Chuyện không lạ của tác giả bài văn ‘lạ’

Chuyện không lạ của tác giả bài văn ‘lạ’
TP - ... Nhắc lại bài văn lạ “Bản chất của thành công” đạt điểm 9+ năm ngoái, Ngọc “bắt đền”: “Đến giờ em vẫn phải “giải ngân” đấy. Đứa bạn nào gặp cũng bắt khao, vậy là lại thêm một chầu chè Huế”...

Bài văn “lạ” định nghĩa “Bản chất của thành công” của Hà Minh Ngọc (sinh năm 1991) cùng với bài viết “Gặp tác giả bài văn gây xôn xao cư dân mạng”. Những bài viết trên được đăng đầu tiên trên báo Tiền phong, hàng loạt các báo điện tử, hàng ngàn trang blog dành vị trí trang trọng đăng tải lại.

Chuyện không lạ của tác giả bài văn ‘lạ’ ảnh 1
Hà Minh Ngọc làm gia sư cho em gái.

Những bài viết về bài văn, về cô học trò lớp 10 Văn khối chuyên THPT trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã nhanh chóng tác động đến độc giả. Và Hà Minh Ngọc trở thành nhân vật của Tiền phong.             

Ăn bánh mỳ, đi xe buýt và làm gia sư! Cụm từ trên khiến ai cũng liên tưởng đến hình ảnh một sinh viên nghèo, đi làm thêm chính hiệu chứ ai ngờ đó là một trong những công việc hàng ngày của cô con gái cả của một gia đình công chức có hai tiểu thư ở Hà Nội.

Gặp Ngọc quả là khó. Hẹn mất ba bốn lần, bởi em sắp phải thi học kỳ 1, lại bước vào những vòng thi sơ tuyển của đội tuyển học sinh giỏi văn cấp Quốc gia. 11 giờ 20, Ngọc bước ra với giày bata, quần vải và áo sơ mi, lọn tóc nhỏ buộc gọn phía sau, giọng nhỏ nhẹ: “Chị đợi em có lâu không?”.

Thế rồi bữa trưa, nói như Minh Ngọc: “Em sợ chị không chịu nổi, chỉ một chiếc bánh mỳ thôi!”. Vậy là ghé qua cửa hàng, ngoài hai chiếc bánh Kinh Đô, tôi chọn thêm hai hộp sữa tươi, sữa chua. Thấy vậy, cô bé giãy nảy lên: “Quá tiêu chuẩn của em rồi...”.

Chúng tôi ngồi ăn trên ghế đá trong khuôn viên ký túc. Ánh nắng hãy còn non của trưa mùa đông xuyên qua đám lá bằng lăng rắc lên mái tóc, khuôn mặt bầu bĩnh của Ngọc thật bình yên.

Bữa trưa của Ngọc luôn là chiếc bánh mỳ lót dạ rồi lên phòng ký túc xá với các bạn nghỉ ngơi đến 13 giờ 50 trước khi bước vào chương trình học chuẩn bị cho các kỳ thi sát hạch kéo dài gần 4 giờ đồng hồ nữa... Nhìn cách cô bé ăn thật từ tốn, nhỏ nhẹ cùng với câu chuyện khiến mọi mệt mỏi tan biến...

Một ngày của tác giả bài văn lạ kín mít. Thức dậy lúc 5 giờ 50, ăn sáng và xuống bến xe buýt lúc 6 giờ 15. Gần một tiếng trên xe buýt là thời gian ngắm phố phường hoặc lôi sách ra đọc trước khi có hai buổi học đến tận 18 giờ mới kết thúc.

Sắp bước sang tuổi 18 “tưng bừng xuân” nhất nhưng dường như những gì thuộc về sành điệu, hiện đại của thế hệ 8X, 9X, xe máy, tóc nhuộm, giày cao gót, quần bó, môi son... chưa từng đi ngang qua và gõ cửa ngôi nhà nhỏ khép mình trong một ngõ nhỏ ở khu tập thể Trương Định mà Minh Ngọc sinh sống.

Trở về nhà thường vào lúc gần 19 giờ, có ngày muộn hơn vì tắc đường nhưng Ngọc vẫn lăn vào bếp nếu mẹ bận việc về muộn. Trong lúc đợi mẹ hoặc ăn tối xong, bài vở “cô chị” còn ngập đầu, phải học đến khuya nhưng vẫn liếc mắt nhìn “cô em” rồi cùng học, tận tình dạy bảo em. Ngọc trở thành gia sư đầu tiên, mẫu mực của em gái mình.

Có thời gian rảnh, Ngọc đạp xe đến các nhà sách tìm mua cho em gái từ sách Toán đến tập viết chữ đẹp, tiếng Anh... và lên chương trình dạy sao cho em tiếp thu tốt nhất. Em gái Ngọc đang học lớp 1 nhưng đã biết làm các phép cộng, trừ, nhân, chia đến những dãy số dài!

Cô em có tinh thần tự giác học hành rất cao khiến người mẹ đặc biệt của Ngọc - chị Song Hà, giảng viên ĐH Dược Hà Nội - người phụ nữ kiệm lời và không bao giờ muốn con mình lên báo chí cũng phải mỉm cười mà rằng: “Em được như vậy là nhờ chị nó cả đấy!”.

Chuyện không lạ của tác giả bài văn ‘lạ’ ảnh 2
Hà Minh Ngọc

... Nhắc lại bài văn lạ “Bản chất của thành công” đạt điểm 9+ năm ngoái, Ngọc “bắt đền”: “Đến giờ em vẫn phải “giải ngân” đấy. Đứa bạn nào gặp cũng bắt khao, vậy là lại thêm một chầu chè Huế”.

Với cư dân mạng, lướt qua hàng chục blog tại thời điểm này, Minh Ngọc vẫn được nhớ tới với biết bao lời cám ơn, tôn vinh. Tháng 9/2007, Phạm Đình Đức - học sinh trường THPT Kim Liên (Hà Nội) - có một entry: “Đọ văn với Hà Minh Ngọc “tiền bối” khi so sánh bài kiểm tra Văn của mình đạt điểm 8,5.

Trang web tiachopxanh.com chọn Minh Ngọc là nhân vật trong mục “Gương sáng Văn học”. Trong lúc than thở về lối sống gấp, hưởng thụ của thế hệ 9X, một 8X nhớ về Ngọc:

“Văn của Ngọc khiến tôi cảm nhận được giá trị của từng giây phút đang diễn ra, nó chậm chãi mà chắc chắn, nó khiến trái tim, tâm hồn tôi được thở đúng nhịp, trái ngược hẳn với phần đông thế hệ 9X tôi gặp, chỉ biết tiêu tiền khủng khiếp, sống chớp nhoáng đến chóng mặt, quay cuồng với những trò vô bổ...”.

Quả thực, mỗi lần Ngọc đặt câu hỏi đều khiến tôi giật mình thon thót về độ khó của chúng! Khó có thể tin tác giả bài văn lạ mới 17 tuổi lại có lập luận sắc sảo, sâu xa về những triết lý nhân sinh, về con người, về cuộc sống đến vậy.

Với tôi, Ngọc không đơn giản là một cô nữ sinh lớp 11 Văn nữa mà sẽ là... đối thủ nặng ký nếu một ngày em bước chân vào nghề báo.

Viết xong bài, tôi điện thoại cho Ngọc, cô bé rủ rỉ: “Em được lọt vào đội tuyển thi học sinh giỏi của trường rồi!”. Qua ba vòng sơ tuyển, đội tuyển Văn thi Quốc gia của trường ĐH Sư phạm có 6 học sinh: 2 học sinh lớp 11 và 4 học sinh lớp 12. Tôi chúc Ngọc gặp may mắn và đạt giải cao trong kỳ thi tới.
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.