Chuyện của người “đưa đò” trên… không

“Chúng tôi là những người “đưa đò” trên… không. Chúng tôi không chỉ đào tạo nghề mà còn cung cấp cho ngành hàng không nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với những tiêu chuẩn khắt khe của ngành hàng không thế giới”, ông Trần Hữu Quốc, Giám Đốc Học viện Hàng không Vietjet chia sẻ.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), ông Trần Hữu Quốc đã có những chia sẻ về đào tạo nhân lực hàng không. Theo ông Quốc: Trước khi gắn bó với công việc này, tôi đã trải nghiệm nhiều công việc khác và cho đến bây giờ, sau hơn 25 năm đứng trên bục giảng, tôi vẫn tràn đầy nhiệt huyết như những ngày đầu tiên. Hễ lên bục giảng là tôi tự động bật chế độ “giảng dạy”, rất khác khi tôi làm việc ở văn phòng. Vì thế, đây không chỉ là một công việc mà nó như một đam mê để tôi cống hiến hết mình cho thế hệ tương lai, nỗ lực hết sức để tìm ra những cách giúp học viên lĩnh hội được kiến thức.

Chúng tôi không chỉ đào tạo nghề mà còn cung cấp cho ngành hàng không nguồn nhân lực chất lượng cao, được trang bị kỹ tri thức, kỹ năng làm việc. Quan trọng nhất, đội ngũ nhân lực này được giáo dục về thái độ, lối sống và đạo đức nghề nghiệp phù hợp với những tiêu chuẩn khắc khe của ngành hàng không thế giới. 

Chuyện của người “đưa đò” trên… không ảnh 1
 

* Thưa ông, những thầy cô đào tạo nhân lực cho ngành hàng không được ví như những người “đưa đò” trên không, liệu có khác biệt với những người “đưa đò” trong ngành giáo dục truyền thống?

- Đúng, chúng tôi là những người “đưa đò” trên… không. Nếu hỏi điều gì khiến ngành này khác với giáo dục truyền thống thì cái quan trọng nhất chính là kiến thức đặc thù của ngành theo tiêu chuẩn và qui định của Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Hơn nữa, đây là một công việc thường xuyên phải tiếp xúc với các nền văn hoá cũng như con người đến từ nhiều nước khác nhau nên tiếng Anh trở thành một trong những yếu tố tất yếu của ngành và việc giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh để đảm bảo cho học viên được học tập, làm quen tiếp xúc với ngôn ngữ này nhiều nhất.

Ngoài những khác biệt về kiến thức đặc thù, về cơ bản, người “lái đò” trên không vẫn là những người dẫn dắt thế hệ tương lai đến bến bờ thành công. Vì thế, trách nhiệm và nhiệm vụ của người thầy vẫn không hề thay đổi so với giáo dục truyền thống. Bản thân tôi cũng như mỗi giáo viên ở đây luôn cập nhật kiến thức và luôn nỗ lực tìm ra những phương pháp giảng dạy mới, vừa tạo hứng thú, vừa kích thích khả năng tư duy giúp các học viên tiếp thu bài một cách tốt nhất. Gây áp lực để học viên sợ mình không khó, ai cũng có thể làm được, nhưng làm thế nào để học viên tâm phục mới quan trọng. 

Chuyện của người “đưa đò” trên… không ảnh 2

Học viên Học viện Hàng không Vietjet được đào tạo đầy đủ các kỹ năng trước khi trở thành tiếp viên

* Để đạt được điều đó, hẳn các giáo viên ở đây phải có những phẩm chất rất đặc biệt?

- Ngoài kiến thức rộng, dày dạn kinh nghiệm, kỹ năng giảng dạy chuyên nghiệp, chúng tôi phải có bản lĩnh. Bản lĩnh này giúp người giáo viên có sự điềm tĩnh nhất định khi đứng trên bục giảng. Người giáo viên không được thể hiện sự giận dữ, mất kiểm soát trên lớp, không được phép nói những câu như “Tại sao tôi giảng bao lần mà em không hiểu?”… Khi đó, người giáo viên cần phải xem lại phương pháp giảng dạy và cách tiếp cận đã phù hợp chưa.

Rất nhiều lứa học viên đã trưởng thành vẫn giữ liên lạc thường xuyên với nhà trường, thầy trò cùng nhau trao đổi kiến thức, cập nhật các tình huống thật để giáo viên có thể bổ sung kinh nghiệm thực tế vào bài giảng.

Ngành hàng không cải tiến rất nhanh, dừng lại có nghĩa là đi lùi. Bởi vậy, ngoài việc được công ty cử đi học các khóa đào tạo trong và ngoài nước để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, chúng tôi phải tự phát triển bản thân, tự học hỏi để nâng cao “Tâm và Tầm” nếu không muốn bị đào thải.

* Học viện Hàng không Vietjet đã trở thành một trong những nơi đào tạo nhân lực hàng không hàng đầu khu vực. Đó có phải nhờ ở sự đam mê của ông và các đồng nghiệp không?

- Nếu không có đam mê thì chắc tôi đã bỏ cuộc rồi. Đấy cũng là một minh chứng cho niềm đam mê không chỉ bản thân tôi mà là của toàn thể cán bộ nhân viên Học viện. Giờ nghĩ lại chúng tôi vẫn không nghĩ mình có thể làm được như vậy.

Học viện hàng không Vietjet tiền thân là Trung tâm đào tạo, được thành lập vào tháng 7/2012 thể hiện định hướng và quyết tâm của lãnh đạo công ty cho sự phát triển bền vững nguồn nhân lực chất lượng cao và tự chủ cho tương lai. Trách nhiệm nặng nề, nhiều đêm mất ngủ để bắt đầu bằng việc xây dựng sơ đồ tổ chức, qui chế hoạt động và toàn bộ tài liệu quy trình đào tạo. Lúc bấy giờ, điều kiện cơ sở vật chất chưa có, nhân lực không đủ nên phải thuê, mượn phòng ốc khắp nơi để triển khai huấn luyện. Tuy nhiên, không vì chuyện thiếu thốn cơ sở vật chất, nhân lực mà chất lượng đào tạo “nghèo” theo. Chúng tôi đã luôn cùng nhau hỗ trợ, động viên để dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì chất lượng đào tạo của Vietjet phải luôn đạt chuẩn.

Thời kỳ đầu, để huấn luyện trực tiếp cho toàn bộ đội ngũ tiếp viên trưởng đầu tiên của Vietjet sau khi các em hoàn thành khoá huấn luyện lý thuyết trên lớp, một ngày tôi thực hiện bay 4 chặng Sài Gòn - Hà Nội từ 8h cho đến 20h. Anh Lưu Đức Khánh, khi đó là Giám đốc Điều hành Vietjet, thường xuyên có mặt trên tàu bay, ngồi đủ các vị trí khác nhau trên khoang khách, cầm tờ báo tưởng như chăm chú đọc nhưng thực chất là để quan sát hành khách nói gì, đội ngũ tiếp viên làm việc ra sao, phi công bay có an toàn không….

Có thể nói, Học viện có được như hôm nay là nhờ vào sự hỗ trợ, động viên rất lớn của Ban lãnh đạo Vietjet và cũng là một minh chứng mạnh mẽ cho việc thành công chính là quả ngọt của sự đam mê và cố gắng. Chúng tôi cũng tự hào là một trong những thành viên tiên phong trong công cuộc đào tạo nhân lực ở Vietjet.

Chuyện của người “đưa đò” trên… không ảnh 3

Ông Trần Hữu Quốc, giám đốc Học viện Hàng không Vietjet (ảnh: Huyền Minh)

 * Thưa ông, định hướng phát triển của Học viện  thời gian tới ra sao?

- Vietjet đã có kế hoạch đưa Học viện lên tầm quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch phát triển bền vững của hãng và của ngành hàng không. Chúng tôi là Tổ chức huấn luyện được phê chuẩn của Cục Hàng không Việt Nam và được cấp chứng chỉ Châu Âu EASA, đã thực hiện khoảng 1.500 khóa đào tạo cho gần 50.000 lượt học viên phi công, tiếp viên, điều phái bay, kỹ sư, nhân viên khai thác mặt đất và nhân viên khác.

Học viện đã được lắp đặt nhiều trang thiết bị hiện đại, đưa vào huấn luyện cơ bản cho tiếp viên, phi công như: thiết bị mô phỏng khoang hành khách, thiết bị huấn luyện qui trình khẩn nguy khoang khách giả định, thiết bị huấn luyện qui trình chữa cháy, thiết bị huấn luyện cửa máy bay, hồ bơi 50mx20m tạo sóng đạt chuẩn Olympic. Một tòa nhà dành riêng đào tạo kỹ thuật cũng đang được xây dựng. Khi hoàn tất, Công ty sẽ đầu tư tàu bay dành riêng đào tạo kỹ sư. Sắp tới, Học viện sẽ đón thêm 2 buồng lái mô phỏng SIM để huấn luyện phi công. Đầu năm 2021, học viện sẽ có 3 SIM/6 bệ SIM sẵn sàng cho việc lắp mới để phục vụ huấn luyện.

Trong tương lai, Học viện sẽ tiếp tục đào tạo về lý thuyết bay cho phi công. Chúng tôi dự định hợp tác hoặc mua một trường bay để có thể đào tạo phi công từ cơ bản đến khi chính thức trở thành cơ phó. Lúc đó, Học viện có thể chắp cánh cho rất nhiều bạn trẻ Việt Nam và cả học viên nước ngoài thực hiện giấc mơ bay.

Với sự trang bị hiện đại, đầy đủ và đạt chuẩn quốc tế, chúng tôi tin chắc rằng Học viện Hàng không Vietjet sẽ trở thành cơ sở đào tạo chuyên ngành quy mô hiện đại hàng đầu khu vực.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi. Chúc ông cùng các thầy cô giáo của Học viện Hàng không Vietjet thật nhiều sức khỏe, luôn tràn đầy nhiệt huyết và đam mê cống hiến cho ngành hàng không!

Ông có lời khuyên nào đối với các bạn trẻ đam mê chinh phục bầu trời?

Ông Trần Hữu Quốc, Giám Đốc Học viện Hàng không Vietje: Không chỉ hàng không mà bất cứ ngành nghề, công việc nào cũng đều cần có sự đam mê. Nếu có đam mê, bạn sẽ có động lực để trau đồi, nâng cấp bản thân cho phù hợp với công việc. Bất kể là điều kiện về thể hình, sức khoẻ, trình độ chuyên môn hay kiến thức, miễn là bạn giữ ngọn lửa đam mê trong mình, bạn đều có thể khắc phục, cải thiện được. Giấc mơ sẽ không thành hiện thực nếu bạn không thực hiện nó và thiếu đam mê thì bạn sẽ chỉ mãi mỏi mệt để đi trên con đường dài bất tận mà không có định hướng. Nghề hàng không rất thú vị, nhưng cũng cực kỳ vất vả. Chỉ có kiến thức, ngoại hình, sức khỏe mà không có đam mê thì sẽ vô nghĩa vì bạn sẽ không thể đeo đuổi, bám trụ được lâu với nghề

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".