Ra biển hết rồi

Chữ rơi theo con nước

Chữ rơi theo con nước
TP - Học sinh ven biển các Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang bỏ học rất sớm hoặc có học thì cũng theo qui luật thủy triều.

Ông Trần Cham, ở ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông (TX Bạc Liêu) cho biết: “Ở đây không mấy người cho con đi học. Đi biển, trẻ con có tiền, có cái ăn, cái mặc”.

Vợ chồng ông Trần Cham có chín con, chưa người nào biết chữ. Ông Trần Cham nói: “Tôi có thằng con trai út tên Trần Út, 11 tuổi. Được đi học nhưng cũng chỉ đến lớp một là bỏ ngang”.

Ra biển hết rồi

Sơn Thị Val, 10 tuổi, học lớp hai Trường tiểu học Thuận Hòa 2, xã Vĩnh Trạch Đông (TX Bạc Liêu) kể: “Đầu năm học, xóm cháu có bảy bạn cùng đi học, được nhận quà, mừng lắm. Nhưng rồi nghỉ dần, nay chỉ còn cháu học lớp hai và một bạn nữa học lớp ba. Tụi bạn nghỉ học đi ra biển hết rồi!”.

Căn nhà của gia đình Nguyễn Minh Toàn, 14 tuổi, ở ấp Kinh Đào Đông, xã Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau) treo đỏ giấy khen của Trường Tiểu học Đất Mũi. Nhưng chín anh em của Toàn không ai tốt nghiệp tiểu học. Nguyễn Minh Toàn tâm sự: “Các anh chị em đều học biết chữ, làm toán, rồi nghỉ học. Đi biển kiếm được vài chục ngàn đồng”.

Ông Hồ Bá Lộc (Tám Quẹo) ở vàm Kinh Đào Tây, xã Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau) vừa dựng quán cà phê: “Vợ chồng tôi chỉ có một đứa con, ráng cho học. Nhưng đi học quá xa, sợ có bề gì”.

Hồ Thị Thảo Nguyên, con ông Tám Quẹo, vẫn mặc áo đeo bảng tên Trường THPT Nguyễn Việt Khái (TP Cà Mau) nhưng đã dừng việc học hành ở lớp 10,  ở nhà bán quán cà phê nhỏ làng chài cuối đất Phương Nam.

Trò quyết định giờ học

Trường THPT Phú Hưng thu nhận học sinh các xã nông thôn huyện Cái Nước (Cà Mau). Hiệu trưởng Nguyễn Văn Phú cho biết: “Từ đầu năm đến nay, trường có năm học sinh bỏ học, do không theo kịp chương trình. Chúng tôi có ba lớp bổ túc THPT dành cho học sinh rớt THPT nhưng các em vẫn không chịu học tiếp!”.

Trường THCS Khánh Hưng (Trần Văn Thời, Cà Mau) chỉ hơn 200 học sinh. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nghi: “Tỷ lệ học sinh bỏ học bình quân 6%. Lớp càng cao nghỉ học càng nhiều. Mùa khô, học sinh nghỉ học càng nhiều vì là thời điểm dễ kiếm việc làm ở các tỉnh vùng trên”.

Trường THPT Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau) được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đầu tư khang trang. Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Ngọc Tới cho biết: “Tỷ lệ học sinh bỏ học bình quân 4-5%”.

Ông Sáu Ngoãn, một đại gia nuôi tôm sú luôn trúng mùa ở Bạc Liêu, bỏ tiền cất trường học cho Làng Cá thuộc ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông (TX Bạc Liêu).

Thầy giáo Tăng Sô Đa, đứng lớp điểm trường Làng Cá ven biển Bạc Liêu, nói: “Giờ giấc giảng dạy phụ thuộc vào giờ giấc học sinh đến lớp. Nước ròng, các em ra biển. Nước lớn, các em đi học nhưng hay nghỉ giữa chừng”.

Trung úy Bộ đội Biên phòng Đào Minh Nam làm công tác vận động quần chúng, mượn nhà dân làm lớp học cho trẻ em ven biển Làng Cá dạy lớp một, lớp hai với mấy chục học sinh tóc cháy nắng. Anh Nam cười buồn: “Học theo con nước, chậm tiến lắm”.

Kết quả khảo sát mới đây của Bộ GD- ĐT, vùng ĐBSCL có tỷ lệ học sinh phổ thông bỏ học cao nhất các vùng miền, khoảng 3,1%. Học sinh lớp cao bỏ học nhiều hơn lớp thấp.

Từ đầu năm học đến nay, Cà Mau có 2,7% học sinh tiểu học, 7,5% học sinh THCS và 9,05% học sinh THPT bỏ học. Tại tỉnh Bạc Liêu, tỷ lệ học sinh bỏ học 6,1%.

MỚI - NÓNG