Chặt củi, nuôi bốn con vào đại học

Chặt củi, nuôi bốn con vào đại học
TP - Ở xã Phúc Lộc (Hà Tĩnh) nhiều người biết đến gia đình ông Võ Văn Bình, một trong những gia đình nghèo nhất xã nhưng từ gánh củi khô ông đã nuôi bốn con ăn học thành người.

Khi gà vừa cất tiếng gáy, ông Bình và hàng xóm đã chuẩn bị dụng cụ để bắt đầu vào núi kiếm củi.

Ông Bình cho biết quê ông là làng thuần nông, cả năm chỉ trông chờ vào mấy vụ lúa, vụ khoai nên có thời gian rảnh là dân nơi đây vô núi kiếm củi, kiếm ngọn đót về tết thành chổi đem ra chợ bán kiếm thêm chút tiền đóng học phí cho con.

Công việc vất vả nhưng thu nhập chẳng được là bao. Ngày nắng ráo, kiếm nhiều củi thì bán được 10 đến 20 nghìn đồng, nhưng ngày mưa gió, củi ướt mục, chỉ có thể phơi khô dùng dần nên chẳng kiếm được đồng nào.

Dù nghèo nhưng ông Bình luôn tâm nguyện và mong muốn nuôi được những đứa con thành tài. Ông nói: “Đời tui vất vả, lại không có tương lai. Tui nói với các con là muốn thoát nghèo chỉ có con đường học tập kiếm lấy cái nghề. May mà chúng nó ngoan, thấy bố mẹ vất vả nên đứa nào cũng chăm học”.

Chặt củi, nuôi bốn con vào đại học ảnh 1
Võ Văn Sĩ con út của ông Bình tại ĐH Y Huế

Ông Bình có bốn con. Con gái đầu là Võ Thị Minh, sinh năm 1981. Năm 1999, Minh thi đậu vào Trường Đại học Kinh tế Huế và Trung cấp Y Đà Nẵng. Biết gia đình nghèo, Minh học trung cấp để sớm ra trường xin việc giúp đỡ bố mẹ nuôi em.

Năm 2002, con thứ hai của ông Bình là Võ Văn Chí thi đậu trường Đại học Y Huế. Ông Bình chạy suốt đầu làng, cuối xóm mượn tiền đóng học phí cho con nhưng khổ nỗi làng xóm đều nghèo nên chẳng biết mượn ai. Ông quyết định bán con bò - thứ tài sản đáng giá duy nhất của gia đình.

Sợ vợ buồn, ông động viên: “Dù nghèo mấy cũng phải cho nó đi học, đứa đầu thiệt thòi rồi. Nếu đứa này không cho nó đi học thì những gì mình dạy con bằng không hết. Còn hai đứa sau nữa liệu nó có tin mình mà chăm học cho thành người hay không”.

Ông Bình kể: “Ngày nó đi học, ở nhà hai vợ chồng chúng tôi làm hơn mẫu ruộng mà vẫn đói. Lúa làm ra bán lấy tiền gửi cho con ăn học. Còn ở nhà bữa rau bữa cháo qua ngày. Mong các cháu đứa nào cũng tu chí”.

Đứa thứ hai học chưa ra trường thì, năm 2005, đứa thứ ba Võ Thị Nghĩa lại thi đậu Trường Đại học Kinh tế Huế. May mắn cho gia đình ông lúc này là con đầu (Võ Thị Minh) đã ra trường và xin được việc làm ở Đà Lạt.

Theo gương anh chị, năm 2006, đưa út là Võ Văn Sĩ tiếp tục thi đậu vào Đại học Y Huế với 27,5 điểm và Đại học Dược Huế 27 điểm. Để con yên tâm lên đường nhập học, hai vợ chồng ông phải làm việc cật lực, từ khi trời còn chưa sáng, ăn uống chi tiêu thì tiết kiệm, nhiều khi họ còn phải chạy vạy vay mượn của bà con làng xóm mới đủ tiền cho ba chiếc tàu con đang trong hành trình khám phá dòng sông tri thức.

Ông Bình tâm sự: “Bỏ sức ra để con có được tri thức sống tốt giữa đời thì  vất vả mấy tui cũng chịu được”.  

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.