Chương trình giáo dục tiểu học nặng hay nhẹ ?

Chương trình giáo dục tiểu học nặng hay nhẹ ?
Ngành giáo dục Việt Nam đang phải chịu những sức ép rất lớn từ dư luận, luôn bị phàn nàn rằng: học sinh tiểu học đang phải học những chương trình quá nặng, sức ép học tập đối với trẻ thơ Việt Nam là quá lớn.
Chương trình giáo dục tiểu học nặng hay nhẹ ? ảnh 1
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân dự lễ khai giảng năm học mới tại trưởng Tiểu học Quang Trung Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh

Vậy thực sự, chương trình giáo dục tiểu học của Việt Nam nặng hay nhẹ?

Câu hỏi đó cũng được đặt ra trong hội thảo "Nâng cao năng lực truyền thông về giáo dục tiểu học" do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam tổ chức. "Chương trình của chúng ta nặng hay nhẹ là do cách dạy. Nếu không thay đổi cách dạy thì dù giảm tải vẫn cứ nặng". Đó là ý kiến của PGs Nguyễn Trí khi trả lời câu hỏi "Liệu có nên giảm tải chương trình học tiểu học?"

Theo PGs Nguyễn Trí có hai phương pháp giảng dạy: thứ nhất là bắt đầu từ khái niệm, dạy theo kiểu truyền đạt lý thuyết cho học sinh. Thứ hai là đi từ kỹ năng, dạy cho học sinh các kỹ năng để làm các bài tập. Sau khi thực hành học sinh sẽ tự rút ra khái niệm. Như vậy sẽ dễ tiếp thu hơn rất nhiều.

Một số du học sinh đã nhận xét rằng các tiết học ở nước ngoài thoải mái hơn các tiết học ở Việt Nam rất nhiều. Các giáo sư nước ngoài để cho học sinh chủ động nêu ý kiến, chủ động điều khiển buổi học, giáo viên chỉ đóng vai trò kết luận. Chính vì vậy, tiết học sẽ nhẹ nhàng và hiệu quả hơn so với tiết học giáo viên là người chỉ đạo và truyền đạt lý thuyết một chiều.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Đặng Huỳnh Mai cũng cho rằng vấn đề của giáo dục Việt Nam là phương pháp giảng dạy. Cô giáo đặt câu hỏi, học sinh không trả lời được thì sẽ nhận điểm kém, bố mẹ học sinh thấy con em mình nhận điểm kém lại lo cho trẻ đi học thêm. Không ai quan tâm việc giải thích cho các em hiểu rõ vấn đề các em không hiểu. Vấn đề của giảng dạy là hiệu quả tiếp nhận kiến thức chứ không phải là điểm số, là thành tích.

GS Nguyễn Trí nhận xét rằng: chương trình giáo dục tiểu học của Việt Nam khi đối chiếu với các nước thì vẫn thấp hơn cả về thời lượng học lẫn nội dung học. Chương trình học của học sinh lớp 5, lớp 6 ở Việt Nam, các học sinh lớp 4 ở New Zealand đã được học.

Có một thực tế, có những giáo viên cũng nhận ra sự cần thiết trong việc phải thay đổi cách dạy cho học sinh nhưng lại không dám tự ý điều chỉnh chương trình, tự ý sửa những bài giảng theo đúng quy chuẩn. Những câu hỏi bắt trẻ tập suy nghĩ thực tế, các tình huống cho trẻ tự đóng vai để rút được bài học có hiệu quả hơn rất nhiều so với phương pháp lý thuyết thuần túy.

Thời gian cho những tiết giảng như thế này lại rất ít, giáo viên có thêm thời gian để giảng dạy những bài học khác. Vậy nhưng nếu không có văn bản pháp quy, chẳng có giáo viên nào dám tự ý thay đổi phương pháp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang cân nhắc về việc ra các đề kiểm tra cho học sinh theo trình độ như: đề kiểm tra học kỳ I, đề kiểm tra học kỳ II. Tuy nhiên, đề kiểm tra sẽ linh hoạt hơn, không chỉ có một đáp án mà sẽ có nhiều đáp án, nhiều cách giải.

Nếu học sinh có càng nhiều cách làm thì càng tốt. Nghĩa là Bộ Giáo dục Đào tạo đang hướng tới việc học sáng tạo, linh hoạt hơn. Ngay trong các bài giảng, giáo viên cũng được khuyến khích soạn giáo án mở, chỉ cần soạn một trang thể hiện tinh thần bài giảng định dạy, không cần phải chép giáo án một cách máy móc.

Phó Giáo sư Nguyễn Trí đã tính toán rằng: Nếu dạy một cách bài bản thì giáo viên cần đến 108 bài giảng mới dạy hết chương trình học, nhưng nếu dạy theo những cách khác linh hoạt hơn thì sẽ tốn ít thời gian hơn. Có thêm thời gian, giáo viên có thể tăng thêm các tiết dạy để tăng lượng kiến thức cho học sinh.

Như vậy, chương trình giáo dục tiểu học của Việt Nam cũng vì thế mà có thể bắt kịp chương trình của các nước.

MỚI - NÓNG