Chữ 'lễ' thời nay

Chữ 'lễ' thời nay
TP - Theo GS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh - Hà Nội, chữ lễ thời xưa... xưa quá rồi. Quan hệ thầy - trò giờ bình đẳng hơn và chữ lễ được hiểu với nghĩa là đạo đức tốt, sống theo pháp luật…

GS Văn Như Cương: Theo tôi, chữ lễ trong “Tiên học lễ, hậu học văn” thời nay không còn phù hợp nữa, nó xưa quá rồi. Lễ giáo xưa nặng nề về rèn luyện đạo đức: Trò là phải ngoan ngoãn, tuyệt đối nghe lời thầy, trò không được phép làm trái ý thầy...

Bây giờ quan hệ thầy - trò đã bình đẳng, cởi mở, thân thiện hơn. Người thầy không còn được tôn thờ như một ông Thánh. Và chữ lễ được hiểu với nghĩa là đạo đức tốt, sống theo pháp luật…

Trường tôi hiện đang dùng khẩu hiệu “Có chí thì nên”. Tôi muốn trước hết thanh niên là phải lập chí. Sẽ rất đáng buồn nếu một xã hội có những con người không chí hướng, không đặt ra mục tiêu cho cuộc đời mình.

Đối với thanh niên, ngay từ trẻ nếu có chí hướng sẽ là niềm tự hào của quốc gia. Và chúng ta nên khuyến khích chữ lễ của các em biểu hiện bằng “chí” đó.

Ngày nay, thầy là thể hiện một loại hình dịch vụ giáo dục để truyền thụ kiến thức, là người có kiến thức và kinh nghiệm cao còn học sinh là người tiếp nhận dịch vụ đó. Nhưng không vì thế mà thầy có quyền áp đặt trò.

Thực tế hiện nay có nhiều chuyện tiêu cực ngoài xã hội có ảnh hưởng đến nhà trường. Do đó không phải bất cứ thầy cô nào cũng nhận được sự tôn vinh.

Bản thân các thầy muốn giáo dục trò cũng cần luôn luôn lắng nghe trò, cùng tranh luận hướng trò nhận thức đúng về thiện - ác, hướng đến lẽ sống tốt đẹp ở đời, hướng đến tri thức…

Giáo dục nhận thức chính là cốt lõi của vấn đề giáo dục hiện nay. Và người thầy cũng cần thể hiện một chữ “lễ” với trò như thế.

Sống có trách nhiệm là đạt được phần lớn chữ lễ

Chữ 'lễ' thời nay ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Ngai

Ông Nguyễn Văn Ngai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM: Truyền thống của cha ông ta từ ngàn đời đến nay rất coi trọng chữ lễ. Điều này có từ lâu đời và nhất thiết phải được duy trì bền vững. Mỗi thời đại có sự thay đổi nhất định nhưng với lễ nghĩa thì vẫn luôn có những nét như ngày xa xưa.

Chữ lễ nói đầy đủ thì rất rộng nhưng dù thế nào thì lễ nghĩa giữa thầy và trò phải luôn được giữ bền vững. Đây là một quá trình hai chiều. Thầy ngoài việc chăm lo, yêu thương học sinh phải biết tu dưỡng bản thân, làm gương cho các em. Trò phải biết đối xử tốt với thầy, lắng nghe hướng dẫn đúng đắn từ thầy.

Ngành giáo dục cần có hướng thúc đẩy. Như ngành giáo dục TPHCM đang có phong trào “Sống có trách nhiệm”. Thầy và trò cùng có trách nhiệm cũng có nghĩa là đạt được phần lớn chữ lễ này.

Lễ của trò ngày nay là kính và phục

Chữ 'lễ' thời nay ảnh 2
TS Nguyễn Đức Nghĩa

TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM: Theo quan điểm Đông phương, giữa thầy và trò có lễ nhưng phải theo hai chiều: Trò đối với thầy kính trọng, lễ phép, thầy đối với trò phải làm đúng chức năng yêu thương, tận tâm hết mực. Ngày nay, điều ấy có thể bị chi phối bởi vật chất, tinh thần nhưng về sâu xa thì cái lễ ấy vẫn như ngày xưa.

Ngày xưa, trò đối với thầy là kính và sợ. Điều ấy là bởi tuổi tác giữa thầy và trò chênh lệch quá xa. Nay thì tuổi tác bị thu hẹp lại rất gần dẫn đến học trò ngày nay chuyển thành kính và phục hơn là sợ.

Dạy tử tế, học tử tế, ấy là chữ lễ

Chữ 'lễ' thời nay ảnh 3
Thầy Văn Giá

Thầy Văn Giá - Trưởng khoa Lý luận, phê bình và sáng tác ĐH Văn hóa: Quan hệ giữa thầy và trò dân chủ, gần gũi thân mật hơn trước. Ngày xưa, các trò với ông thầy (thầy đồ) khoảng cách xa một trời một vực. Học trò không làm bài, nói chuyện, thưa gửi không phải phép là bị đánh cho tơi bời, học sinh sợ khiếp vía. Bây giờ chẳng những không bao giờ có roi vọt, mà lại còn thân tình thân mật.

Ngày hôm nay, không chỉ có trò hư mà còn có cả một số thầy hư. Chẳng hạn gạ tình lấy điểm, gợi ý nhận phong bao phong bì, thù vặt học trò, lùa trò đến nhà học thêm...

Nghĩ kể cũng buồn lắm! Thôi thì ai làm người nấy chịu. Một chữ lễ chung cho cả thầy và trò thời nay là dạy cho tử tế, học cho tử tế, ấy là chữ lễ đấy.

Lễ là thái độ ứng xử

Chữ 'lễ' thời nay ảnh 4
Thanh Huyền

Thanh Huyền - Sinh viên lớp Xã hội học 8B ĐH Công đoàn: Lễ trong trường học chính là thái độ ứng xử của trò đối với thầy sao cho phù hợp với chuẩn mực đạo đức.

Ngày nay, theo tôi, chữ lễ của trò đối với thầy đã có phần nào thay đổi, khoảng cách giữa thầy và trò đang dần thu hẹp lại. Ở một giới hạn nào đó thì trò đang có những cách cư xử hiện đại hơn, thoáng hơn.

Lễ là một từ chỉ cái đạo của trò đối với thầy cô giáo, nhưng ở bây giờ lễ đó không còn hà khắc như trước. Tôi nghĩ rằng, để làm tròn chữ lễ với thầy cô giáo thì khó mà trọn vẹn theo đúng nghĩa của từ này.

Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó, là một sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường, tôi sẽ cố gắng để hoàn thiện mình hơn trong việc thể hiện chữ lễ với những người thầy của tôi.

Trên bục giảng là thầy cô, trong cuộc sống là bạn

Chữ 'lễ' thời nay ảnh 5
Bùi Hương Giang

Bùi Hương Giang - Cựu sinh viên khoa Triết, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Là một cựu sinh viên, tôi nhận thấy thời nay chữ lễ của trò đối với thầy ngày càng bị đơn giản hóa đi, từ các em bé lớp 1 cho đến sinh viên hay cựu sinh viên như tôi bây giờ. Bây giờ làm gì có cảnh trò gặp thầy ở đâu là vội đứng lại khoanh tay, cúi đầu nghiêm chỉnh chào.

Tôi nghĩ với sinh viên, khoảng cách giữa thầy và trò thu hẹp lại cũng là điều hay, trên bục giảng là thầy cô giáo, nhưng ngoài cuộc sống là bạn, là anh (chị) lớn thì sẽ giúp cho sinh viên cởi mở hơn, dễ chia sẻ và năng động hơn.

Riêng với tôi, mỗi dịp lễ tết đến tôi chưa bao giờ quên thăm hỏi những người thầy cô đã có công dạy dỗ tôi nên người.

Sinh viên có quyền góp ý với thầy

Chữ 'lễ' thời nay ảnh 6
Nguyễn Ngọc Thùy

Nguyễn Ngọc Thùy (ĐH quốc tế RMIT): Có lẽ do đặc thù của môi trường, ở trường tôi thầy và trò luôn bình đẳng, trò chuyện hòa đồng, không có sự phân biệt giữa thầy và trò.

Ở môi trường như nước ngoài này, chữ lễ chuyển thành một khía cạnh khác. Sinh viên có điều gì khó khăn, có thể gửi mail và hẹn gặp thầy để trao đổi, hỏi han những vần đề tự mình không thể giải quyết được.

Ngay cả trong tiết dạy, nếu thầy dạy khiến sinh viên không hài lòng, sinh viên vẫn có quyền đứng lên góp ý thầy thay đổi cách dạy. Thậm chí, sinh viên còn có quyền gửi thư lên nhà trường để thay đổi thầy, cô giáo dạy khiến mình không hài lòng.

Tuy vậy, điều ấy không có nghĩa là sinh viên xem thường giảng viên. Tất cả vẫn luôn tôn trọng thầy cô của mình.

Mai Anh - Đăng Khoa
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.