Chưa có GV được đào tạo để dạy tiếng Anh tiểu học

Chưa có GV được đào tạo để dạy tiếng Anh tiểu học
TP - Hiện có chủ trương đưa tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3. Nhưng, khó khăn đầu tiên mà ngành giáo dục đang gặp phải, là thiếu giáo viên được đào tạo nghiệp vụ tiếng Anh tiểu học.

Để việc thực thi chủ trương này không sa vào bệnh hình thức là một thách thức với ngành GD&ĐT.

Dạy chay, học chay

Tuy là một địa phương khó khăn nhưng ngành GD&ĐT Nghệ An khá năng động trong việc đón nhận xu thế thời cuộc liên quan đến việc dạy tiếng Anh ở tiểu học.

Cả tỉnh mới chỉ có 132 trường/565 trường tiểu học dạy tiếng Anh. Nhưng phần lớn các trường đều cho HS làm quen với tiếng Anh ngay từ học kỳ II lớp 1.

Tuy nhiên, chỉ một số trường ở thành phố Vinh mới có các phương tiện nghe nhìn giúp cô – trò phát âm chuẩn. Số trường còn lại chỉ dạy chay, học chay. Trường nào khá hơn một chút thì HS được học từ qua hình ảnh.

Ông Trần Thế Sơn, Trưởng phòng GD Tiểu học (Sở GD&ĐT Nghệ An) nói: “Bộ GD&ĐT có chủ trương, phụ huynh HS có nhu cầu, lãnh đạo địa phương khuyến khích nên chúng tôi cho triển khai ở những nơi có điều kiện về phòng học và giáo viên. Các trường đành phải khắc phục khó khăn dần dần để con em của địa phương mình được làm quen với ngôn ngữ đã được quốc tế hóa”.

Dạy chay, học chay khi triển khai môn tiếng Anh tự chọn trong các trường tiểu học như ở Nghệ An, cũng là tình trạng phổ biến ở phần lớn các địa phương khác trong cả nước.

Nơi điều kiện kinh tế xã hội khá hơn như Hà Nội (các lớp học đều có đài cassett) thì lại vướng sĩ số HS trong một lớp học quá nhiều (40 – 45 HS/ lớp). Với thời lượng 35 phút/ tiết cùng số HS đông như vậy, không nhiều HS được thực hành nghe – nói trong một tiết học.

Cần nhất là kỹ thuật dạy của giáo viên

Tuy nhiên, từ Vụ GD Tiểu học (Bộ GD&ĐT) có ý kiến cho rằng nếu trong tương lai gần, Bộ GD&ĐT đưa môn tiếng Anh vào dạy bắt buộc ở cấp Tiểu học thì khó khăn về điều kiện học tập, cơ sở vật chất không phải là vấn đề bức xúc.

Số lượng GV cũng không phải là nỗi lo hàng đầu. Nếu với mục tiêu năm 2015 có khoảng 20% HS lớp 3 trên cả nước được học chương trình tiếng Anh bắt buộc như ý tưởng của lãnh đạo Bộ GD&ĐT đưa ra thì việc tìm đủ GV dạy cho số HS này không phải là khó.

Một triệu học sinh tiểu học đang được học tiếng Anh

Theo Vụ GD Tiểu học (Bộ GD&ĐT) thì hầu như tỉnh/ thành nào cũng đều có trường tiểu học dạy tiếng Anh.

Bình quân, 3 trường tiểu học thì 1 trường dạy tiếng Anh (5.000 trường/ hơn 15.000 trường). Địa phương hăng hái nhất là TP Hồ Chí Minh.

Song song thực hiện chương trình tiếng Anh tự chọn (2 tiết/ tuần), TPHCM còn triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường (8 tiết/ tuần). Thậm chí, tiếng Anh còn được giới thiệu với HS qua môn Toán và môn Khoa học. Dù số lượng trường dạy tiếng Anh tăng cường không nhiều nhưng những trường này được rải đều khắp 24 quận/ huyện.

Ngoài TPHCM, một số địa phương khác ở phía Nam cũng triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường: Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, Tiền Giang, Đà Nẵng... nhưng thời lượng ít hơn (6 tiết/ tuần).

Ở phía Bắc, dù chưa có tỉnh nào dạy chương trình tiếng Anh tăng cường trên diện rộng nhưng sự ủng hộ với việc dạy tiếng Anh trong trường tiểu học khá mạnh mẽ. Các tỉnh/ thành vùng đồng bằng như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định.v.v... đều triển khai dạy tiếng Anh tự chọn ở hầu hết các trường tiểu học. Các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên.v.v... cũng đều có trường tiểu học dạy tiếng Anh.  Q.H

Ước tính hiện nay có gần 10.000 GV tiếng Anh đang dạy tiểu học. Trong thời gian đầu triển khai chương trình tiếng Anh tiểu học bắt buộc có thể sẽ chỉ cần thêm 1/3 đến 1/2 số GV trên.

Việc đào tạo một thế hệ GV tiếng Anh tiểu học chỉ cần 3 năm. Nếu Chiến lược dạy học ngoại ngữ đến năm 2025 của bộ GD&ĐT sớm ban hành chính thức và các bộ, ngành, địa phương vào cuộc nhanh thì khó khăn về số lượng GV sẽ được sớm giải quyết.

Khó khăn được xem như một trở ngại hàng đầu cho chủ trương dạy tiếng Anh bắt buộc ở tiểu học chính là nghiệp vụ sư phạm của GV (kỹ thuật dạy tiếng Anh cho HS tiểu học). Nếu không khắc phục được trở ngại này, việc dạy tiếng Anh bắt buộc ở tiểu học sẽ là hình thức, không có hiệu quả thiết thực.

Hiện nay, tất cả GV dạy tiếng Anh ở các trường tiểu học đều không được đào tạo để dạy... tiếng Anh cho HS tiểu học. Trong khi đó, đặc điểm tâm sinh lý của HS lứa tuổi này đòi hỏi GV ngoại ngữ phải có những kỹ năng khác biệt so với việc dạy học cho HS lứa tuổi lớn hơn.

Trong những năm qua, các địa phương đã nhận được sự hợp tác khá tích cực của nhiều đơn vị quốc tế như NXB Oxford, Language Link, Hội đồng khảo thí tiếng Anh - ĐH Cambridge (Cambridge ESOL)... Những đơn vị này không chỉ giúp các trường tiểu học (thông qua Bộ GD&ĐT và các sở GD&ĐT) về chương trình, thiết bị dạy học... mà cả về kỹ thuật dạy tiếng Anh cho HS tiểu học. Nhiều lớp tập huấn về phương pháp giảng dạy cho GV đã được mở. Nhưng những hoạt động hợp tác này chỉ là giải pháp hỗ trợ.

Rồi đây các trường sư phạm sẽ mở mã ngành đào tạo GV tiếng Anh tiểu học nhưng điều này cũng chỉ giúp đào tạo thêm lớp GV mới. Còn với 10.000 GV đang dạy tiếng Anh tiểu học hiện nay, làm sao để tất cả đạt yêu cầu về kỹ thuật dạy ngoại ngữ cho trẻ em nhỏ tuổi, đó là bài toán mà Bộ GD&ĐT phải tìm ra lời giải.

MỚI - NÓNG