Chuyển đổi trường nghề: Tổng cục Dạy nghề hứa gì?

TP - Dù học sinh đã bắt đầu làm hồ sơ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017, nhưng tới nay công tác chuyển đổi, kế hoạch tuyển sinh, đào tạo của nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề vẫn chưa xong.

Trường nghề nhưng 80% giảng viên là tiến sĩ

Sáng 4/4, Tổng cục Dạy nghề (bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác tuyển sinh, thi tốt nghiệp năm 2016 và kế hoạch năm 2017 trong lĩnh vực đào tạo nghề. Hơn 500 đại biểu tới từ các trường nghề khu vực phía Bắc đã tới dự, ban tổ chức phải bố trí thêm ghế phụ. Đây là hội nghị đầu tiên về tuyển sinh sau khi các trường TC, CĐ nghề chuyển về Bộ LĐ-TB&XH quản lý từ 1/1/2017 (thay vì một số trường thuộc Bộ GD&ĐT quản lý như trước).

Ông Vũ Văn Đoan, Hiệu trưởng Trường CĐ Thuỷ lợi Bắc bộ cho biết, trường chuyển sang Bộ LĐ-TB&XH quản lý tới nay được hơn 90 ngày, còn nhiều “bỡ ngỡ, lúng túng”. Theo ông Đoan, khối lượng công việc chuyển đổi của trường rất lớn, lại phải thực hiện nhanh, khi năm học mới sắp bắt đầu.

Trước đây trường thuộc Bộ GD&ĐT quản lý, thời gian học thực hành chỉ 30% chương trình, nay thời gian học thực hành tối thiểu phải 50%, nên phải thay đổi chương trình học. Kéo theo đội ngũ giáo viên trước đây dạy lý thuyết cũng phải học thêm kỹ năng nghề để dạy thực hành, chưa kể yêu cầu đầu tư lớn về cơ sở vật chất cho học thực hành. “Dù cố gắng chúng tôi vẫn e dè về chất lượng”, ông Đoan nói.

Ông Đoan cũng tỏ ra lo lắng khi kỳ tuyển sinh đang tới gần, nhưng chương trình tuyển sinh, đào tạo vẫn chưa xong để trình bộ phê duyệt. “Các nghề đào tạo của chúng tôi tới nay chưa được cấp phép liệu có được quảng cáo, thông báo tuyển sinh không? Nếu không trường khác họ làm trước, mình lại mất thí sinh.

Giờ đã hết quý 1 rồi, không dám chắc quý 2 có thể hoàn thành khối lượng công việc như vậy, trường hợp đó chúng tôi tuyển sinh cách nào?”, ông Đoan nói. Ngoài ra, theo vị hiệu trưởng này, trường có 70-80% giảng viên là thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng lâu nay chủ yếu dạy lý thuyết, nay phải học nâng cao kỹ năng nghề.

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Cơ điện Hà Nội bổ sung, chính sách tuyển sinh đại học năm 2017 của Bộ GD&ĐT thay đổi tác động rất lớn tới tuyển sinh của hệ CĐ, TC. Theo ông Ngọc, từ trước tới nay chưa năm nào học sinh Việt Nam có cơ hội học đại học lớn như năm nay, rất dễ vào đại học nào đó nếu muốn. Ngoài ra, nhiều trường đại học đào tạo cùng ngành như CĐ, nên có thể người học sẽ ưu tiên lựa chọn đại học.

Hiệu trưởng Trường CĐ Dược Trung ương Hải Dương Nguyễn Thị Hường cho rằng, thông tin tuyển sinh CĐ, TC khó kịp tới học sinh, khi học sinh đã bắt đầu làm hồ sơ dự thi. Theo bà Hường, những năm trước, phần mềm tuyển sinh của Bộ GD&ĐT có cả thông tin các trường CĐ, TC, nhưng nay hệ thống trường nghề chuyển sang Bộ LĐ-TB&XH nên thông tin trường nghề cũng bị loại khỏi hệ thống.

Tổng cục Dạy nghề hứa gì?

Tổng cục trưởng Dạy nghề Nguyễn Hồng Minh đánh giá, việc tuyển sinh của các trường CĐ, TC nghề còn khó khăn, nên tổng cục sẽ cố gắng hỗ trợ tốt nhất cho các trường. Bộ LĐ-TB&XH sẽ có văn bản đề nghị Bộ GD&ĐT chia sẻ thông tin tuyển sinh, kết quả kỳ thi quốc gia để các trường CĐ, TC có cơ sở tuyển sinh, lựa chọn đầu vào.

Theo ông Minh, hiện việc tuyển sinh đại học chưa căn cứ vào nhu cầu thị trường, chủ yếu dựa vào năng lực đào tạo của trường, nhu cầu người học, nên cử nhân thất nghiệp lớn. Đặc biệt, khi Bộ GD&ĐT cho học sinh đăng ký nhiều nguyện vọng đại học, sẽ thu hẹp đối tượng tuyển của các cấp đào tạo khác.

Với những ngành đặc thù, như đào tạo năng khiếu âm nhạc, hội họa, y dược, lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề “hứa” sẽ làm việc với Bộ VH-TT&DL, Y tế để có những hướng dẫn cụ thể.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hết năm 2016, cả nước có 2.003 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 387 trường CĐ, 582 trường TC, và 1.034 trung tâm dạy nghề. Năm 2016, hệ thống trường nghề tuyển sinh được hơn 2,3 triệu người. Năm 2017, Tổng cục Dạy nghề đặt mục tiêu hệ thống trường nghề tuyển sinh được 2,2 triệu người.

MỚI - NÓNG