Cha bán bánh cuốn, con mô tả là kỹ sư

Môn Văn chỉ nên dạy người học thế nào là nghệ thuật ẩn dụ, đâu là nhân hóa hay so sánh để từ đó người học sẽ tự cảm nhận theo cách riêng, không nên áp đặt.

Chỉ còn một thời gian ngắn nữa, Kỳ thi quốc gia lần đầu tiên sẽ được tổ chức. Trong các môn thi bắt buộc, có môn Văn. Băn khoăn về chuyện dạy-học-thi với môn quan trọng này, bạn đọc Đàm Châu Song Thuận từ TP.Hồ Chí Minh đã gửi tới tòa soạn bài viết này.

Đó là các chia sẻ của tác giả về việc giảng dạy môn Văn hiện nay tại nhà trường. Trân trọng giới thiệu cùng độc giả, như một góc nhìn tham khảo.

Môn Văn được xếp vào môn thi bắt buộc trong kì thi tốt nghiệp phổ thông. Văn chương hướng người học đến cái đẹp của ngôn từ, giá trị nhân văn ẩn chứa bên trong nó. Nhưng cách dạy môn Văn ở trường phổ thông hiện nay còn tồn tại bất cập: áp đặt và sáo rỗng.

Trước hết, cũng như hội họa, văn chương cần sự cảm thụ rất riêng của từng người. Người này thấy hay nhưng người kia thấy dở, rất bình thường. Tuy nhiên, môn Văn ở phổ thông chủ yếu hướng đến khuôn mẫu chung đầy đơn điệu và thiếu thực tế. Chẳng hạn như tả cô giáo thì luôn là người có mái tóc dài, dáng đi khoan thai, nói năng nhỏ nhẹ; tả ông bà thì tóc bạc phơ, cười móm mém, gương mặt phúc hậu… 

Cũng vì điều này mà cô bé nhà cạnh tôi nhất định không dám tả bố làm nghề bán bánh cuốn mà phải làm kĩ sư như dàn bài gợi ý. Thơ ca thì rặt những nghệ thuật này nọ dù bản thân người học không hình dung ra hay cảm nhận được nó độc đáo chỗ nào. Và càng không có chỗ cho tư duy phản biện kiểu: Lý Thông là người đa mưu túc trí thay vì quỷ quyệt gian xảo, cô Tấm là người cả tin nhu nhược nên cứ để bị bức hại hết lần này đến lần khác…

Cha bán bánh cuốn, con mô tả là kỹ sư ảnh 1 Cách dạy môn Văn ở trường phổ thông hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập (Ảnh minh họa: Internet)Tôi còn nhớ trong kì thi học sinh giỏi nọ, có thí sinh thay vì làm bài văn ca ngợi kiểu mẫu thì em đã can đảm làm điều ngược lại. Em thằng thắn trình bày cảm nhận của mình về nhân vật trong đề thi bất chấp sự liều lĩnh ấy sẽ khiến em bị đánh rớt. Và thực tế là vậy nhưng bài văn ấy được đem ra mổ xẻ, mở ra một diễn đàn tranh luận. Lúc bấy giờ, những người có trách nhiệm phải nhìn lại cách dạy và học môn Văn mang nặng tính áp đặt vốn đã tồn tại quá lâu trong trường phổ thông. 

Thế nhưng, cũng chỉ được một thời gian, mọi thứ lại trở về như trước, vẫn tiếp tục mô típ cũ. Mở bài giới thiệu tác giả, tác phẩm. Thân bài tập trung ca ngợi nhân vật, cái hay cái đẹp chỗ này chỗ nọ, sử dụng nghệ thuật độc đáo tài tình. Kết bài là những lời tự hào về nền văn học nước nhà, về truyền thống dân tộc hào hùng; lời hứa hẹn học tập thật tốt, đóng góp cho đất nước, phát huy thành quả. Cực kì nhàm chán, cực kì sáo rỗng, đao to búa lớn, lời lẽ nghe xa tít tận đâu. Nếu có hứa hẹn, tại sao không phải là học tốt để mai này thành đạt, cha mẹ được nhờ, gia đình nở mày nở mặt ?

Ngày tôi đi thi đại học, đề thi yêu cầu phân tích bài thơ trong tập thơ nổi tiếng của một tác giả cũng rất nổi tiếng. Thú thật là tôi chưa từng cảm nhận được điều gì hay ho hoặc tìm ra chút thú vị nào về tác phẩm đó. Thậm chí, với tôi, nội dung bài thơ rất nhạt nhẽo. Vậy đó, nhưng tôi vẫn phải cố đặt bút viết ra những câu chữ có cánh để khen hết lời về nội dung lẫn nghệ thuật. Bởi lẽ, làm văn theo chuẩn mực chung sẽ cho tôi điểm số an toàn bằng những chi tiết được định sẵn. Dù muốn dù không thì tôi cũng không được phép mạo hiểm trong cuộc thi mang tính bước ngoặt như thế. Để tránh thiếu sót, tất nhiên phải nắm chắc những cái gạch đầu dòng cơ bản trong dàn ý.

Cá nhân tôi cho rằng môn Văn chỉ nên dạy người học thế nào là nghệ thuật ẩn dụ, đâu là nhân hóa hay so sánh để từ đó người học sẽ tự cảm nhận theo cách riêng. Lối mặc định Thúy Kiều là cô gái thông minh và đáng thương hay quy chụp mẹ con cô Cám là kẻ tàn ác thì hóa ra văn học cũng đang cường điệu và áp đặt vào người học tư duy cũ mòn. Vì thế, nói môn Văn ở phổ thông hiện nay chỉ toàn học thuộc lòng là đúng nhưng chưa đủ. Văn chương phải để người đọc sống với cảm xúc nhưng môn Văn ở phổ thông buộc người học phải gạt bỏ cảm nhận của mình, gượng gạo viết ra những ngôn từ, câu chữ mang nội dung na ná nhau. Muốn có điểm số an toàn, người học cứ làm bài theo những vạch định sẵn có mà không được phá cách. Khi cảm xúc bị trơ đi, văn học trở nên tầm thường vì những lời khen, lời hứa, cả những lời nói dối.

Dạo sau này, cách ra đề thi có khuynh hướng gợi mở, những vấn đề xã hội được đưa vào đề thi để người học thể hiện sự sáng tạo, quan điểm và góc nhìn đa chiều hơn. Tuy nhiên, điều đó cũng chưa đủ để thay đổi khi truyền thống dạy và học môn Văn vẫn cứ áp đặt người học bước trên con đường đi mãi thành lối.

Post by Báo Tiền Phong.

Theo Theo Báo Giáo Dục Việt Nam
MỚI - NÓNG