Tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ:

Chỉ khi nào xã hội tin vào giáo dục thì mới thắng lợi

TPO - Theo tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, giáo dục không phải là một trận đánh, giáo dục là con người, đó là một công trình lớn được xây dựng liên tục trong nhiều năm. Nhiệm vụ của ngành là tạo niềm tin. Chỉ khi xã hội có niềm tin vào giáo dục thì đó mới thắng lợi. Còn khi chưa có niềm tin vào giáo dục thì vẫn thất bại.

Sáng 9/4, Quốc hội chính thức phê chuẩn ông Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thay ông Phạm Vũ Luận vừa được miễn nhiệm. 

Với cương vị là tân tổng tư lệnh ngành giáo dục, ông Phùng Xuân Nhạ cho biết: Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, nhưng với trách nhiệm là người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước của ngành, việc đầu tiên tôi phải bắt tay ngay vào là tiếp tục triển khai một cách quyết liệt, sáng tạo Chương trình hành động của Chính phủ về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương. Người dân nào cũng có nhu cầu chính đáng là được học hành tử tế, được sống vui vẻ, được sống trong xã hội yên bình. Đồng thời, trước đòi hỏi của cuộc sống, cơ hội hội nhập, với trách nhiệm  người đứng đầu ngành giáo dục được giao,  mà không chú trọng đến nhu cầu đó  một cách thực sự là không đúng.  Bản chất của giáo dục là con người và càng không phải là những cái trung gian mà mọi người đang quan tâm. Theo tôi,  chương trình, sách giao khoa (CT-SGK) … chỉ là những công cụ để đáp ứng, đó không phải là mục tiêu, mục đích của giáo dục.

Mục tiêu của giáo dục là đào tạo những con người thực sự nhân văn. Như thế cũng đúng với trụ cột của UNESCO: học để sống với nhau, học để làm việc, học để biết, học để làm người.  Bác Hồ của chúng ta cũng đã nói điều này từ rất lâu. Nên nếu như chỉ dừng lại mục tiêu của giáo dục là CT-SGK là không đúng. Đồng thời phải rất lắng nghe mưu cầu của con người. Vì  mưu cầu của con người là được sống một cách tự thân. Ngay cả những người nghèo nhất họ cũng có mưu cầu được sống một cách thanh thản, bản thân những tội phạm họ cũng không muốn làm tội phạm nhưng vì hoàn cảnh xô đẩy.  Thế nên, giáo dục tội phạm là  phần ngọn. Gốc của giáo dục  làm thế nào để hạn chế phần xấu, tăng phần thiện. Do đó, giáo dục không chỉ dừng lại ở khung CT - SGK hay cách thức giảng dạy.

Chỉ khi nào xã hội tin vào giáo dục thì mới thắng lợi ảnh 1

Tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Như Ý

Thời gian gần đây, nhiều vấn đề của ngành giáo dục được dư luận quan tâm, thậm chí lo lắng từ đổi mới tuyển sinh, chương trình sách giáo khoa, mở ngành. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ mới, ông sẽ tập trung vào lĩnh vực nào nhất?

Tôi quan sát thấy chúng ta mất thời gian dài vừa qua để bàn về việc của các thầy. Đó là chương trình thế nào,  dạy thế nào, tổ chức thi thế nào, miễn sao với xã hội, người nào cũng được tiếp cận với giáo dục  tốt và khơi dạy được mặt tốt của con người.  

Nhiều người nói rất hay như chuyển đổi căn bản từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, ai cũng biết điều này nhưng vấn đề là phát triển thế nào.  Tôi xuất phát từ thực tiễn là lắng nghe con người. Tất cả con người đều có mưu cầu để cuộc sống tốt lên, nhân văn hơn từ đó quay trở lại giáo dục phải làm thế nào để phối hợp đạt được vấn đề này. Chúng ta vẫn nói có 3 yếu tố tạo nên nhân cách con người đó là Nhà trường – Gia đình – Xã hội . Nhưng tại sao đổ hết cho giáo dục? Xã hội ở đâu? Giáo dục có cố gắng đến mấy  nhưng môi trường xã hội, cộng đồng không đồng hành cùng mà chỉ bình luận, chỉ kêu thì không được. Xưa nay, mọi người mất nhiều công sức để nói về đổi mới CT-SGK nhưng đó là câu chuyện của các thầy, câu chuyện của nhà trường. Tôi nghĩ đó còn có thể coi là nghiệp vụ của các thầy. Tại sao chúng ta lại mang nghiệp vụ của các nhà giáo ra để xã hội bàn tán?

Tôi nghĩ chúng ta nên đưa ra đòi hỏi về con người, đừng đưa ra đòi hỏi về CT-SGK.  Nếu các thầy không đáp ứng được mục tiêu đầu ra thì CT-SGK không giải quyết được vấn đề gì. CT-SGK chỉ là khâu trung gian trong việc quản lý cả quá trình chứ không phải quản lý mục tiêu.  Ví dụ  mục tiêu giáo dục của ta đối với học sinh học xong phổ thông: ngoan ngoãn, kiến thức cơ bản, nề nếp. Nhưng từ bậc dạy nghề trở đi phải chuyên nghiệp. Như vậy, phổ thông giáo dục con người, đó là nơi ươm mầm để từ đó có người theo bác sĩ, người theo nghề này, nghề kia. Để từ đó tất cả bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không thể có chuyện ông giáo sư coi thường ông công nhân. Nước Mỹ sẽ thế nào nếu thiếu người da đen? Chúng ta nhìn theo sự phân công công việc trong xã hội thì sẽ khác với cách nhìn đẳng hạ. Ở ta, đâu đó vẫn còn cách nhìn đó. Một khi xã hội còn có cái nhìn đẳng hạ thì còn bất công.  Tôi tiếp cận theo hướng đó chứ không tiếp cận từ  CT-SGK. Đó là nhiệm vụ của các ông thứ trưởng, vụ trưởng sẽ phải làm. Các ông làm thế nào, tôi hướng dẫn, tôi kiểm tra.

Tôi quan niệm giáo dục không phải là một trận đánh, giáo dục là con người, đó là một công trình lớn được xây dựng liên tục trong nhiều năm. Nếu làm như chiến dịch thì làm xong rồi tắt luôn. Con người đâu phải chiến dịch, con người đâu phải thắng thua. Tôi nghĩ không có chuyện thắng hay thua. Nhiệm vụ của ngành là tạo niềm tin. Chỉ khi xã hội có niềm tin vào giáo dục thì đó mới thắng lợi. Còn khi chưa có niềm tin vào giáo dục thì vẫn thất bại.

Vậy niềm tin xây dựng bằng con đường nào, thưa ông?

Bằng nhận thức của mình. Có những công việc chỉ những người trong ngành bàn với nhau. Có những công việc cả xã hội cùng bàn. Không nên lẫn lộn hai thứ.  Cũng giống như báo chí. Nghiệp vụ báo chí chúng tôi không thể biết được. Nhưng báo chí phải định hướng được dư luận hay làm sao để xã hội tốt lên. Còn làm thế nào để đạt được điều đó thì đấy là nghiệp vụ của báo chí.  Còn bây giờ bảo Bộ trưởng phải làm A, B, C, D thì đó không phải là công việc của Bộ trưởng. Nhưng Bộ trưởng phải sắp xếp, tạo được định hướng, đặc biệt là tạo được hứng khởi để anh em có niềm tin, hứng khởi. Bây giờ phải thổi được tự hào, niềm hứng khởi vào hàng triệu đội ngũ giáo viên, thậm chí thổi cái hổ thẹn (nếu có) cho hàng triệu giáo viên để các thầy cô phấn khích. Các thầy cô giáo vốn được coi là “kỹ sư tâm hồn”,  rất nhạy cảm, nhạy cảm hơn cả nghệ sỹ, khi họ đã buồn rồi thì làm sao họ “sáng tác” được? Do đó, trước khi cho xã hội tin thì người trong ngành phải tin, phải động viên, không được mắng mỏ, chê bai các thầy cô.

Xin cảm ơn ông!

Tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ sinh năm 1963, tại Phù Cừ, Hưng Yên. Ông là tiến sĩ Kinh tế. Trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ông Phùng Xuân Nhạ là Giám đốc ĐHQH Hà Nội (từ tháng 3/2013).

MỚI - NÓNG