Chọn hệ tài năng thế nào?

Chọn hệ tài năng thế nào?
TP - Đối với các trường ĐH trọng điểm, hệ cử nhân tài năng (CNTN), kỹ sư tài năng (KSTN), cử nhân chất lượng cao (CNCLC), kỹ sư chất lượng cao (KSCLC), sinh viên sẽ được tuyển lựa như thế nào?

Trường ĐHQG Hà Nội tuyển thẳng những thí sinh là thành viên đội tuyển olympic quốc tế, ưu tiên xét tuyển những thí sinh đạt từ giải ba trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và có kết quả thi tuyển sinh ĐH năm 2009 đạt từ điểm sàn của Bộ GD&ĐT trở lên (không hạn chế số lượng).

Những thí sinh này, cộng thêm các thí sinh có điểm thi vào trường đạt mức cao, sẽ có cơ hội được tuyển lựa vào hệ tài năng hoặc chất lượng cao. Sinh viên (SV) hệ đào tạo tài năng và chất lượng cao sẽ được hưởng chế độ giảng dạy và học bổng đặc biệt.

Sau khi trúng tuyển nhập học, SV được đăng ký xét tuyển vào các ngành có hai hệ này theo quy định riêng của mỗi trường thành viên.

ĐHQG mở hai hệ này ở các ngành công nghệ thông tin (ĐH Công nghệ), toán học, toán - cơ, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, khí tượng học, thủy văn học, hải dương học, khoa học môi trường (ĐH Khoa học Tự nhiên), triết học, khoa học quản lý, văn học, lịch sử (ĐH KHXH&NV), tiếng Anh (phiên dịch), sư phạm (SP) tiếng Anh, SP tiếng Nga, SP tiếng Pháp, SP tiếng Trung Quốc (ĐH Ngoại ngữ), kinh tế đối ngoại (ĐH Kinh tế), luật học (khoa Luật).

Ở phía Nam, ĐHQG TPHCM không tuyển hệ CNCLC mà các trường thành viên chỉ tuyển CNTN và KSTN. Tại ĐH Bách khoa, có chương trình hợp tác Việt – Pháp đào tạo KSCLC, tuyển 150 SV từ thí sinh trúng tuyển vào trường ở tất cả các ngành học hai năm đầu, sau đó chuyển qua các ngành hàng không, cơ - điện tử, hệ thống năng lượng, viễn thông, vật liệu mới, vật liệu Polymer.

Chương trình kỹ sư tài năng tuyển 213 SV cho các ngành hoặc chuyên ngành tự động hóa, công nghệ hóa học, xây dựng dân dụng và công nghiệp, công nghệ thông tin (tuyển từ SV năm trên trong cùng Khoa). Ngoài ra, trường còn tuyển 50 SV vào chương trình tiên tiến, chuyên ngành hệ thống năng lượng (điện - điện tử) theo quy trình và chương trình của ĐH Illinois (Hoa Kỳ).

ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TPHCM) tuyển 120 SV theo các nhóm ngành công nghệ thông tin (40), toán – tin, hóa học, vật lý, điện tử viễn thông (20 SV/ngành). Thí sinh sẽ trải qua sơ tuyển để chọn 50 thí sinh trúng tuyển NV1 có điểm thi cao nhất trong ngành học đó của tổng số các thí sinh đăng ký học hệ CNTN.

Sau đó, trường sẽ lựa chọn xét tuyển chính thức theo chỉ tiêu và thứ tự ưu tiên các nguồn thí sinh tuyển thẳng, thí sinh đạt giải trong kỳ thi HSG quốc gia, thí sinh đạt giải trong kỳ thi chọn HSG quốc gia, thí sinh có gốc từ trường THPT năng khiếu. Thí sinh cũng sẽ phải trải qua một cuộc khảo sát năng khiếu nếu cần thiết.

ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) tuyển 160 SV cho các ngành văn học, đông phương học, ngữ văn Anh và lịch sử. Đối tượng là các thí sinh trúng tuyển NV1 có nguyện vọng học hệ CNTN, không có môn thi nào có điểm dưới 5 và môn thi thuộc ngành đào tạo CNTN đạt từ 7 điểm trở lên.

Phương thức xét tuyển sẽ lựa chọn theo chỉ tiêu và thứ tự ưu tiên: thí sinh tuyển thẳng và có môn thi phù hợp ngành đăng ký, thí sinh đạt giải trong kỳ thi chọn HSG quốc gia, có điểm thi tuyển sinh cao. Căn cứ kết quả tuyển sinh, trường sẽ công bố mức điểm đăng ký xét tuyển.

Việc tuyển chọn do khoa đào tạo quy định cụ thể, gồm kiểm tra trình độ chuyên môn theo ngành dự tuyển, trắc nghiệm kiến thức tổng quát nhằm đánh giá trình độ.

Khoa Kinh tế (ĐHQG TPHCM) sẽ tuyển 60 SV cho hai ngành kinh tế đối ngoại, kế toán - kiểm toán. Đối tượng là thí sinh tuyển thẳng và thí sinh trúng tuyển NV1 có điểm thi cao trong kỳ thi tuyển sinh ĐH vào trường.

Năm nay, ĐH Huế tiếp tục đào tạo 30 sinh viên ngành vật lý theo chương trình tiên tiến của trường ĐH Virginia (Hoa Kỳ), giảng dạy bằng tiếng Anh. Lớp này sẽ chọn những thí sinh thi khối A đã trúng tuyển (bất cứ ngành nào trong cả nước), có điểm thi cao và tự nguyện đăng ký xét tuyển. Thí sinh phải trải qua kỳ kiểm tra trình độ tiếng Anh để xét tuyển.

ĐH Bách khoa Hà Nội cũng dành 100 chỉ tiêu đào tạo KSTN cho các ngành CNTT, điện tử viễn thông, cơ điện tử, điều khiển tự động, toán - tin, vật lý, công nghệ hóa học.

Ngoài ra, trường cũng tiếp tục mở các lớp theo chương trình đào tạo tiên tiến của các trường ĐH Hoa Kỳ gồm bốn ngành cơ điện tử, khoa học và kỹ thuật vật liệu, kỹ thuật y sinh, điện - điện tử (50 SV/lớp).

ĐH Ngoại thương (cơ sở TPHCM) cũng có các chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh - xét tuyển sau khi nhập học như kinh tế quốc tế (hợp tác với ĐH Colorado - Hoa Kỳ), kinh tế đối ngoại, quản trị kinh doanh quốc tế, tài chính - ngân hàng. ĐH Nông nghiệp Hà Nội cũng sẽ tuyển chọn trong số thí sinh trúng tuyển năm 2009 để đào tạo theo chương trình tiên tiến gồm một lớp ngành khoa học cây trồng (hợp tác với ĐH California, Davis, Hoa Kỳ) và một lớp ngành quản trị kinh doanh nông nghiệp (hợp tác với ĐH Wisconsin, Hoa Kỳ).

ĐH Thủy lợi tuyển 50 SV Chương trình tiên tiến ngành kỹ thuật tài nguyên nước (hợp tác với trường ĐH Colorado, Hoa Kỳ), học bằng tiếng Anh.

Ngoài ra, ĐH Xây dựng cũng tuyển 90 SV trúng tuyển khối A có nguyện vọng vào học chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao. Việc tuyển chọn căn cứ kết quả thi tuyển sinh, trong đó toán lấy hệ số 3, lý lấy hệ số 2, hóa lấy hệ số 1.

Hai năm đầu học theo chương trình chung, sau đó phân vào các ngành: Cơ sở hạ tầng giao thông, kỹ thuật đô thị, xây dựng công trình ngoài khơi và ven bờ.

Học tại các chương trình tài năng, chất lượng cao, SV sẽ được tạo mọi điều kiện tốt nhất để học tập, thậm chí còn có học bổng hàng tháng.
MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.