Chấm dứt mở trường, mở ngành tràn lan

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa
TP - Giáo dục đại học hiện nay bất cập ngay từ nhận thức, học theo hình thức, thi cho đỗ để lấy tấm bằng đại học, chất lượng thấp.

Chiều 12/6, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đại biểu (ĐB) Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao chất lượng và đào tạo phải gắn liền với thực tiễn, để khắc phục tình trạng mở trường, mở ngành tràn lan....

Tự chủ không có nghĩa  “tự bơi”

Tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cho rằng, dự thảo luật đã quy định rõ hơn về quy chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học. Để đảm bảo tính khả thi, theo bà Lan, vấn đề quy hoạch mạng lưới trường đại học phải làm sao cho hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất, tránh mở ra quá nhiều trường trong một khu vực, làm dư thừa và gây lãng phí nguồn lực cho xã hội.

Tuy nhiên theo ĐB Lan, tự chủ không có nghĩa là để các trường đại học tự lo, “tự bơi”, mà chỉ thay đổi cách đầu tư cho hiệu quả hơn.

Theo ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học là vấn đề “trọng tâm, then chốt”. Tuy nhiên, tự chủ không phải là tự thân mà là nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Do vậy, chỉ khi nào cơ sở giáo dục đại học đảm bảo thì mới được trao cơ chế tự chủ. Trên cơ sở đó, cần làm rõ cơ chế tự chủ đại học gồm học thuật, tài chính, nhân sự, đồng thời làm rõ phương thức, trách nhiệm giải trình để có sự đồng bộ giữa Luật Giáo dục đại học với các luật liên quan.

ĐB Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) tán thành với chủ trương đến năm 2020 các cơ sở giáo dục đại học phải tự chủ hoàn toàn về tổ chức bộ máy, giúp nâng cao chất lượng nhân sự, tự chủ tài chính. Tuy nhiên để khắc phục tình trạng tăng học phí như nhiều người lo ngại, theo ĐB, cần công khai trong xác định cụ thể suất học phí.

Liên quan đến vấn đề tự chủ và vai trò của hội đồng trường, ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng, dự thảo đã trao quyền nhiều hơn cho hiệu trưởng, nhưng lại chưa đề cập rõ quyền tự quyết của hội đồng trường. Ông đề nghị cần có cơ chế kiểm soát quyền lực, tránh “nhóm lợi ích” xuất hiện trong hội đồng trường.

Công khai số sinh viên ra trường có việc làm

Liên quan đến quy hoạch ngành đào tạo, ĐB Trần Văn Mão lưu ý, cần tránh tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, tránh tình trạng hơn 200 nghìn sinh viên ra trường thất nghiệp hiện nay. Thực tế có trường đầu vào 27 điểm, đầu ra đạt chất lượng cao, nhưng ngược lại, có trường đầu vào thấp, hệ lụy là hàng nghìn sinh viên thất nghiệp. Khắc phục tình trạng này, ông Mão đề nghị trong luật cần cân nhắc quy định mở mã ngành, cân đối nhu cầu lao động, tránh dàn trải, không có chất lượng cao.

ĐB Phùng Đức Tiến cho rằng, trong thời gian qua có tình trạng gia tăng các trường đại học, không theo quy hoạch, thi nhau xin mở trường, trái với quy định của Chính phủ. Giai đoạn 2016 – 2020, theo quy định cả nước có 460 trường đại học, trong đó gồm 224 trường đại học và 236 trường cao đẳng. Nhưng theo Bộ GD&ĐT, cho tới năm qua, cả nước đã có 235 trường đại học và viện, chưa kể các trường thuộc khối quốc phòng, an ninh. Như vậy, tới năm 2020, dù không lập thêm trường đại học thì vẫn vượt chỉ tiêu quy hoạch đề ra với 9 trường đại học.

Ông Phùng Đức Tiến (Hà Nam) nhấn mạnh, quy mô của trường phải dựa vào cơ sở đảm bảo chất lượng, như số lượng, chất lượng giảng viên, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm… Tránh dạy chay, học chay không gắn với thực tế, dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp, trong khi các doanh nghiệp vẫn thiếu nhân lực chất lượng cao.

“Giáo dục đại học hiện nay bất cập ngay từ nhận thức, học theo hình thức, thi cho đỗ để lấy tấm bằng đại học, chất lượng thấp. Do vậy, cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học ngay tại các trường đại học, để sinh viên được tiếp cận với phương pháp nghiên cứu và khi ra trường tiếp cận nhanh hơn, không phải đào tạo lại khi doanh nghiệp tiếp nhận”, ông Tiến nêu.

Theo ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), sứ mệnh của giáo dục đại học là cung cấp nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trên cơ sở đó, phải hướng tới mục tiêu chuẩn đầu ra, đáp ứng được yêu cầu cả về trình độ và đạo đức, kỹ năng. Tuy nhiên theo ông Hàm, dự thảo tuy đề cập đến nhiều nội dung cốt lõi, nhưng nhiều nội dung lại giao cho Chính phủ và Bộ GD&ĐT hướng dẫn, chưa định hình rõ nên khó khả thi khi áp dụng.

“Giáo dục đại học hiện nay bất cập ngay từ nhận thức, học theo hình thức, thi cho đỗ để lấy tấm bằng đại học, chất lượng thấp”.                   

ĐBQH Phùng Đức Tiến

Giải trình tại phiên thảo luận chiều 12/6, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, tự chủ đại học là một nội dung trọng tâm của Luật, nhưng tự chủ phải gắn với trách nhiệm giải trình. Bộ chủ quản chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, tập trung vào chiến lược quy hoạch, kế hoạch và các quy chuẩn chất lượng, tăng cường kiểm tra giám sát, vai trò thực thi, còn quản trị thuộc về nhà trường. Theo ông Nhạ, như vậy rất tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng quản trị của nhà trường, giữa tự chủ, trách nhiệm tự giải trình với kiểm soát chất lượng.

MỚI - NÓNG