Chất lượng giáo dục - Lúng túng lối ra?

Chất lượng giáo dục - Lúng túng lối ra?
TP - Sáng 30/10, trong phiên kết thúc hơn hai ngày thảo luận tại Hội trường về tình hình KT-XH của Quốc hội, những ý kiến bức xúc về chất lượng giáo dục đào tạo của các đại biểu Quốc hội đã khiến Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân phải đăng đàn.

Cuộc vận động “hai không” của ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) một năm qua mới chỉ xác định đúng hơn chất lượng giáo dục, chứ chưa phải là biện pháp nâng cao chất lượng. Các vấn đề nổi cộm như chương trình GD-ĐT, chất lượng giáo viên, phương pháp giảng dạy và học vẫn chưa có chuyển biến đáng kể.

Phó Chánh án Tòa án quân sự T.Ư Trần Văn Độ (đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) “mở hàng” phiên thảo luận như vậy. Ông Độ nêu thực trạng: “Học viện hóa” đại học, “đại học hóa” cao đẳng và “cao đẳng hóa” trung cấp, dạy nghề.

“Tình trạng này khiến không ít người dạy cao đẳng lại đi dạy đại học. Tức là những người trước đây tốt nghiệp cao đẳng được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy thì nay cao đẳng chuyển thành đại học, giáo viên đó lại tiếp tục dạy chương trình đại học!?” - Ông Độ nói.

Cùng vấn đề này nhưng ở bậc học phổ thông, Thiếu tướng Công an Hoàng Hữu Năng (đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum ) cho rằng, đang có tình trạng “giáo viên đứng nhầm lớp”! Như thế, cộng với bệnh thành tích tất yếu sẽ sinh ra “học trò ngồi nhầm lớp”.

Để tương lai giáo dục phát triển chất lượng cao, ông Năng kiến nghị: Cần kiên quyết giải quyết vấn đề “giáo viên đứng nhầm lớp”, bằng cách: Đối với số còn ít tuổi, còn có triển vọng cần đào tạo lại để đạt chuẩn. Số còn lại có thể giải quyết theo ba hướng: hạ lớp, hạ cấp đang dạy lớp 12 thì xuống lớp 9, thậm chí đang dạy THPT có thể xuống THCS nếu cùng một ngạch; chuyển làm việc khác; cho nghỉ hưu sớm hoặc nghỉ chờ hưu.

Chi nhiều nhưng lại kém hiệu quả!

Đại biểu Trần Văn Độ phân tích: Vốn đầu tư cho giáo dục là rất lớn. “Hàng năm Nhà nước chi cho GD-ĐT 20% tổng chi ngân sách nhà nước, cộng với một nguồn vốn rất lớn từ xã hội, từ phụ huynh học sinh cho các trường, đặc biệt là các trường phổ thông. Nhưng, kết quả đầu tư cho giáo dục đào tạo lại quá khiêm tốn. Đặc biệt là trong các mặt: kiên cố hóa trường lớp, rồi lãng phí trong in sách giáo khoa” - Ông Độ nói. 

Bây giờ, mỗi năm Nhà nước, xã hội đóng góp bao nhiêu tiền để in những sách giáo khoa đó, để sử dụng một năm rồi bỏ đi. Thậm chí có một số sách in ra rồi làm trực tiếp bài tập vào trong sách. Điều đó gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Nếu chúng ta có một chương trình cố định, có một chương trình hoàn chỉnh và ổn định lâu dài, thì việc lãng phí trong in ấn và sử dụng sách giáo khoa hiện nay sẽ không xảy ra.

Cùng bức xúc về tính thiếu ổn định sách giáo khoa của ngành giáo dục, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (đại biểu Quốc hội Đắc Lắk) nói: “Tôi đề nghị Quốc hội xem xét lại ý kiến cho rằng, chương trình của sách giáo khoa của ta hiện nay là tốt và có thể ổn định lâu dài, việc chấn hưng chất lượng đại học và việc đào tạo gấp 2 vạn tiến sỹ, cũng cần phải xem xét một cách khoa học và thận trọng”.

Nhập hai kỳ thi làm một: Khó khả thi

Chất lượng giáo dục - Lúng túng lối ra? ảnh 1
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trả lời phỏng vấn. Ảnh: Hồng Vĩnh

Thiếu tướng Hoàng Hữu Năng cho rằng, “phải thay đổi tư duy về GD-ĐT”. Ông Năng lập luận, cái cuối cùng của sản phẩm giáo dục là con người tốt nghiệp đại học, trung học và cao đẳng chuyên nghiệp mà xã hội sử dụng”, nhưng lâu nay chúng ta chỉ quản đầu vào mà không quan tâm đầu ra.

“Tôi thấy đã vào được đại học thì cuối cùng đều ra trường và tất cả đều có bằng. Các nước người ta vào rất dễ nhưng ra rất khó, có người học hàng chục năm không ra được. Tôi thấy đây là tư duy cần phải thay đổi, vì sản phẩm cuối cùng phải đảm bảo chất lượng nên Bộ GD-ĐT phải quản lý thật chặt đầu ra, còn đầu vào nên để các trường lo” - Ông Năng nhấn mạnh.

Vì thế, theo ông Năng, cần phải cân nhắc kỹ chủ trương nhập kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học với thi đại học. Nhập hai kỳ thi thì có ưu điểm sẽ tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc của phụ huynh, nhưng thi tốt nghiệp THPT và thi đại học là hai yêu cầu khác nhau.

“Thi tốt nghiệp THPT chỉ ở mức trung bình. Còn thi đại học đề bài có tính chất phân biệt rõ giữa trình độ khá và giỏi, để chọn ra người tài” - Ông Năng nhấn mạnh.

Thêm nữa, việc nhập hai kỳ thi làm một tất nhiên là phải thi tại các trường, tại các địa phương, như thế rất dễ nảy sinh tiêu cực. Và “nếu lại thêm điều kiện xét kết quả cả 3 năm học nữa THPT để cộng vào, thì càng dễ nảy sinh tiêu cực, tiêu cực một lần có thể thành tiêu cực đến 3 năm” - Ông Năng cảnh báo.

Thêm một vấn đề nữa là: Những học sinh năm trước trượt đại học sẽ thi vào đâu, hay lại vẫn tổ chức riêng cho các em một kỳ thi? Như thế vẫn thành hai kỳ thi. Còn nếu thi chung thì không được! Cho nên hai việc này tôi thấy là khó, mà nếu thi riêng lại vẫn thành hai kỳ thi.

MỚI - NÓNG