Chưa áp dụng thi trắc nghiệm môn Toán

Chưa áp dụng thi trắc nghiệm môn Toán
TPO - Tại buổi họp báo chiều qua 8/11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long khẳng định: Chưa áp dụng hình thức thi trắc nghiệm đối với môn Toán trong năm học 2007 - 2008. 
Chưa áp dụng thi trắc nghiệm môn Toán ảnh 1

Vấn đề thi trắc nghiệm môn Toán TPO đã có diễn đàn "Không cẩn thận, chúng ta phải trả giá bằng một thế hệ" từ 23/9 với hàng vạn ý kiến có chất lượng gửi về.

Liên quan đến vấn đề tuyển sinh, Thứ trưởng Bành Tiến Long cho biết: “Bộ quyết định giữ kỳ thi tuyển sinh đại học, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2008 ổn định như năm 2007. Tức là, sẽ thực hiện thi trắc nghiệm với 4 môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ. Các môn còn lại thi tự luận, kể cả môn Toán”.

Theo ông Long, có 2 lý do chính dẫn đến quyết định này. Đó là “Bộ đã thực hiện việc đổi mới lộ trình thi cử và tuyển sinh, nhất là triển khai các môn thi trắc nghiệm được 2 năm, giờ phải có thời gian để tổng kết, đánh giá về những công việc đã làm được. Từ đó, sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm và chuẩn bị tốt hơn cho những câu hỏi thi trắc nghiệm của những môn tiếp theo”.

Ngoài ra, Thứ trưởng Long cũng cho rằng, ở thời điểm hiện tại, ngành có nhiều công việc cần phải ưu tiên như đề án tăng lương của giáo viên, học phí, học bổng của sinh viên, chuẩn giáo viên…

Tuy nhiên, “việc này không ảnh hưởng đến lộ trình cải tiến tuyển sinh. Bộ GD&ĐT đang xây dựng đề án tổng thể về đổi mới thi và tuyển sinh theo chỉ thị của Thủ tướng. Dự kiến, chậm nhất là tháng 12 sẽ báo cáo Thủ tướng, trong đó nêu rất rõ lộ trình của các môn thi trắc nghiệm” - Thứ trưởng Bành Tiến Long nói.

Theo thông báo của Bộ GD&ĐT, ngày 4/11, lãnh đạo Bộ đã bỏ phiếu thăm dò với các môn thi trắc nghiệm. Theo đó, trong tổng số 54 phiếu thăm dò, có 6 phiếu ủng hộ việc thi 100% trắc nghiệm, 38 phiếu ủng hộ kết hợp thi trắc nghiệm và tự luận, 11 phiếu ủng hộ thi tự luận. “Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đã họp và có kết luận chưa áp dụng thi trắc nghiệm môn Toán năm học 2007 - 2008”.

Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng đã lấy ý kiến của giáo viên phổ thông về thi trắc nghiệm môn Toán. Theo kết quả được công bố, đến hết ngày 25/10 đã có 23 Sở GD&ĐT nộp góp ý về Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục. Trong tổng số 560 phiếu thu về, 304 phiếu đồng ý với việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm đối với môn Toán. Số phiếu không đồng ý là 256.

Hoãn công bố đề án học phí mới

Trả lời câu hỏi vì sao chưa công bố đề án lương giáo viên và học phí, Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Về chủ trương là khi xem xét vấn đề lương của công chức thì ưu tiên giải quyết lương của nhà giáo trước.

Tuy nhiên, khi xây dựng lương thì xuất hiện vấn đề làm sao tổng ngân sách nhà nước vừa đảm bảo lương giáo viên với lương các công chức khác vì thế, không thể tách riêng ra được.

Phó Thủ tướng cho rằng, từ 1/1/2008, lương tối thiểu tiếp tục tăng từ 450.000 lên 540.000 đồng nên áp lực đó cần phải giải quyết ngay. “Ban chỉ đạo cải cách tiền lương chính phủ thống nhất làm chung, trình một đề án lương của những người cho đến nay “ăn” lương nhà nước và đề án về sắp xếp lại hệ thống tài chính của ngành giáo dục và ngành y tế, trong đó có vấn đề học phí, viện phí và lương” - Phó Thủ tướng nói.

Vì “nằm trong đồng bộ chung như thế” nên Bộ GD&ĐT chưa công bố đề án học phí và lương giáo viên, “chứ không phải ngại mà không đưa ra”. 

Cũng liên quan đến đề án học phí mới, ông Nguyễn Văn Ngữ - Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) nói: Đây không phải là đề án tăng học phí như một số báo đưa, mà là đề án học phí mới. Với mức học phí mới, không thể có chuyện học sinh nghèo phải nghỉ học.

Đưa chống tham nhũng vào trường học

Nói về chủ trương đưa Luật Phòng, chống tham nhũng vào trường học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận giải thích: Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiến hành nhiều hoạt động để chống tham nhũng, trong đó có giao thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT đưa chương trình giáo dục phòng chống tham nhũng vào giảng dạy.

Ông Luận cho biết, đại diện của Thanh tra Chính phủ và Bộ GD&ĐT vừa tổ chức hội thảo đầu tiên về vấn đề này. “Bước đầu, hội thảo đưa ra kết luận sẽ lồng ghép vào nội dung các môn học hiện có. Ví dụ ở phổ thông là môn học giáo dục công dân, đạo đức. Ở các trường thuộc khối đào tạo đại học, cao đẳng sẽ đưa vào những môn liên quan đến Luật và những môn học liên quan đến chuyên môn, gắn với đạo đức nghề nghiệp” - Thứ trưởng Luận nói. Kèm với đó, sẽ là những hoạt động ngoại khóa.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến khác nhau cũng đề cập đến việc nên đưa nội dung chống tham nhũng vào bậc học nào? Có ý kiến cho rằng, nên bắt đầu từ đại học, cao đẳng. Ý kiến khác thì đề xuất đưa vào cấp trung học phổ thông. Thậm chí, nhiều người (trong đó có cả hiệu trưởng trường tiểu học) đề nghị đưa nội dung này vào ngay từ cấp tiểu học. Chỉ có điều, thay vì lý thuyết, thầy cô giáo kể những câu chuyện người tốt việc tốt, những gương sáng… để bồi dưỡng phẩm chất cho các cháu.

“Các cơ quan chuyên môn của Thanh tra Chính phủ cùng các cơ quan chuyên môn của Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục xử lý những thông tin này và sẽ có những điều tra, thảo luận xin ý kiến các cơ quan chuyên môn trong tuần này” - Thứ trưởng Phạm Vũ Luận nói.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).