Chọn thi trắc nghiệm để giảm tiêu cực là chưa thỏa đáng

Chọn thi trắc nghiệm để giảm tiêu cực là chưa thỏa đáng
TP - “Thi trắc nghiệm có tính khách quan hơn, tiết  kiệm, giảm tải tiêu cực nhưng nếu nói như vậy là chưa đủ và thỏa đáng. Vì mục tiêu chính của thi cử không phải để chống tiêu cực, mà là đánh giá được trình độ học tập của học sinh, đáp ứng được yêu cầu tuyển chọn”.
Chọn thi trắc nghiệm để giảm tiêu cực là chưa thỏa đáng ảnh 1
Nhiều ý kiến cho rằng trắc nghiệm nhiều sẽ hạn chế sự sáng tạo của học sinh. Ảnh: Hồng Vĩnh

Giáo sư Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - nêu ý kiến tại buổi gặp mặt giữa lãnh đạo Bộ GD&ĐT và các đại biểu Quốc hội công tác trong ngành giáo dục, được tổ chức tối 24/10.

Theo ông Thi, một trong những vấn đề thuộc ngành giáo dục đang thu hút được sự chú ý của dư luận thời gian gần đây là tổ chức thi trắc nghiệm và hướng tới một kỳ thi quốc gia để xét tốt nghiệp THPT. “Áp dụng thi trắc nghiệm đến đâu? Trắc nghiệm có ưu, nhược điểm gì và phù hợp với mục tiêu nào?” - Giáo sư nêu câu hỏi.

Ông Thi cho rằng, hình thức thi trắc nghiệm có những ưu điểm như đảm bảo tính khách quan hơn, tiết kiệm, giảm tải tiêu cực…, nhưng nếu chỉ nói như vậy thì chưa thỏa đáng. Theo ông, mục tiêu chính của thi cử là đánh giá được trình độ học tập của học sinh, đáp ứng được việc tuyển chọn. Nếu nhấn mạnh đến giảm tiêu cực thì mới chỉ là yêu cầu chứ không phải mục tiêu.

Về vấn đề áp dụng một kỳ thi quốc gia để xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để xét tuyển vào đại học, cao đẳng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng có mục tiêu riêng. Vì vậy, làm thế nào để kết hợp một kỳ thi chung nhưng phải đáp ứng được hai yêu cầu.

“Chúng tôi mong ngành chúng ta đầu tư có những đề án để giải đáp được những câu hỏi đó” - Giáo sư Thi nói.

Cải cách giáo dục giống… đề án 112 !?

Lưu ý đến vấn đề cải cách giáo dục, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) dẫn ý kiến: Có những người ví chương trình đầu tư cải cách giáo dục giống như… đề án 112. Từ đó, ông cho rằng, Bộ GD&ĐT nên chuẩn bị để trả lời quan điểm của mình về câu hỏi này.

Liên quan đến vấn đề chi tiêu trong ngành giáo dục, đại biểu Đào nói: Báo Tiền phong và rất nhiều các phương tiện thông tin đại chúng nói về vấn đề chi tiêu trong ngành giáo dục. Cũng đã đến lúc xây dựng cơ chế minh bạch, Bộ nên trả lời công luận để tránh những bức xúc về việc chi tiêu của ngành.

Lưu ý thứ ba của đại biểu Đào là “liệu chúng ta có nên trả lời cho công luận một cách rõ ràng hơn về ý tưởng xây dựng một nền giáo dục hiện đại hay chúng ta cứ luẩn quẩn với những chương trình chắp nối”.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng) lại phản biện một số chương trình của Bộ GD&ĐT vì “vượt quá nguồn lực hiện tại” và “nhiều yếu tố mâu thuẫn với nhau”.

Dù đồng ý với dự án đào tạo 20.000 tiến sĩ, nhưng nữ đại biểu Quốc hội này cho rằng, thực tế giảng viên có trình độ và đủ ngoại ngữ để được đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài là không nhiều.

“Chúng ta có nhiều giảng viên giỏi nhưng trình độ tiếng Anh không đáp ứng được điều kiện để nghiên cứu”. Từ quan điểm đó, đại biểu Hương góp ý: “Khi xây dựng đề án này, chúng ta phải nghiên cứu thực sự thực thi để giảng viên và dư luận xã hội có niềm tin đối với chương trình”.

Liên quan đến đào tạo đại học, đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương nêu ý kiến, có sự mâu thuẫn khi vừa mở rộng quy mô đào tạo, vừa muốn nâng cao chất lượng. “Một gia đình nghèo nuôi nhiều con không thể mong con mình ăn học đầy đủ như gia đình ít con” - Nữ đại biểu này ví von.

Ở một khía cạnh khác của bậc đại học - vấn đề giảng viên dành 30% thời gian cho nghiên cứu khoa học - đại biểu Hương cho rằng, cũng không khả thi.

Đại biểu này dẫn ví dụ, có giảng viên phải dạy nhiều đến nỗi không có giờ để ngủ. “Một kỳ họ dạy khoảng 2.000 tiết và 500 tiết quy đổi, rõ ràng không có giờ để ngủ thì làm sao có thời gian nghiên cứu khoa học”.

Trước những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã cảm ơn và xin ghi nhận. Bộ trưởng cũng cho biết, tới đây sẽ có buổi làm việc dài hơn, để tiếp tục được lắng nghe những ý kiến của các đại biểu Quốc hội đóng góp cho ngành giáo dục.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.