũi, bác sĩ bắt em nghỉ ngơi cả tháng cho khỏi hẳn. Tháng đó Lành không đi làm thuê được, cả gia đình đành phải bữa cơm bữa cháo.

8 năm chăn bò, cắt lá thuê, Lành mới sắm sửa được cho mình một chiếc quần bò. Chiếc quần duy nhất thường xuyên được giặt sạch mặc cho cả tuần. Đầu năm học, Lành nhận được áo trắng nhà trường tặng học sinh nghèo vượt khó. Còn những ngày chưa có đồng phục, cậu toàn mặc lại áo của các anh trong xóm cho.

Suốt 11 năm cắp sách tới trường, cậu chỉ toàn đi bộ. Từ nhà Lành băng qua rừng cao su, xuống trung tâm xã mất 7 km, cách trường cấp 3 gần nhất của huyện Thọ Xuân cũng 15 km. Do đó, Lành chọn thi vào trường THPT Thống Nhất (huyện Yên Định) cho gần nhà. Thường thì cậu phải đi bộ từ 5h sáng cho kịp giờ học, thỉnh thoảng Lành được bạn cho ngồi nhờ xe đến trường.

Nhà không có xe đạp nên mỗi khi chở củi, lá mía đi bán, Lành phải mượn chiếc xe cà tàng của hàng xóm. Chiếc xe cọc cạnh nhiều hôm thủng xăm, đứt xích giữa đường khiến cậu bé còi cọc phải dắt bộ cả cây số tìm chỗ sửa. Mới đây, một du học sinh nước ngoài biết hoàn cảnh của Lành đã gửi tặng em một xe đạp mới. Có xe mới, Lành "còi" cũng không dám chở củi hay chở lá mía mà chỉ để dành đi học.

Lành tâm sự, vất vả đến mấy em cũng không sợ, chỉ mong kiếm tiền để cả nhà có cơm ăn, không ngày nào bị đói. Bữa cơm của mẹ con Lành thường chỉ có đĩa rau luộc xin của hàng xóm, hiếm lắm mới có quả trứng, con cá. Lâu lắm rồi mâm cơm nhà Lành mới có thêm chút thịt của nhà có đám cưới mang cho.

Cậu học trò làm thuê nuôi bố mẹ bệnh tật ảnh 3
Tám năm nay, cậu học trò 17 tuổi trở thành trụ cột gia đình, nuôi bố bị tâm thần, mẹ bị bệnh khớp. Ảnh: Hoàng Phương.

Đi làm thuê vất vả nhưng Lành chưa bao giờ có ý định bỏ học. Cậu tâm sự: "Bố mẹ em khổ nhiều rồi, khó khăn mấy em cũng phải học hết cấp 3 rồi thi vào một trường quân đội nào đó". Nếu thi không đậu em mới tính đến chuyện đi làm xa kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ và nuôi bố, nhất quyết không nghỉ học giữa chừng.

Thầy Triệu Quang Hà, chủ nhiệm lớp 11A5 (THPT Thống Nhất) cho hay, Lành học không được vượt trội so với các bạn trong lớp nhưng em rất chịu khó tiếp thu bài vở, có học lực khá. Hoàn cảnh gia đình em khó khăn nhưng Lành rất ngoan, được bạn bè yêu mến.

Còn ông Nguyễn Đình Châu, Trưởng xóm 1 chia sẻ: "Gia đình Lành là một trong những hộ nghèo nhất xóm. Bố mẹ em người bị tâm thần, người không có khả năng lao động nên chính quyền muốn cho vay vốn tự làm ăn cũng khó, chỉ có thể cho hưởng trợ cấp theo quy định".

Theo vnexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.