Năm học 2008 – 2009:

Chấm dứt tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”

Chấm dứt tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”
TP - Sáng 7/3 đã diễn ra hội nghị giao ban các Giám đốc Sở GD&ĐT qua cầu truyền hình, 4 điểm đầu cầu gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng.
Chấm dứt tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” ảnh 1
Một góc hội nghị ở đầu cầu truyền hình Hà Nội

Khác với các hội nghị giao ban thường niên, hội nghị này chỉ tập trung giải quyết một vấn đề: Khắc phục thế nào trước tình trạng quá nhiều HS yếu kém, thậm chí có một số lượng lớn HS “ngồi nhầm lớp” ở nhiều địa phương như hiện nay?

Cấp học càng cao, tỷ lệ yếu kém càng lớn

Theo tổng hợp báo cáo của Sở GD&ĐT các địa phương, tỉ lệ HS yếu, kém (qua kết quả rà soát trong học kỳ I năm học 2006 – 2007) nhìn chung trên toàn quốc khá cao: Tiểu học: 5,7%, THCS: 16,9%; THPT: 23,16%. Độ chênh khá xa của các con số trên phản ánh một thực tế: càng lên cao, càng khó lấp kiến thức hổng cho những HS dù yếu kém vẫn “bị đẩy lên lớp”.

Những địa phương trong vùng kinh tế phát triển, tỷ lệ HS yếu, kém thấp hơn rất nhiều so với những địa phương khó khăn. Ở cấp THPT, trong khi Bắc Ninh chỉ có 1,78% HS học lực yếu, kém, tỷ lệ này ở Bình Phước là 56,07% HS.

Trong số những HS yếu, kém, có không ít HS “ngồi nhầm lớp”. Các em không đủ kỹ năng, khả năng để học ở lớp hiện tại. Tình trạng này tập trung nhiều ở các tỉnh, các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và diện HS hòa nhập (HS khuyết tật, HS thiểu năng trí tuệ nhưng được sắp xếp để học với HS bình thường).

Trong cuộc họp giao ban, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, ngành GD&ĐT đang “đối đầu với một vấn đề chưa từng có”.

3 năm có giải quyết nổi?

Theo mục tiêu mà Bộ GD&ĐT đặt ra, đến hết năm học 2008 – 2009, trên toàn quốc cơ bản giải quyết dứt điểm tình trạng HS “ngồi nhầm lớp”.

Để giải quyết tình trạng tỉ lệ HS có học lực yếu, kém cao, thậm chí một số lượng lớn HS “ngồi nhầm lớp”, Bộ GD&ĐT đã đưa ra một số giải pháp, trong đó có việc tập trung phụ đạo, bồi dưỡng ngoài giờ, trong hè cho những HS học lực yếu, kém, đặc biệt là với đối tượng HS cuối cấp (lớp 5, lớp 9, lớp 12).

Về kinh phí, Bộ GD&ĐT sẽ đề nghị Chính phủ hỗ trợ một phần cho các địa phương thực hiện việc này.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều lãnh đạo Sở GD&ĐT ở cả 4 đầu cầu truyền hình, đây là mục tiêu đầy khó khăn.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Khánh Hòa nói: “Thực tế có nhiều HS không chỉ ngồi nhầm một lớp mà là nhiều lớp. HS ngồi nhầm một lớp thì có thể giải quyết dần dần bằng cách tăng cường dạy phụ đạo, bồi dưỡng để lấp lỗ hổng kiến thức cho các em, giúp các em theo được lớp hiện tại. Nhưng với HS ngồi nhầm 3 lớp thì giải quyết thế nào đây trong 3 năm tới?”.

Một khó khăn khác được nhiều đại biểu đặt ra, đó là tính pháp lý cho việc giải quyết HS “ngồi nhầm lớp”. Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình nói: “Một HS đang học lớp 7 nhưng chỉ có trình độ của HS lớp 4, lớp 5. Muốn đưa em đó trở về ngồi ở lớp 5 thì làm thế nào? Hồ sơ, học bạ của em đó đầy đủ, kết thúc các năm học đều được lên lớp.

Bây giờ không thể qua một kỳ kiểm tra mà bắt em đó lùi lại lớp dưới được. Đây là vấn đề đòi hỏi tính pháp lý, không thể làm tuỳ tiện được”. Ý kiến này được nhiều lãnh đạo Sở GD&ĐT khác hưởng ứng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Vọng đặt vấn đề: “Những HS không thể theo học được lớp hiện tại thì phải “trả” các em về lớp thấp hơn. Nhưng quy chế không quy định về việc này.

Giải pháp là dành quyền quyết định cho các Giám đốc Sở. Nhưng quy trình giải quyết vấn đề này thế nào, Bộ mong nhận được sự góp ý của các địa phương”.

Một số đại biểu khác cho rằng, tình trạng tỉ lệ HS yếu, kém cao chỉ được giải quyết tận gốc khi GV được tạo cơ chế để quan tâm tới từng HS trong lớp hơn là phải quan tâm tới việc dạy cho xong chương trình, nội dung.

“Xin Bộ hãy từ từ”

Nhiều đại biểu thực sự lo ngại về tình trạng HS bỏ học tăng đột biến sau khi ngành GD&ĐT áp dụng chủ trương đánh giá thực chất chất lượng dạy học.

Theo ông Nguyễn Văn Bền - Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn, việc vận động HS đi học chuyên cần ở những địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn như Bắc Kạn vốn dĩ vẫn gặp khó khăn. Giờ đây, khi áp dụng việc đánh giá thực chất, khó mà kéo nổi những em HS có học lực yếu, kém quay trở lại trường học.

Mặt khác, để thực hiện cuộc vận động “hai không”, các địa phương sẽ chấp nhận tỉ lệ HS đỗ tốt nghiệp THPT thấp hơn những năm trước.

Ông Bền nói: “Tuy nhiên, xin Bộ hãy để cho tỉ lệ thấp từ từ. Năm ngoái 90% thì năm nay 70%. Nếu thấp quá, địa phương sẽ rất khó giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh. Hơn nữa, người dân có thể không chấp nhận”. 

Một lãnh đạo Sở GD&ĐT An Giang nói: “Nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc, Bộ lại ra đề khó, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay sẽ rất thấp. Tôi nghĩ, nếu năm nay tỉ lệ đỗ tốt nghiệp ở địa phương nào đó chỉ đạt 20 – 30% thôi chẳng hạn, cho dù ngành chấp nhận nhưng dư luận xã hội chắc chắn không chấp nhận. Theo tôi, có thấp cũng nên ở mức 50 – 60% là vừa”.

Trước sự lo ngại trên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng – đã phải “trấn an”: “Từ nhiều năm nay, Bộ luôn đặt tiêu chí cho đề thi tốt nghiệp THPT là HS có học lực yếu nếu cố gắng cũng sẽ đạt điểm trung bình; năm nay cũng vậy. Vấn đề là kỳ thi phải diễn ra nghiêm túc, các trường phải tích cực trong việc bồi dưỡng, phụ đạo kiến thức cho HS lớp 12”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.