Thay đổi “công nghệ” giáo dục đại học:

Chuyển sang mô hình đào tạo tín chỉ

Chuyển sang mô hình đào tạo tín chỉ
Dự kiến cuối năm 2005 triển khai thí điểm tại 5 trường ĐH, năm 2006 nhân rộng ra 20 trường và năm 2010 thì hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình đào tạo tín chỉ. Người học ĐH, CĐ sẽ rút ngắn được 1/4 thời gian.
Chuyển sang mô hình đào tạo tín chỉ ảnh 1
Những cuộc thảo luận sẽ giúp sinh viên đại học Bách khoa chủ động trong học tập  ảnh Hồng Vĩnh

Ở Việt Nam, khái niệm đào tạo theo tín chỉ (ĐTTC) đã  được nói tới trong tầm 5-7 năm trở lại đây. Tuy nhiên mới 5-7 trường đại học (ĐH) áp dụng. Sắp tới, ĐTTC sẽ mang tính “pháp lệnh”, thành tiêu chí để các trường ĐH có được cấp dấu chất lượng hay không. Ông Bành Tiến Long, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT còn gọi nó là cuộc cách mạng thay đổi công nghệ giáo dục.

Nếu như trước đây, người học ĐH phải học theo một chương trình chung áp dụng nhất loạt thì theo mô hình này, người học được quyền lựa chọn chương trình phù hợp với ý định, khả năng, điều kiện và tốc độ tiếp thu của mình. Hệ thống tín chỉ chỉ liên quan tới tổ chức hoạt động đào tạo triển khai trong một trường, còn nếu có hẳn một hệ thống chuyển đổi tín chỉ thì có thể chuyển đổi kết quả đào tạo giữa các cơ sở GD không những chỉ trong mà còn ngoài nước nữa.

Theo hệ thống đào tạo tín chỉ, kiến thức học được cấu trúc thành mô-đun (học phần) và quá trình học tập của SV là sự tích luỹ kiến thức  theo từng học phần (đơn vị là tín chỉ). Mỗi năm học có thể chia thành 2 ,3,4 học kỳ và người học được đánh giá thường xuyên bằng thang điểm sạch (A,B,C..) (những bài từ điểm 6 trở lên mới công nhận và đưa vào kết quả. Chương trình đào tạo mềm dẻo cho phép sinh viên dễ dàng điều chỉnh ngành nghề đào tạo và không phải thi tốt nghiệp, không bảo vệ khoá luận (với ĐH, CĐ). Sẽ không có khái niệm giáo viên chủ nhiệm mà theo đó là cố vấn học tập.

Một đơn vị học trình bình thường chỉ là 15 tiết lên lớp và 15 giờ chuẩn bị của cá nhân sinh viên; 1 tín chỉ, theo phương pháp sư phạm tích cực,  đòi hỏi SV phải tự học tập nghiên cứu nhiều hơn và được tính bằng 15 tiết lên lớp và 30 giờ chuẩn bị cá nhân.

Học theo chế độ TC, sinh viên được coi là nhân vật trung tâm, sẽ có thể ghi danh học nhiều môn học trong một thời gian và nếu có năng lực có thể rút ngắn được thời gian học tập khoảng 1/4 thời gian hoặc có thể kéo dài tuỳ theo hoàn cảnh cá nhân. Nếu giáo viên bộ môn giỏi thì  có thể thu hút tới hàng trăm SV theo học; Giáo viên vừa thì có thể  chỉ có mươi SV đăng ký học và lớp học đó sẽ không tồn tại...

Câu hỏi được đặt ra đầu tiên là làm thế nào để đánh giá được SV có thực có được 30 tiết chuẩn bị cá nhân hay không hay sẽ được thả nổi với hàng loạt vấn đề hiện có của sinh viên hiện nay và đào tạo TC có thay đổi được chất lượng GD ĐH đang có nhiều tai tiếng?

Ông Lê Viết Khuyến, Phó Vụ trưởng Vụ ĐH và Sau ĐH, một trong những chuyên gia về ĐTTC cho biết chỉ cần “đặt chân” vào hệ thống TC, theo một lối làm việc, một quá trình mang tính công nghiệp cao  là có thể thay đổi được chất lượng vì SV sẽ được đánh giá chặt chẽ hơn.

Đánh giá SV sẽ là cả một quá trình: điểm môn học sẽ được đánh giá bằng điểm kiểm tra thường kỳ, thi giữa kỳ, qua viết tiểu luận cho môn học, qua số buổi đi học theo các hệ số khác nhau... Việc này sẽ làm cho SV trở nên năng động hơn và buộc những SV thụ động thay đổi cách học để tồn tại.

Ở VN, sau khi hai chữ tín chỉ được nói tới, tính đến 2005, ĐHBK (ĐHQG TP HCM) được coi như đơn vị đi đầu trong cả nước về ĐTTC; một số trường học theo học chế học phần là : ĐH Đà Lạt, ĐHDL Thăng Long; theo học phần không triệt để là: ĐH Thuỷ sản Nha Trang, ĐH Cần Thơ...

Một vài vị đại biểu tại cuộc họp cấp Bộ về ĐTTC nói vui: có giáo viên và SV phản ánh: học theo TC “khoẻ” re! Giáo viên phải dạy ít, SV phải học ít! Dường như những người này không nhận ra sức nặng của khoảng thời gian chủ yếu dành cho SV tự học tự nghiên cứu.

Bà Nguyễn Thị Lê Hương (Vụ ĐH-Sau ĐH) đặt câu hỏi: liệu ĐTTC có là một thứ mốt mà các trường sẽ đua nhau ghi danh đăng ký mà không biết được hình thức đào tạo này có rất nhiều thách thức hay không? Rồi những băn khoăn lớn như có đủ tài liệu, sách thư viện, trang thiết bị để khai thác tài liệu qua mạng cho SV không; hành lang pháp lý của ĐTTC; liệu các trường có vì hạn chế lương mà không tuyển thêm người để đảm bảo  tỷ lệ 1 thày/15 SV không...?

Tuy nhiên, mọi việc đã được quyết định rất rõ ràng: Quý 1/2005 thu thập tài liệu từ nước ngoài, Quý 2-thảo luận, cuối năm 2005 triển khai thí điểm ĐTTC  cho 5-7 trường ĐH. Ông Bành Tiến Long cho biết ĐTTC sẽ thí điểm tập trung vào các trường đăng ký kiểm định chất lượng vì các trường này có quy mô nhỏ dễ thực hiện; ĐTTC khó thực hiện hơn ở những trường có quy mô lớn;  sẽ mở rộng ĐTTC ra 20 trường ĐH vào 2006.

Ông Lê Viết Khuyến cho biết, theo kinh nghiệm của các nước, để ĐTTC trong trường ĐH hay làm được một hệ  thống ĐTTC phải mất 10 năm, nếu ta không tập trung làm và không tích cực thì sẽ có thể mất đến 15 năm.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bành Tiến Long đã nhấn mạnh, ta cố gắng làm trong 5 năm! Theo ông đến 2010 VN sẽ hoàn thành mô hình đào tạo theo TC. Ông Lê Viết Khuyến còn cho biết: trường nào không đào tạo tín chỉ không được kiểm định và cấp dấu chất lượng.

Hướng đã rõ. Vấn đề là quyết tâm thực hiện của ngành giáo dục đến đâu. Nếu không đủ, có thể chủ trương này cũng sẽ lại cùng số phận với chủ trương phân ban hay thi trắc nghiệm. Đó là nỗi lo được một đại biểu bày tỏ, cũng là mối quan tâm chung của mọi người.

MỚI - NÓNG