“Chạy điểm vào đại học”: Bộ GD-ĐT có biện pháp gì ngăn chặn?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT.
Nhằm trục lợi từ thí sinh, không ít cá nhân, đơn vị giáo dục lợi dụng chủ trương đào tạo nguồn nhân lực của Nhà nước để “chạy điểm vào đại học” gây xôn xao dư luận. Vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý ra sao? Biện pháp xử lý như thế nào?

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT về vấn đề này.

Gian lận khó qua mặt được các trường!

Thưa bà, vừa qua báo chí đã phản ánh một đường dây “chạy điểm vào đại học”. Theo đó, thí sinh chỉ cần dự thi đại học đạt từ điểm sàn trở lên sẽ có cơ hội nộp hồ sơ xét tuyển vào nhiều trường đại học lớn với mức điểm chuẩn cao. Mức phí đầu vào thí sinh phải đóng dao động từ 30 triệu đồng đến chục ngàn đô. Bà nhận định thế nào về thông tin “chạy điểm vào đại học” mà báo chí vừa phản ánh?

Chúng tôi luôn trân trọng những thông tin mà cơ quan truyền thông phản ánh. Đó là kênh thông tin quan trọng để Bộ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chủ trương, chính sách về GD-ĐT.

Trong giai đoạn phóng viên đang điều tra sự việc, Vụ Giáo dục Đại học cũng đã phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu, nói rõ chủ trương, quy trình thực hiện và tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp. Trên tinh thần thực hiện nghiêm các quy định để đảm bảo thực hiện hiệu quả các chủ trương đúng đắn, Bộ GD-ĐT đang khẩn trương tiến hành các bước xem xét, xác minh sự việc được Báo nêu và khi có kết luận chính thức sẽ xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục thực hiện tốt vai trò giám sát xã hội, tiếp tục đồng hành cùng ngành GD-ĐT.

Sau khi báo chí phản ánh, một số độc giả đã gửi ý kiến cho biết tình trạng này đã xảy ra ở một số trường đại học, bà nghĩ thế nào?

Việc tuyển sinh, xét tuyển vào các trường đại học được quy định rất chặt chẽ trong quy chế tuyển sinh. Trong những năm gần đây, Bộ GD-ĐT thường xuyên sửa đổi, bổ sung quy chế để đảm bảo hợp lý, chặt chẽ, minh bạch hơn.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng có những người lợi dụng lòng tin của một số thí sinh và gia đình thí sinh (những người chưa có điều kiện và kỹ năng tìm kiếm, kiểm tra thông tin chính thức) để lừa đảo, trục lợi. Có thể có thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển, tự mình có thể nộp hồ sơ xét tuyển được, nhưng do thiếu thông tin nên bị mắc lừa những người trung gian gọi là "chạy điểm" dẫn đến mất tiền không đáng có.

Những trường hợp gian lận, sử dụng giấy báo điểm giả... rất khó qua mặt được các trường vì kết quả thi của thí sinh đều được các trường công khai trên mạng nên ai cũng có thể kiểm tra được.

Tuy nhiên, chúng ta chưa thể loại trừ hết hiện tượng tiêu cực trong công tác tuyển sinh ở trong nhà trường và ngoài xã hội. Bộ GD-ĐT rất hoan nghênh người dân cung cấp nguồn tin xác thực về các hiện tượng tiêu cực ở cơ sở giáo dục đại học nói riêng và trong giáo dục đào tạo nói chung để phối hợp kiểm tra và xử lý.

Khi Bộ GD-ĐT có chủ trương ưu tiên đào tạo nhân lực cho các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ để phục vụ việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương và của vùng, Bộ có lường trước được tình huống có những kẽ hở để một số đơn vị (cả những đơn vị không được Bộ GD-ĐT cho phép) lợi dụng chủ trương này để trục lợi hay không?

Cũng cần nêu rõ sự cần thiết phải có chính sách đặc thù để đào tạo nhân lực cho các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ (3 Tây). Các cơ quan, đơn vị đuợc giao thực hiện nhiệm vụ đều hiểu chủ trương, chính sách, mục tiêu đào tạo nhân lực cho các tỉnh thuộc khu vực này.

Thực hiện chủ trương này, quy trình tham gia của các cơ quan hữu quan được quy định rất cụ thể. Bộ GD-ĐT quy định đối tượng, điều kiện tham gia xét tuyển (thí sinh đã tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy hàng năm do Bộ GD-ĐT tổ chức, có mức điểm thấp hơn không quá 2 điểm so với điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường được gửi đào tạo, có hộ khẩu thường trú từ 36 tháng trở lên tại các tỉnh, thành trong khu vực, có nguyên vọng và cam kết sau khi tốt nghiệp về làm việc tại địa phương…); quy định nguyên tắc xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Hàng năm, trên cơ sở đề nghị của các ban chỉ đạo, của các tỉnh, Bộ lựa chọn các cơ sở có năng lực tốt, đáp ứng yêu cầu về ngành nghề đào tạo của các địa phương để giao chỉ tiêu đào tạo cho từng trường, trong đó, trước hết ưu tiên các trường trong khu vực. Các trường ngoài khu vực chỉ được giao nhiệm vụ đào tạo những ngành là thế mạnh của trường, khi các trường trong khu vực không đào tạo ngành đó hoặc đã vượt quá năng lực đào tạo.

Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ GD-ĐT trong việc xác định điều kiện, nguyên tắc chung nói trên; chỉ đạo các tỉnh, thành trong khu vực dựa vào nhu cầu sử dụng, quy hoạch nhân lực của tỉnh, của vùng để xác định số lượng, ngành nghề, trình độ cần đào tạo; tổng hợp chỉ tiêu để đề xuất với Bộ GD-ĐT về nhu cầu đào tạo trong vùng.

Các tỉnh, thành trong khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ dựa vào thực tế nhu cầu sử dụng, quy hoạch nhân lực trong tỉnh để xác định số lượng, ngành nghề, trình độ cần đào tạo; tiêu chí xét tuyển áp dụng trong tỉnh (phù hợp với các quy định chung); xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo nhân lực từng năm để đề xuất với Ban chỉ đạo và Bộ GD-ĐT.

Khi chỉ tiêu được Bộ GD-ĐT duyệt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phải chỉ đạo việc công bố công khai chỉ tiêu, ra quyết định thành lập Hội đồng tuyển sinh. Lãnh đạo tỉnh được giao nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trực tiếp chỉ đạo việc tuyển sinh và phê duyệt danh sách thí sinh được xét tuyển theo ngành, theo trình độ đào tạo gửi về các trường đã được giao chỉ tiêu đào tạo, báo cáo Ban chỉ đạo và Bộ GD-ĐT.

Các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ có quyền và trách nhiệm tiếp nhận chỉ tiêu được giao phù hợp với nguyên tắc chung đã được quy định, tổ chức đào tạo, đảm bảo chuẩn đầu ra và cấp bằng theo quy định.

Học phí được các trường xây dựng trên cơ sở các quy định chung tại Nghị định số 49/CP/2010/NĐ - CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ. Việc đóng học phí cho các trường thuộc trách nhiệm của địa phương và người học, trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên liên quan (địa phương có nhu cầu gửi đi đào tạo để sử dụng và người học có nhu cầu học và cam kết học xong về làm việc cho địa phương).

Các quy định chặt chẽ như trên trước hết là để hướng dẫn phối hợp thực hiện thống nhất và đúng chủ trương; đồng thời đó cũng là sự “lường trước” của Bộ GD-ĐT để có cơ sở để kết luận vi phạm và xử lý vi phạm nếu có.

Nếu có hiện tượng cá nhân, đơn vị không minh bạch thông tin; làm sai lệch thông tin, nhân danh tổ chức, nhân danh cơ sở đào tạo để trục lợi; hoặc có đơn vị không được Bộ cho phép lại tổ chức tuyển sinh theo chính sách này hoặc có đơn vị được Bộ cho phép lại tuyển sinh sai đối tượng, không đảm bảo điều kiện, quy trình tuyển sinh... thì đều là vi phạm pháp luật.

Ngoài việc thanh tra, kiểm tra, Chính phủ và Bộ GD- ĐT cũng đã “lường trước” và quy định rõ hình thức xử lý kỷ luật đối với viên chức vi phạm (hệ thống Luật Viên chức); quy định hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả… đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục như vi phạm quy định về về thông báo, tư vấn tuyển sinh; xác định đối tượng, chỉ tiêu tuyển sinh… (Nghị định số 138/2013/NĐ-CP) và các chế tài bồi thường khác.

“Chạy điểm vào đại học”: Bộ GD-ĐT có biện pháp gì ngăn chặn? ảnh 1

Thí sinh hãy cảnh giác với nhiều kiểu lừa đảo vào đại học nhằm trục lợi. Ảnh minh họa.

Sẽ rà soát lại những chủ trương dễ bị lợi dụng!

Có ý kiến lo ngại cho rằng sự việc báo chí nêu là một trong những cảnh báo tiêu cực sẽ nảy sinh nhiều hơn khi thực hiện tự chủ đại học. Bà nghĩ sao?

Tự chủ đại học là xu thế tất yếu nhằm đưa giáo dục đại học Việt Nam vào môi trường cạnh tranh, phát triển lành mạnh, hội nhập, theo xu thế chung của thế giới.

Để chuẩn bị cho các cơ sở đào tạo thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm, trong những năm gần đây, nhà nước cũng đã từng bước tạo hành lang pháp lý như: ban hành hệ thống luật giáo dục và luật giáo dục đại học; ban hành các chuẩn mở trường, mở ngành, chuẩn giảng viên, chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở và chương trình đào tạo; tiếp tục ban hành chuẩn phân tầng xếp hạng, chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học; chuẩn kiến thức kỹ năng đối với từng trình độ đào tạo… Đồng thời, Bộ đang trình Chính phủ Nghị quyết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Tuy nhiên, quyền tự chủ sẽ phải đi đôi với năng lực tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Khi năng lực tự chủ, điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở đào tạo chưa đồng đều, mục đích hoạt động giáo dục còn khá đa dạng thì việc mở rộng quyền tự chủ cần có điều kiện, lộ trình phù hợp.

Bên cạnh đó cũng cần quy định rõ trách nhiệm minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo; tạo ra cơ chế dân chủ, có sự tham gia của đội ngũ giảng viên, học viên và người lao động; tạo ra cơ chế giám sát xã hội của các cơ quan ngôn luận, báo chí… tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.

Hiện tượng tiêu cực trong tuyển sinh ngày càng tinh vi như việc“chạy điểm vào đại học” mà báo chí phản ánh. Vậy, Bộ sẽ có những biện pháp nào để ngăn chặn được tình trạng này?

Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu các cơ sở đào tạo báo cáo cụ thể tình hình thực hiện đào tạo theo địa chỉ sử dụng, đào tạo hệ cử tuyển, tình hình tuyển thẳng thí sinh các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Đây là những hệ đào tạo có thể bị lợi dụng để phát sinh tiêu cực.

Sau khi có báo cáo của các trường, Bộ sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra để có kết luận chính thức và sẽ xử lý nghiêm vi phạm, nếu có. Ngay sau khi nhận được thông tin báo nêu, Bộ đã đề nghị Cục An ninh chính trị nội bộ (A83 - Bộ Công an) phối hợp xác minh, xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Sắp tới, Bộ đã có kế hoạch phối hợp với ban chỉ đạo của các vùng thực hiện sơ kết 3 năm đào tạo nhân lực cho “3 Tây” dự kiến vào quý 4 của năm 2014 để đánh giá kết quả, bàn các biện pháp để thực hiện hiệu quả chính sách, bao gồm cả phòng ngừa tiêu cực phát sinh.

Đối với quy trình quản lý chung, Bộ GD-ĐT sẽ chú trọng hơn yêu cầu công khai thông tin và thực hiện sát sao việc hậu kiểm toàn bộ quá trình thực hiện, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí ngay từ những khâu đầu tiên của quy trình để tạo ra sự giám sát xã hội chặt chẽ trong suốt quá trình thực hiện để giảm thiểu các hiện tượng tiêu cực, lợi dụng chính sách để trục lợi của các cơ sở đào tạo cũng như ngoài xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Theo Hồng Hạnh
Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG