Chiêu trò sinh viên khi học trực tuyến, thầy cô 'gánh' trách nhiệm?

Sinh viên học trực tuyến. Ảnh: UEH
Sinh viên học trực tuyến. Ảnh: UEH
TPO - Khi giảng viên gọi trả lời bài, H hay các bạn viện ngay lý do chất lượng đường truyền kém, mic hỏng, xin phép trả lời câu sau. Không mặt đối mặt nên học trực tuyến phụ thuộc vào ý thức của người học và người dạy. Muốn chất lượng dạy hiệu quả, người học, người dạy và cấp quản lý đều phải thay đổi linh hoạt.  

Muôn mặt cảm xúc

So với bậc học thấp hơn, sinh viên nhiều trường đại học (ĐH) mới chính thức học trực tuyến được 2 ngày sau khi kỳ nghỉ Tết kết thúc. Tuy nhiên, từ năm học trước, sinh viên đã được trải nghiệm trong một thời gian dài hình thức học này. Nguyễn V. H, sinh viên trường ĐH Hà Nội cho biết hôm nay, 24/2, em mới bắt đầu học trực tuyến. H còn nhớ rất rõ thời gian học trực tuyến năm trước.

Em nhận xét, chất lượng học trực tuyến chắc chắn không thể bằng học trực tiếp. Vì có nhiều môn học, do giảng viên dạy không hấp dẫn, nên chỉ sau một thời gian ngắn bắt đầu ngồi học, Hưng liền mở phim ra xem mà không ai có thể kiểm soát. Khi giảng viên gọi trả lời bài, H hay các bạn viện ngay lý do chất lượng đường truyền kém, mic hỏng, xin phép trả lời câu sau. Do vậy, H khẳng định chuyện sinh viên ngủ trong giờ học, làm việc riêng hoàn toàn bình thường. Vì bản thân em cũng đã có lần say giấc trong một buổi học môn lý mà giảng viên chỉ đưa các slide lên và giọng đều đều giảng.

Nếu so với việc học trực tiếp, thì việc tiếp thu bài giảng của Hưng giảm khoảng 20% - 30%. "Học trực tuyến đòi hỏi sinh viên phải chủ động và chịu khó. Còn ai thụ động, thiếu tự giác thì cảm thấy học dễ bị chán. Chẳng hạn có bạn dậy muộn nên truy cập lớp cũng bị muộn. Bản thân em thấy nếu đường truyền internet ổn định, thầy giáo giảng chậm hơn một chút thì sẽ tốt hơn", Hưng nói.

Trong khi đó, Nguyễn Lan Anh, sinh viên năm thứ 2, trường ĐH Công Đoàn cho hay, học kỳ này em học học trực tuyến 3 môn lý thuyết. "Em cảm thấy trực tuyến hơi chán và không hiệu quả so với học trên lớp. Hầu như thầy cô giảng bài rồi chiếu slide, sinh viên dựa theo ghi chép. Khi cần trao đổi với giảng viên thì có khi câu được câu mất do mạng chập chờn", Lan Anh cho hay.

Còn trên fanpage của trường ĐH Bách khoa Hà Nội hôm qua, 23/2, trước câu hỏi ngày học online đầu tiên của bạn trong năm COVID-19 thứ 2 thế nào, đã có hàng chục cung bậc cảm xúc được chia sẻ. Nick T.A cho hay học rất vui. Vì học xong cô mở hẳn cả talk show. Trước đây, học THPT, nghe nói “thầy cô đại học dạy xong là ra” nhưng học triết với cô PGS. Đinh Thanh Xuân thì thấy thật thú vị. Trong khi đó, Nick K.V thì than thở học một mạch từ 9h20 sáng đến 5h chiều nên hơi choáng và đau mắt. Nhiều sinh viên cũng đã nêu lên khó khăn thực tế như tiết học thì đã kết thúc nhưng vẫn chưa vào được internet, chưa quen giờ giấc do kỳ nghỉ Tết kéo dài nên mệt và buồn ngủ. Hay có bạn cho biết đánh bóng bàn với màn hình máy tính.

3 bên phải điều chỉnh

Những khó khăn, bất cập khi triển khai học trực tuyến không phải lần đầu tiên được nhắc tới. Từ năm học trước, người học, người giảng cũng đã nói rất nhiều về vấn đề này. Tuy nhiên, theo TS. Vũ Trọng Nghĩa, trường ĐH Kinh tế Quốc dân thì người học, người dạy và bộ phận quản lý cũng phải thay đổi.

Theo ông Nghĩa, dưới góc độ của người thầy, khi dạy trực tuyến, điều băn khoăn nhất là không thể biết thái độ học tập của sinh viên như thế nào để điều chỉnh. “Sinh viên đang nghe giảng hay làm việc riêng, hay thậm chí đang ngủ, giảng viên không thể biết được”, TS. Vũ Trọng Nghĩa thừa nhận.

Chính vì vậy, cách tốt nhất để “hút” được sinh viên đến với bài giảng chính là giảng viên tự điều chỉnh độ hấp dẫn của bài. Từ giọng nói, cách chuyển tải kiến thức, các video minh họa cho bài giảng phải được huy động tối đa. Nhưng quan trọng hơn, theo TS. Vũ Trọng Nghĩa, bộ phận quản lý của mỗi trường cũng phải thay đổi.

Ông Nghĩa lấy ví dụ, nếu học trực tuyến cũng vẫn giữ nguyên thời khóa biểu như học trực tiếp thì sinh viên sẽ rất khó “cầm cự” được trong thời gian dài. Học tập trung, sinh viên có thể học 5 tiết/buổi nhưng học trực tuyến không thể như thế. Tại trường ĐH Kinh tế quốc dân, từ năm học trước đã có sự điều chỉnh như môn chỉ học 2-3 tiết, thời gian nghỉ giải lao lên đến 30 phút/lần để giảm thời gian sinh viên phải ngồi trước màn hình máy tính.

Trước đó, theo một khảo sát của trường ĐH Nha Trang đối với 4.000 sinh viên ở lần học trực tuyến năm 2020, kết quả cho thấy rất bất ngờ khi có tới 85% sinh viên cho rằng việc học trực tuyến có hiệu quả thấp hơn so với học truyền thống (học tập trung trên lớp). 36% sinh viên được khảo sát cho biết có gặp những đối tượng quấy phá lớp học.

Có 14-18% sinh viên còn cho rằng giảng viên chưa điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp với hình thức trực tuyến, chỉ đưa bài giảng lên hệ thống và chưa có nhiều tương tác với người học. Ngoài ra, khảo sát này cũng có 64% sinh viên cho rằng giảng viên giao bài tập nhiều, môn nào cũng có bài kiểm tra và thu hoạch theo tuần. Giảng viên yêu cầu đọc tài liệu nhiều, chương trình chưa giảm tải nên nội dung học khá nặng.

Theo các giảng viên, do có khó khăn từ chính hệ thống học trực tuyến hiện nay đều chỉ là tạm thời nên giảng viên không kiểm soát được người học, bộ phận quản lý không kiểm soát được người dạy. Dù quản lý theo mã sinh viên, mã lớp học nhưng những quản lý này mang tính hình thức nhiều hơn thực tế.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.