Chọn SGK theo nguyện vọng của phụ huynh, học sinh

Chọn SGK ra sao để đảm bảo mỗi cuốn sách được chọn thực sự vì người học chứ không bị ảnh hưởng bởi lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm. Ảnh: Ngọc Châu.
Chọn SGK ra sao để đảm bảo mỗi cuốn sách được chọn thực sự vì người học chứ không bị ảnh hưởng bởi lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm. Ảnh: Ngọc Châu.
TP - Trả lời báo chí, ngày 17/9, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó vụ giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, nhiều năm nay, Bộ đã giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Vì vậy, khi có SGK mới, các trường sẽ được giao quyền lựa chọn theo nguyện vọng của phụ huynh, học sinh chứ không phải làm “đẹp lòng” Bộ mà phải chọn sách Bộ chủ trì biên soạn.

Theo ông Thành, Bộ GD&ĐT thực hiện vai trò quản lí nhà nước về SGK giáo dục phổ thông nên đã ban hành Thông tư số 33 quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Căn cứ Thông tư này, các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện có quyền bình đẳng và cạnh tranh một cách lành mạnh trong việc biên soạn, đề nghị thẩm định sách. Nếu được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đánh giá “Đạt” sẽ được Bộ trưởng quyết định phê duyệt, cho phép sử dụng.

Ông Thành cho biết, từ trước đến nay chúng ta thực hiện một bộ SGK duy nhất nên việc lựa chọn sách chưa bao giờ được đặt ra. Nay theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, “Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học". Cho nên học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên và các nhà trường lần đầu tiên đứng trước việc phải lựa chọn SGK có thể có sự bỡ ngỡ nhất định.

Về cơ chế chọn SGK ra sao để đảm bảo mỗi cuốn sách được chọn thực sự vì người học chứ không bị ảnh hưởng bởi lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm, ông Thành cho biết, trong thông tư Bộ đang xây dựng có hướng dẫn việc lựa chọn SGK  theo hướng giao quyền lựa chọn cho cơ sở giáo dục phổ thông theo nguyện vọng của học sinh, cha mẹ học sinh. Trong đó, quy định cụ thể trách nhiệm của sở, phòng GD&ĐT, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông trong việc quản lí việc lựa chọn, sử dụng ra sao. Đồng thời có chế tài xử lí nghiêm các hành vi vi phạm quyền lựa chọn của học sinh, cha mẹ học sinh.             

MỚI - NÓNG