Chỉ tiêu dự kiến tuyển sinh ĐH, CĐ 2010 một số trường

Chỉ tiêu dự kiến tuyển sinh ĐH, CĐ 2010 một số trường
TP - Một số trường đại học (ĐH) lớn có xu hướng giữ nguyên số lượng chỉ tiêu tuyển sinh như năm trước, thậm chí có trường còn giảm chỉ tiêu tuyển sinh để đảm bảo chất lượng đào tạo.

ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển 5.500 chỉ tiêu, giảm hơn 200 chỉ tiêu so với năm trước. ĐH Sư phạm Hà Nội: 2.550 chỉ tiêu. ĐH Ngoại thương: 3.000 chỉ tiêu ĐH hệ chính quy (tăng 200 chỉ tiêu do có thêm cơ sở đào tạo mới ở Quảng Ninh). Trường này giữ nguyên chỉ tiêu hệ CĐ là 300.

Trường ĐH Ngoại ngữ (thuộc ĐHQG Hà Nội): 1.200 chỉ tiêu ĐH, trong đó có môt số sinh viên có thể học để lấy 2 bằng trong khoảng 5 - 5,5 năm của 2 trường ĐH Ngoại ngữ và ĐH Kinh tế (đều thuộc ĐHQG Hà Nội). Chỉ tiêu bằng kép dựa theo nguồn lực của cả 2 trường. Các năm trước, số lượng sinh viên vào khoảng 200-300/năm.

Học viện Quan hệ Quốc tế: 450 chỉ tiêu ĐH và 100 chỉ tiêu vào CĐ. ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tăng  20%  chỉ tiêu theo hướng tăng đào tạo chất lượng cao và giảm chi tiêu tuyển sinh hệ CĐ.

Học viện Bưu chính Viễn thông tuyển 2.650 sinh viên cho hai hệ ĐH và CĐ, trong đó ĐH chiếm 2.000. Hệ tại chức trường này tuyển 1.000  học viên  và 1.800 chỉ tiêu cho hệ liên thông từ CĐ lên ĐH.

ĐH Mở Hà Nội: 3.200  chỉ tiêu ĐH và 700 chỉ tiêu CĐ. ĐH Thái Nguyên: 9.700 chỉ tiêu hệ ĐH và 900 chỉ tiêu hệ CĐ. ĐH Hà Nội: 1.700 cho 17 ngành ở khối A và D. ĐH Tài chính: hơn 3.000 ĐH. 

ĐH Y Hà Nội năm nay mở thêm nhiều ngành và hình thức đào tạo mới. Hệ ĐH năm nay tuyển 1.000 chỉ tiêu (tăng 100 so với năm ngoái). Trường này mở thêm hệ cử nhân điều dưỡng liên thông vừa làm vừa học với 250 chỉ tiêu. Điều dưỡng trung cấp vừa làm vừa học để thành cử nhân, trong đó cơ 50 người sẽ học tại Quảng Ninh.

Những người xuất sắc nhất để đào tạo và làm việc ở nước ngoài. Hệ bác sĩ y tế học dự phòng văn bằng 2 tuyển 50 chỉ tiêu dành cho cử nhân y tế công cộng,  cử nhân kỹ thuật y học để học tiếp trở thành bác sĩ y học dự phòng (thêm 30 chỉ tiêu hệ này học tại Quảng Ninh).

Một hệ khác của ĐH Y Hà Nội là cử nhân y tế công cộng liên thông định hướng dân số dành cho những người đã có bằng trung cấp y và dược đi học để trở thành cử nhân y tế công cộng liên thông và định hướng về dân số. Các ngành học sau đại học là:  chuyên khoa cấp 1: 650  chỉ tiêu (500 tại trường, 150 tại địa phương); chuyên khoa cấp 2: 150 người (100 tại trường,  50 tại địa phương);  bác sĩ nội trú: 120; cao học: 350. Tiến sĩ: 95.

ĐH Kiến trúc Hà Nội: 6.000 chỉ tiêu hệ ĐH,  100 - 200 hệ dạy nghề và 50 - 100 chỉ tiêu  hệ hợp tác đào tạo quốc tế. ĐH Giao thông Vận tải: 4.500 chỉ tiêu ĐH hệ chính quy (tăng 5%); các hệ phi chính quy gồm: liên thông,  văn bằng 2 , vừa làm vừa học  sẽ tuyển  4.500. 

Đảm bảo chất lượng

Để xác định qui mô tuyển sinh, năm nay Bộ GD&ĐT dựa vào các điều kiện đảm bảo chất lượng, gồm: tỉ lệ sinh viên trên một giảng viên qui đổi; cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm, thực hành, thực tập, nhu cầu của xã hội đối với các ngành nghề đào tạo.

Bộ GD&ĐT tiếp tục phát triển qui mô đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh biên giới, miền núi, vùng sâu, như: miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và khu vực Tây Nam bộ; Gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng, đào tạo theo địa chỉ, nhất là đối với các ngành Y Dược, Sư phạm.

Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, trên cơ sở đề xuất chỉ tiêu vào các ngành đào tạo của tỉnh, thành, các trường có chỉ tiêu đào tạo kí hợp đồng với các địa phương để triển khai thực hiện chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục, trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân vào hệ cử tuyển.

MỚI - NÓNG