Chiều nay, công bố dự thảo Chương trình khung môn học

Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều sự thay đổi.
Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều sự thay đổi.
TPO - Bộ GD&ĐT thông tin, chiều nay, đơn vị sẽ công bố chi tiết dự thảo chương trình khung môn học. Sau đó, sẽ lấy ý kiến đóng góp của chuyên gia, xã hội trong vòng 60 ngày mới hoàn thiện. Chương trình khung sẽ là cơ sở để các tổ chức, cá nhân viết sách giáo khoa mới.   

Trong chương trình đổi mới, học sinh sẽ được học nhiều môn bắt buộc và một số môn tự chọn và hoạt động trải nghiệm xuyên suốt.

Ở cấp Tiểu học, các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Đạo đức, Giáo dục lối sống, Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, giáo dục thể chất, Nghệ thuật.

Ngoài ra, có hai môn học tự chọn gồm: Ngoại ngữ 1 và Tiếng dân tộc thiểu số.

Ở cấp THCS, các môn học bắt buộc gồm: Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ 1, giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Tin học, Công nghệ, giáo dục thể chất, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật.

Ở cấp học này, môn tự chọn cũng bao gồm Tiếng dân tộc thiểu số và ngoại ngữ 2.

Ở cấp THPT, các môn học bắt buộc giảm xuống chỉ còn 5 môn gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng và an ninh.

Ngoài ra, học sinh ở giai đoạn này được lựa chọn học theo nhóm gồm các môn Khoa học xã hội và nhóm môn Khoa học Tự nhiên, nhóm Công nghệ và Nghệ thuật. Trong đó, nhóm  Khoa học xã hội gồm các môn: giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử và Địa lý; Nhóm Khoa học Tự nhiên gồm các môn: Vật lý, Sinh học, Hóa học; Nhóm nhóm Công nghệ và Nghệ thuật gồm các môn Công nghệ, Tin học và Nghệ thuật.

Các môn tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2.

Trong chương trình mới lần này, lần đầu tiên các hoạt động trải nghiệm chính thức được đưa vào thành hoạt động giáo dục bắt buộc xuyên suốt cả 3 cấp học.

Trước đó, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã công bố mục tiêu giáo dục học sinh phổ thông là hướng tới rèn luyện 5 phẩm chất và 10 năng lực. Do đó, chương trình các môn học, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy trong thời gian tới đều hướng tới mục tiêu này.

5 phẩm chất cụ thể là: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

Chương trình cũng hình thành, phát triển cho học sinh những năng lực cốt lõi gồm năng lực chung và năng lực chuyên môn.

Trong đó, năng lực chung được các môn học và hoạt động giáo dục góp phần hình thành và phát triển. Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Năng lực chuyên môn được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học, hoạt động giáo dục nhất định gồm: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.

MỚI - NÓNG