“Chúng tôi sẽ bảo vệ em Thanh!”

“Chúng tôi sẽ bảo vệ em Thanh!”
(TPO) Sau bài văn lạ gây xôn xao dư luận, Nguyễn Phi Thanh đã chịu nhiều sức ép của dư luận, khen có và chê trách cũng không ít. Để biết rõ quan điểm của nhà trường về vấn đề này, chúng tôi đã có buổi trao đổi thẳng thắn và cởi mở với ông Bùi Hữu Ninh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức.

Cá nhân ông đánh giá và suy nghĩ gì về “bài văn lạ” cũng như em Thanh?

Điều đầu tiên phải nói đó là một bài làm của học sinh trong kỳ thi học sinh giỏi Văn hàng năm của thành phố. Rất tiếc bài thi này lại rơi vào một em học sinh giỏi Văn của trường Việt Đức.

Theo chúng tôi được biết, khi bước vào kỳ thi, khi đọc đề bài, vì lý do nào đó mà em đã không làm được bài nên thất vọng, chán nản (?) và đã gục xuống bàn không làm bài. Được sự động viên của các thầy cô giáo coi thi, em đã ngồi dậy và viết. Đó chính là xuất xứ của “bài văn lạ”, một tác phẩm gây nhiều ý kiến trái ngược trong mấy ngày qua. Chúng ta cần phải suy ngẫm vì sao em Thanh lại viết bài văn nói trên.

Đứng về góc độ của người làm công tác giáo dục, tôi thấy đầu tiên cần phải làm đúng đề bài đã ra. Đó là trách nhiệm của người học trò. “Anh” không làm được thì thôi nhưng anh lại dùng “diễn đàn” của bài thi để viết lên chính kiến, quan điểm của mình thì đó hoàn toàn không đúng khuôn khổ của một cuộc thi.

Về phía nhà trường, chúng tôi cho rằng Thanh đã không hoàn thành nhiệm vụ trong kỳ thi. Đó là chuyện bình thường. Nhiều học sinh của trường đi thi nhưng không đem giải về thì có ai bị kỷ luật, chê trách gì đâu? Các em khi chưa hoàn thành nhiệm vụ nhà trường giao phó thì hãy tiếp tục rèn luyện để lần sau đi thi lấy lại điều đó.

Quan điểm của nhà trường trước sự việc này thế nào, thưa ông?

“Chúng tôi sẽ bảo vệ em Thanh!” ảnh 1
Thầy Bùi Hữu Ninh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt  Đức

Quan điểm của nhà trường là sự việc này hết sức bình thường, không coi đó là một điều gì ghê gớm cả. Hiện nhà trường rất quan tâm và động viên em Thanh, thậm chí có thể nói là chúng tôi đang tìm cách “bảo vệ” Thanh.

Chiều nay (16/5), Ban Giám hiệu nhà trường vừa có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo về sự việc này. Trong thời gian tới, Ban Giám hiệu sẽ mời bố mẹ của em Thanh đến để trao đổi kết hợp phương pháp giáo dục. Chúng tôi không phân tích cái sai cái đúng mà sẽ phối hợp với gia đình theo dõi, động viên và ngăn chặn những biểu hiện tâm lý xấu của Thanh.

Có ý kiến lo ngại rằng, sau “sự kiện”này, em Thanh sẽ phải chịu sức ép rất lớn từ nhiều phía, kể cả nhà trường?

Áp lực hay không thì điều đó phụ thuộc chính vào bản thân em Thanh. Em đừng nghĩ và thay đổi mình từ cực này sang cực khác. Đừng nghĩ mình là người “anh hùng” rồi lại cảm thấy mình là người bị chèn nén. Đó chính là sự giải tỏa đầu tiên đối với Thanh. Tác động bên ngoài đầu tiên nữa có thể giúp Thanh đó chính là cha mẹ của em. Chính vì vậy nhà trường phải có cuộc trao đổi thân tình với gia đình của em để xác định nhiệm vụ cho gia đình.

Giáo dục một học sinh không phụ thuộc một thầy cô nào cả mà phụ thuộc vào hội đồng nhà trường, các giáo viên của lớp đó và cả Đoàn thanh niên. Khi có hiện tượng như trường hợp của Thanh, những người lãnh đạo nhà trường coi đây là một việc mà chúng tôi phải quan tâm, giúp đỡ em. Hội đồng nhà trường sẽ giúp định hướng, bàn biện pháp giáo dục giúp Thanh có nhận thức đúng và chuẩn hơn bằng con đường tinh tế nhất có thể. 

Điều quan trọng nhất trong việc này là trong khi em Phi Thanh không làm được bài nhưng có em học sinh khác, cũng được các thầy cô đó đào tạo, cũng học sách và thời lượng học như nhau, lại giành giải nhất. Điều đó nói lên Thanh đã không học và làm bài đó để được điểm.

Điều đầu tiên đáng trách đó là Thanh đã thiếu ý thức, trách nhiệm với công việc được giao. Nhà trường không trách em vì không đoạt giải nhưng lẽ ra Thanh không nên làm điều đó. Nhưng rốt cục, trách làm gì một học sinh đã có những giây phút nông nổi (cười).

Ông có khuyến khích và ủng hộ học sinh bày tỏ những ý kiến, quan điểm riêng của họ trong các tiết học tại trường ?

Phải công nhận rằng học trò thời nay luôn nhanh nhạy, mạnh dạn và khao khát tự khẳng định mình. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc đối thoại trực tiếp giữa giáo viên ở trên lớp với các học sinh. Đây là những trao đổi thẳng thắn minh bạch giữa thầy và trò. Ở trường Việt Đức đã có môi trường như vậy.

Ông sẽ nói gì về quan điểm của mình tại cuộc họp của Hội đồng nhà trường?

Tôi sẽ nói với các thầy cô trong trường và các em học sinh rằng: “Hãy để cho em học sinh đó yên, để em tập trung vào học tập. Đây là một học sinh giỏi (từng đạt giải khuyến khích học sinh giỏi văn TP năm lớp 10), đừng làm phiền em! Rồi sang năm em Thanh sẽ vẫn đỗ phổ thông và vào đại học. Đừng vì một hiện tượng này mà “xâu xé” em nhiều quá làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của em”.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG