Chia sẻ cùng những người vá lành hao khuyết

Chia sẻ cùng thầy cô năm nay hướng đến những giáo viên dạy học sinh khuyết tật. (Trong ảnh là cô giáo Hoàng Thị Hiếu dạy học trên đảo Cồn Cỏ được tuyên dương trong chương trình năm 2016). Ảnh: Xuân Tùng.
Chia sẻ cùng thầy cô năm nay hướng đến những giáo viên dạy học sinh khuyết tật. (Trong ảnh là cô giáo Hoàng Thị Hiếu dạy học trên đảo Cồn Cỏ được tuyên dương trong chương trình năm 2016). Ảnh: Xuân Tùng.
TP - Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 hướng đến thầy cô giáo đang dạy học sinh khuyết tật trong các cơ sở giáo dục chuyên biệt. Năm nay chương trình dự kiến tuyên dương 63 gương tiêu biểu trên cả nước.

Việt Nam có hơn 7 triệu người khuyết tật

Ngày 25/7, tại Hà Nội, T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ÐT, Bộ LÐ-TB&XH, Tập đoàn Thiên Long tổ chức họp báo giới thiệu chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018. Một góc nhỏ công việc của những giáo viên dạy học sinh khuyết tật được khắc họa qua phóng sự ngắn về mái ấm cho trẻ khuyết tật quận 4, TPHCM. Học sinh của các thầy cô là những em nhỏ chậm trí, câm điếc hoặc mắc hội chứng down. Các thầy cô kiên trì mỗi ngày hướng dẫn các em từ khả năng tự lập, vệ sinh đúng cách đúng nơi, đến vẽ, tô màu, học chữ... Có những em phải dạy vài năm mới thuộc bảng chữ cái, có em dạy hôm nay đến buổi sau chẳng nhớ một câu chào.

Ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LÐ - TB&XH cho biết, theo thống kê của Bộ LÐ - TB&XH, hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật, trong đó có 3% trẻ em, thanh thiếu niên đang độ tuổi đến trường. Khả năng tiếp cận giáo dục trẻ em khuyết tật thấp hơn nhiều so với nhiều nhóm trẻ em khác. Những giáo viên dạy học sinh khuyết tật rất vất vả, tuỳ từng nhóm trẻ khuyết tật lại phải có phương pháp dạy khác nhau. “Các thầy cô vừa phải đảm bảo chương trình dạy học trên lớp để trẻ tiếp cận được, học được, lại vừa trị liệu tâm lý, có các hoạt động chăm sóc giúp đỡ các em”, ông Toản nói.

Không để thầy cô, học sinh khuyết tật bị bỏ rơi

Chị Nguyễn Thị Thu Vân, Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội LHTN Việt Nam chia sẻ: “Nghề giáo đòi hỏi một sự hy sinh, yêu nghề, mến trẻ, nhưng với các giáo viên dạy trẻ khuyết tật, sự hy sinh này còn lớn hơn, vất vả hơn rất nhiều. Họ phải có ý chí, nghị lực phi thường và tấm lòng yêu thương cao cả thì mới bám trụ được với nghề. Niềm hạnh phúc của mỗi thầy cô dạy trẻ khuyết tật chính là nhìn thấy sự tiến bộ, lạc quan và niềm tin trong cuộc sống của những học trò nhỏ, giúp các em khuyết tật tự khẳng định bản thân và có cơ hội hoà nhập cộng đồng. Những cống hiến, hy sinh thầm lặng của các thầy giáo, cô giáo dạy trẻ khuyết tật xứng đáng được xã hội tôn vinh, là tấm gương cho thế hệ trẻ hôm nay”.

Ông Nguyễn Ðình Tâm, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long hy vọng chương trình sẽ đến gần với các thầy giáo cô giáo dạy học trò có hoàn cảnh đặc biệt, để hiểu hơn về nỗi vất vả, nghị lực vươn lên và tấm lòng của họ. “Tôi tin rằng chương trình năm nay sẽ truyền đi những câu chuyện xúc động về tình thầy trò. Ở đó, có thể tình thầy trò không được biểu hiện bằng những giác quan thông thường nhưng vẫn trọn đầy và ấm áp”, ông Tâm nói.

Chương trình”Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 sẽ nhận hồ sơ xét tuyên dương đến hết ngày 25/9. Hồ sơ gửi về Cổng tri thức Thánh Gióng (số 64 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Dự kiến lễ tuyên dương được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2018 tại Hà Nội. Chương trình cũng phát động cuộc thi online: “Nghĩ về người giáo viên giáo dục đặc biệt” để xã hội cùng chia sẻ khó khăn và gửi lời động viên đến các thầy cô.
MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.