Chưa có ngay cơ chế hoàn hảo chống tiêu cực thi cử

Chưa có ngay cơ chế hoàn hảo chống tiêu cực thi cử
TPO - Trao đổi với Tiền Phong, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng cho rằng, khó có thể tìm một giải pháp hoàn hảo để hạn chế tuyệt đối tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

> Đề nghị cảnh cáo bốn giám thị vụ clip tiêu cực thi cử
> Xử lý clip tiêu cực thi cử

Học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2013
Học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2013.

Đề cập vụ clip quay cảnh tiêu cực thi cử ở Hội đồng thi THPT Quang Trung – Hà Đông, ông Bằng nhận xét: Khách quan mà nói, gần đây, việc tổ chức thi tốt nghiệp rất được quan tâm, đã đạt được những cải tiến rất tiến bộ. Rất tiếc là vẫn còn những hiện tượng vi phạm quy chế làm ảnh hưởng đến kết quả khách quan của kỳ thi. Tất cả những vi phạm đó tôi cho rằng không chấp nhận được, cần phải tiếp tục bằng nhiều giải pháp để hạn chế. Còn để loại trừ hoàn toàn thì hết sức khó khăn với một kỳ thi mà đối tượng tham gia rất đông. Nói tóm lại quan điểm của chúng tôi trong việc xử lý các vi phạm là hết sức nghiêm túc.

Dư luận có so sánh vụ tiêu cực thi cử ở Hà Nội năm nay với vụ ở Đồi Ngô – Bắc Giang năm ngoái, ý kiến của ông thì sao?

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, sự lộn xộn chỉ xảy ra ở một phòng thi dù các đoạn clip mô tả hai phòng thi (số 35 và 50). Phòng 50 có một đoạn thì thấy các cháu ngồi rất trật tự. Còn phòng 35 có 19 đoạn, trong đó có những đoạn thấy các cháu mất trật tự. Phân tích kỹ thì thấy sự mất trật tự chỉ xảy ra khoảng 10 – 15 phút cuối, trước đó, các cháu ngồi rất nghiêm túc.

Như vậy, có thể khẳng định vi phạm quy chế thi của giám thị và thí sinh đã rõ ràng, nhưng không có dấu hiệu đưa bài từ bên ngoài vào hay giải bài tập thể… Do đó, mức độ vi phạm ở đây thấp hơn rất nhiều so với vụ Đồi Ngô năm ngoái. Chính vì vậy mà chúng tôi đồng tình với quan điểm xử lý của Sở GD&ĐT Hà Nội. Cách làm của họ cũng khá bài bản.

Theo ông sau clip này liệu có thể đâu đó trong xã hội vẫn còn những clip khác phản ánh tiêu cực kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 và tinh thần xử lý của Thanh tra Bộ là thế nào nếu có?

Đến giờ chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin mới nào. Nhưng tinh thần của chúng tôi vẫn là yêu cầu địa phương cương quyết xử lý nghiêm. Rút kinh nghiệm cách làm việc vừa qua, tôi tin chắc rằng sẽ có cách xử lý nhanh hơn, thông tin kịp thời hơn tới độc giả.

Dư luận vẫn băn khoăn về dự kiến xử lý kỷ luật các cán bộ, giám thị liên quan ở hội đồng thi THPT Quang Trung – Hà Đông của Hà Nội. Ông có bình luận gì không?

Tôi thấy thế là phù hợp. Trong việc làm đó mỗi người có một trách nhiệm khác nhau. Có người chịu trách nhiệm trực tiếp, người thì chỉ đạo, người thì liên đới… Người lãnh đạo phải quan tâm tới từng trường hợp với nhiều khía cạnh khác nhau. Tôi cho là Hà Nội đã xử lý thoả đáng.

Qua các vi phạm ở Đồi Ngô – Bắc Giang hay vi phạm ở Hà Nội năm nay cho thấy, mỗi hội đồng thi là một ốc đảo. Đến cả chủ tịch hội đồng thi cũng có thể lấy lý do là không bao quát được để mà nhận trách nhiệm ít hơn khi tiêu cực xảy ra trong các phòng thi. Theo ông nên có một cơ chế giám sát đặc biệt với các phòng thi?

Không hẳn các hội đồng thi là những ốc đảo. Có rất nhiều lực lượng giám sát. Không chỉ có thanh tra Bộ, thanh tra Sở mà vừa rồi Bộ cũng đã cho phép thí sinh giám sát giám thị thông qua việc cho phép đưa thiết bị vào.

Hiệu quả của kênh giám sát qua thí sinh không đo bằng việc phát hiện được nhiều hay ít các trường hợp vi phạm, mà quan trọng là nó tác động trở lại thái độ của giám thị. Tôi cho rằng, điều này năm nay tốt hơn, thật tốt thì tôi chưa dám khẳng định.

Cơ chế này khó phát huy hiệu quả khi mà thí sinh sẽ là những người hưởng lợi nếu được “thả”, việc các em đưa thiết bị vào quay cảnh tiêu cực là trường hợp hi hữu. Liệu ngành GD&ĐT nên có những giải pháp chủ động giám sát tốt hơn?

Không có một cơ chế nào là giải pháp mang lại hiệu quả tuyệt đối. Cần phải có đồng bộ các giải pháp. Sau này khi tổng kết kỳ thi thì có thể sẽ có thêm những giải pháp để làm được tốt hơn. Đưa một giải pháp mới vào là phải tính toán trên nhiều khía cạnh: điều kiện thực hiện, thái độ, tâm lý… Chúng tôi cũng mong được các nhà báo nghe ngóng trong dư luận xã hội rồi đề xuất những giải pháp tốt, Bộ sẽ cân nhắc, xem xét rồi quyết định.

Lần họp báo gần đây, phóng viên báo Tiền Phong đặt vấn đề nên chăng đặt camera giám sát phòng thi và Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho đây là một sáng kiến hay. Còn ông thì sao?

Tôi cũng cho đây là một ý kiến cần phải suy nghĩ. Nhưng để quyết định cần phải cân nhắc. Lắp camera trong phòng thi có thật là hay không khi mà bảo mật đề thi cũng khó khăn hơn?

Chưa nói đến tiền, chỉ là vấn đề kiểm soát tính an toàn của kỳ thi thôi thì cũng đã phải suy nghĩ. Từ kỳ thi sang năm liệu có nên lắp camera? Điều đó cá nhân tôi không dám khẳng định.

Là những người làm công tác thanh tra giáo dục, chúng tôi rất trăn trở trong việc tìm kiếm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giám sát kỳ thi. Nhưng phải biện chứng. Có những điều nó trở thành cái nếp tương đối dài rồi, giờ ngay lập tức thay đổi là không dễ. Hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng giáo dục cũng không thể xoáy quá nhiều vào việc đổi mới kỳ thi. Học và thi phải đồng bộ với nhau.

Ngay cả trong thi cũng thế, không chỉ nhằm vào việc giám sát mà còn phải đổi mới cách ra đề. Ví dụ cho đề mở, thí sinh có thể mang tài liệu vào… Phải đổi mới cả cách học, cả cách dạy, cả cách tổ chức thi… Nếu chỉ đổi mới kỳ thi thì không giải quyết được vấn đề chất lượng.

Cảm ơn ông Nguyễn Huy Bằng!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.