Chuyện bên lề kỳ thi ĐH 2009

Chuyện bên lề kỳ thi ĐH 2009
TP - Hai ngày thi đầu tiên của kỳ thi Đại học 2009 đã kết thúc. Dưới đây là những câu chuyện bên lề của các thí sinh và người thân.
Chuyện bên lề kỳ thi ĐH 2009 ảnh 1

Trưa 5/7, một số thí sinh rời các trường thi ở Đà Lạt với chiếc khẩu trang bịt gần kín mặt. Các thí sinh cho biết phải đeo khẩu trang phòng cúm vì nghe tin xuất hiện bệnh nhân bị nhiễm cúm A/H1N1 tại Đà Lạt.

Không ít phụ huynh mang hành lý đến trước cổng trường đón con để kịp bắt tàu xe về quê nhằm tiết kiệm khoản tiền ít ỏi đã tích góp được sau bao ngày làm việc vất vả.

Một số phụ huynh vội vã đưa con xuống TPHCM tìm phòng trọ để chuẩn bị thi vào một trường đại học khác trong vài ngày tới.

Giám thị ngủ quên

Sáng 5/7, hội đồng tuyển sinh trường Đại học Đà Lạt quyết định đình chỉ việc coi thi của một giám thị vì đến trễ.

Theo quy định của Hội đồng tuyển sinh đại học Đà Lạt, giám thị phải có mặt tại hội đồng vào sáu giờ sáng. Thế nhưng, mãi đến 7h50’, một cán bộ coi thi (giảng viên khoa Luật, Trường Đại học Đà Lạt) mới đến địa điểm thi số 4. Do bị trễ hai mươi phút so với thời gian làm bài nên giám thị này bị đình chỉ coi thi môn hóa. Lý do đến trễ của vị giám thị là ngủ quên.

Đề thi hóa thiếu thông tin

Vài trường hợp thí sinh điểm thi CĐ Công nghệ Đà Nẵng (đường Cao Thắng) bị phát đề thi thiếu thông tin ở môn hóa sáng qua (5/7).

Giám đốc ĐH Đà Nẵng Bùi Văn Ga, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh cho biết, bộ đề thi có hai tờ A3 và A4. Ở những trường hợp này, thí sinh bị phát bộ đề thiếu tờ A4. Tuy nhiên, các giám thị, cán bộ coi thi đã kịp thời đổi đề để các em làm bài.

Nhặt được ví trả lại phụ huynh 

Sáng 5/7 tại hội đồng thi THPT Nguyễn Thượng Hiền (Đà Nẵng), khi thí sinh Nguyễn Thị Trà My (quê ở Thanh Hóa, thi vào ĐHSP Đà Nẵng) vào phòng thi thì bố Nguyễn Huy Thành tá hỏa vì chiếc ví có gần triệu đồng rơi từ lúc nào không biết. Trong lúc hốt hoảng đi tìm, anh Thành được một bà cụ tên Tam nhặt được ví tiền đã vui vẻ trả lại.

Làm sạch trường thi

Chuyện bên lề kỳ thi ĐH 2009 ảnh 2

Kết thúc đợt thi đầu tiên, khi những sĩ tử cuối cùng bước ra khỏi trường thi cũng là lúc thanh niên tình nguyện vào cuộc. Những vỏ hộp cơm bụi, giấy nháp, tờ rơi, vỏ hộp sữa nằm la liệt ngổn ngang suốt dọc con đường đều được thu nhặt lại và cho vào thùng rác.

Làm lễ tiễn thí sinh về nhà

Sáng 5/7, ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng của đợt 1, tại sáu điểm nhà trọ miễn phí có đông thí sinh ở nhất TP HCM, tình nguyện viên và đội quản lý nhà tổ chức lễ chia tay các thí sinh và phụ huynh lên đường về nhà.

Chuyện bên lề kỳ thi ĐH 2009 ảnh 3

Các tình nguyện viên tổ chức liên hoan, chơi trò chơi, ăn uống cho thí sinh. Phụ huynh Nguyễn Đình Huynh (Nhơn Tài- Bắc Ninh) dẫn con từ ngoài bắc vào TPHCM thi vào ĐH Kinh tế TPHCM may mắn nhận được chỗ ở miễn phí tại trung tâm văn hóa P.2 Q.10.  “Từ lúc đi vào TP HCM tới lúc về đều có người đưa đón và hướng dẫn nhiệt tình tôi rất vui và bất ngờ”.

Khăn gói về quê

Trong  cơn mưa nặng hạt sau giờ thi môn hóa học sáng qua, tại Hà Nội, nhiều phụ huynh mang hành lý chờ sẵn tại cổng trường thi để đưa thí sinh về quê, tránh cảnh ăn chực nằm chờ chốn phồn hoa đô thị đắt đỏ.

Chuyện bên lề kỳ thi ĐH 2009 ảnh 4

Sau 11 giờ, tại bến xe Giáp Bát, lượng thí sinh và phụ huynh học sinh đổ về quê rất đông. Ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng vào trường Đại học Mỏ - Địa chất, Trần Thị Tươi (Hà Nam) vội vàng khăn gói về quê sớm vì “em không làm được bài. Mọi năm thường chỉ một môn khó hơn hẳn trong khi năm nay cả hai môn toán và hóa đều khó”.

Giáp Thị Mẫn (Bắc Giang) thi vào ĐHQG Hà Nội cũng sắp xếp hành lý về quê ngay sau khi kết thúc môn hoá: “Mấy ngày thi sáng nào cũng phải dậy sớm vì sợ muộn thi nên về nhà nghỉ ngơi lấy lại sức và đợi kết quả thi thôi”.

Bác Hoàn (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) mang theo hành lý đến đón con ở cổng trường Đại học Bách khoa để về quê ngay: “Trong lúc em nó làm bài tôi đã chủ động chuẩn bị đồ đạc mang đi đến cổng trường. Em thi xong là về quê luôn, đỡ được một khoản nhà trọ”.

Không có tiền đóng lệ phí thi

Chuyện bên lề kỳ thi ĐH 2009 ảnh 5

Tại hội đồng thi trường THPT Đức Trí (Nguyễn Trãi Q.1, TPHCM), thí sinh Nguyễn Minh Đức phải đạp xe hơn 50 km từ Bình Dương xuống TPHCM dự thi. Quê ở ấp An Lợi (xã Hòa Lợi, Bến Cát, Bình Dương), Đức đăng ký dự thi vào trường ĐH Kiến Trúc (khối V). Nhà nghèo, đông anh em nên từ khi lên lớp 7, em phải đi bán vé số để phụ giúp mẹ và kiếm tiền trang trải việc học hành.

Đi thi, Đức chỉ mang theo hai bộ quần áo, mấy bịch tép khô để ăn đi đường và một ít tiền do bà con lối xóm cho. Không có tiền đóng lệ phí thi nên Đức phải quay về. Nhận được thông tin về trường hợp của Đức, Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên TPHCM chuyển thí sinh này về chỗ trọ miễn phí và hỗ trợ các bữa cơm miễn phí và tặng ngay em 500 ngàn đồng để đóng tiền lệ phí thi.

Kẹt xe qua phà nghiêm trọng

Sau khi thi xong thí sinh ồ ạt về quê, do lượng người và xe tăng đột biến nên xảy ra tình kẹt nghiêm trọng. Đến 12 giờ trưa, phía bờ Cần Thơ xe ô tô phải xếp thành hai hàng dài cả km để chờ qua phà. Mặc dù, trước đó lãnh đạo Cụm phà Hậu Giang đã huy động hết 13 chiếc phà với trọng tải lớn nhỏ khác nhau. Bố trí thêm hai điểm bán vé phụ và điều tiết ưu tiên giải quyết nhu cầu đi lại của các thí sinh.

Tại bến xe khách Cần Thơ (bến xe mới), lượng hành khách tăng gấp đôi ngày thường. Nhiều hãng xe lớn đã xảy ra tình trạng cháy vé. Tại một số điểm thi nhiều đối tượng xấu đã trà trộn vào đám đông phụ huynh đứng chờ con để móc túi. Tại hội đồng thi Trường THPT Lý Tự Trọng có một thí sinh nam sau khi thi xong do vội qua đường bị xe buýt tông bị thương phải nhập viện cấp cứu.

Mẹ dò đáp án cho con

Chuyện bên lề kỳ thi ĐH 2009 ảnh 6

Sáng 5/7, tại điểm thi Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng), cô giáo Đinh Thị Kim Anh (hiệu trưởng trường tiểu học Lý Tự Trọng, TP Buôn Mê Thuột, tỉnh Đăk Lăk) cắm cúi bên đề thi và đáp án môn lý để so sánh kết quả cho con trai Lâm Trí Văn thi vào ngành xây dựng cầu đường (ĐHBK Đà Nẵng).

Cô Anh nói: “Sợ cháu xem đáp án rồi phân tâm không làm tốt môn thi tiếp theo nên cả môn toán và lý tôi đều dò thay. Đợi thi xong môn hóa rồi thông báo kết quả cho cháu biết một thể”. 

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.