Chạy theo thành tích là vi phạm đạo đức

Chạy theo thành tích là vi phạm đạo đức
TP - Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT Trần Hồng Quân đã thẳng thắn nhận định như vậy trong cuộc trao đổi với Tiền phong xung quanh chủ đề "nóng" - tiêu cực trong thi cử - vừa qua.
Chạy theo thành tích là vi phạm đạo đức ảnh 1

Tóc giả và điện thoại di động được sử dụng trong đường dây thi thuê ĐH năm nay. Ảnh: Tuổi Trẻ

Thưa ông, suốt mấy tuần qua, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm đến một số tiêu cực trong ngành giáo dục. Ông từng giữ chức vụ Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo trong một thời gian khá lâu (từ năm 1987 đến 1997), chắc ông không phải là người ngoài cuộc?

Tôi thừa nhận tiêu cực trong giáo dục là có thật và còn khá phổ biến. Nhiều người cho rằng, tiêu cực là do bệnh thành tích mà ra. Nhưng đó chỉ là một trong nhiều nguyên nhân.

Ngay cả tiêu chuẩn hóa cán bộ, lấy bằng cấp làm chuẩn có những mặt được và chưa được. Được là ở chỗ đặt ra yêu cầu cao đối với cán bộ; chưa được là dẫn đến hiện tượng chạy bằng cấp.

Chạy theo thành tích là vi phạm đạo đức ảnh 2
Ông Trần Hồng Quân

Bệnh thành tích tạo ra con số ảo. Đã có một thời, phong trào thi đua rất lành mạnh, trung thực, tạo nên động lực để phát triển  nhưng sau đó đã bệnh thành tích len vào. Xét cho cùng, bệnh thành tích là vi phạm đạo đức vì đây thực chất là nói dối.

Ông suy nghĩ gì về “hiện tượng” thầy Đỗ Việt Khoa tố cáo tiêu cực thi cử ở Hà Tây?

Tôi cho rằng, thầy Khoa dũng cảm. Khi khẳng định thầy Khoa dũng cảm thì đồng nghĩa là trong hệ thống giáo dục, tiếng nói chân chính ít được nói ra. Điều này, thật là quá đau lòng.

Thời ông làm Bộ trưởng, tiêu cực trong ngành có không?

Hồi tôi làm Bộ trưởng,  tiêu cực đã lác đác có, ví dụ tiêu cực trong tuyển sinh ĐH. Đã bắt đầu có hiện tượng “cò” tuyển sinh và hiện tượng “phao” thi. Lúc đó, tôi đã đánh giá cửa ĐH quá hẹp, thi ĐH quá căng thẳng nên tiêu cực phát sinh.

Tôi suy nghĩ: Chống luyện thi, chống phao thi... sẽ không thể nào giải quyết được tận gốc tiêu cực.  Phải nâng toàn bộ nền giáo dục lên, tạo ra năng lực “cung” tương đương với “cầu” để giảm bớt căng thẳng, áp lực thi cử. Kết  hợp chống tiêu cực với điều này mới thành công.

Ông đã làm được những gì trong công cuộc đó, thưa ông?

Tôi đã chủ trương phát triển các dạng ĐH, bây giờ gọi là xã hội hóa, huy động nguồn lực của xã hội. Chúng tôi  đưa ra 4 tiền đề:

- Đào tạo không chỉ cho Nhà nước mà đào tạo cho nhiều thành phần kinh tế.

- Đào tạo không chỉ bằng ngân sách Nhà nước mà bằng cả học phí.

- Đào tạo không chỉ theo chỉ tiêu Nhà nước mà phải mở rộng chỉ tiêu (dựa vào dự báo nhân lực trong tương lai và nguyện vọng của người dân).

- Học xong, không nhất thiết  phải được Nhà nước phân công công tác.

Hồi đó,  4 tiền đề này đều rất lạ. Nhưng nếu không đưa ra  thì cửa ĐH sẽ rất hẹp. Ví dụ: ĐH Tổng hợp Hà Nội hồi đó có trên 1.000 giảng viên nhưng chỉ  tiêu chỉ có 100 sinh viên/năm, chỉ được 4 lớp.

Trong khi đó, ngân sách Nhà nước cấp là dựa theo số lượng sinh viên nên lấy tiền đâu mà chi cho bộ máy nhà trường? Trước tình hình đó, với sự tham mưu của Bộ GD-ĐT, đồng chí Võ Văn Kiệt (khi đó là Thủ tướng) lần đầu tiên ký nghị định mở trường  tư thục (1993).

Sau đó, do có sự do dự nên Bộ GD-ĐT ra quy chế tạm thời về trường dân lập (1994). Theo đó, có trên 10 trường dân lập ra đời. Khởi đầu là trường ĐH dân lập Thăng Long. Cửa vào ĐH đã bắt đầu thoáng hơn.

Nhưng thưa ông, từ bấy đến nay, tình hình tuyển sinh ĐH vẫn cực kỳ căng thẳng?

Theo tôi, khi cung bằng cầu, thì học sinh vào ĐH sẽ rất nhẹ nhàng. Ví dụ: Có bằng cấp 3, chỉ cần ghi tên thì vào học ĐH nhưng trong quá trình học, nếu  học một số học phần không đạt sẽ bị loại. Từ đó tạo ra một thách thức đối với người học, như vậy  mới có nhiều người giỏi.

Bây giờ ta vẫn chưa  làm được vì “cung” thấp hơn “cầu”. Hơn nữa, cách làm của ta bây giờ còn quá bất ổn. Ta quá khó khăn với xã hội hóa giáo dục. Bây giờ mở một trường ĐH ngoài công lập là quá khó.

Nhiều thầy giáo tâm huyết với ngành trình đề án xây dựng trường rất tốt nhưng chờ đến 5 -7 năm vẫn chưa  được phê duyệt nên họ  nản lòng. Đây là tình trạng quan liêu rất đáng trách.

Bên cạnh đó, chúng ta còn định kiến nặng nề phân biệt giữa công lập và dân lập. Rồi mình lại đặt ra việc hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh đối với các trường trong khi mình chẳng bỏ ra một đồng nào.

Điều này tạo ra cơ chế “xin- cho” vô lý và nghiệt ngã  khiến các trường dân lập luôn thiếu sinh viên và đứng trên bờ phá sản. Có nhiều trường bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất nhưng bị hạn chế chỉ tiêu nên phải cho các trường công lập thuê, mướn.

Tôi đã từng phân tích sự vô lý của việc ràng buộc chỉ tiêu trước một hội nghị; sau đó Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã chỉ đạo sớm  bỏ việc quy định chỉ tiêu. Trong chương trình hành động của Bộ GD-ĐT nêu: Năm 2009 mới bỏ việc này. Tôi thì đề nghị bỏ trong năm nay.

Thưa ông, nếu bỏ quy định về chỉ tiêu mà không bỏ quy định về điểm sàn thì, các trường ngoài công lập sẽ “sống” ra sao?

Tôi cực lực phản đối việc quy định điểm sàn. Đây là quy định lạnh lùng, thiếu trách nhiệm vì điểm sàn là rào cản ngăn thí sinh vùng sâu, vùng xa (những nơi chất lượng giáo dục còn thấp) không được học ĐH.

Thực tế, từ khi có điểm sàn, những vùng có nền giáo dục tốt thì nhiều học sinh có điểm thi trên sàn và  ngược lại, những vùng có nền giáo dục thấp thì rất ít học sinh đạt điểm trên sàn, không được vào ĐH. Điều này rất nguy hiểm, dân trí giữa 2 vùng ngày càng chênh nhau. 

Tôi cũng đang lo, sắp tới, nếu ta không khống chế chỉ tiêu đối với các trường mà không bỏ quy định về điểm sàn thì các trường ngoài công lập sẽ “chết” vì có bao nhiêu thí sinh đạt điểm trên sàn, các trường công lập “vét” hết.

Được biết, mục tiêu Chính phủ đặt ra là đến năm 2010, có 40% sinh viên học các trường ngoài công lập. Theo ông, mục tiêu này có thực hiện được không?

Với những rào cản như đã nói ở trên, cộng với những rào cản khác như : Quy định mức trần học phí, không cho mở trường ngoài công lập tại TPHCM và Hà Nội, một địa phương không cho mở nhiều trường...thì khó mà đạt được mục tiêu. Và như vậy, cánh cửa vào đại học vẫn rất hẹp, tuyển sinh ĐH vẫn rất căng thẳng.

Với tư cách là cựu Bộ trưởng và hiện nay là Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, ông có biện pháp gì để cánh cửa ĐH được mở rộng hơn?

Theo tôi, việc quản lý Nhà nước “lùi lại”, chỉ quản lý Nhà nước đơn thuần thôi. Các trường không cần bộ chủ quản, kể cả trường công. Nhà nước chỉ quản lý chất lượng; còn chỉ tiêu tuyển sinh, học phí chương trình đào tạo… hãy để các trường tự chủ.

Ông có nhận xét gì về thực trạng giáo dục nói chung của ta?

Giáo dục chúng ta chưa thỏa mãn được nhu cầu xã hội. Nói cách khác, ta đang thiếu nguồn lực nhưng chưa huy động được sức mạnh của toàn xã hội. Một điều quan trọng khác, giáo dục của ta đang thiếu động lực.

Nếu ở trạng thái cung tương đương với cầu, tạo ra một cục diện cạnh tranh thật sự thì các trường phải tự hoàn thiện mình thôi. Thầy giáo cũng vậy, họ phải tự hoàn thiện mình mới có chỗ đứng trong một nền giáo dục có phẩm chất.

Xin cảm ơn ông.

Lý Thành Tâm-Đăng Khoa
(thực hiện)

MỚI - NÓNG