Chuyện thầy giáo trên... đỉnh trời

Những giáo viên vùng cao Nghệ An đi cắm bản ​
Những giáo viên vùng cao Nghệ An đi cắm bản ​
TP - Những thầy cô giáo tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã tình nguyện vượt rừng, vượt suối đến nơi khó khăn nhất để gieo chữ. Bao tháng ngày cắm bản, những giáo viên ấy trở thành người con của bản làng, thành viên trên đỉnh trời.

Vượt rừng lên rẫy tìm trò

Từ trung tâm của xã Bảo Thắng vào bản Sao Va (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) chỉ 10 km nhưng phải mất hơn một giờ đồng hồ theo chân các giáo viên cắm bản chúng tôi mới đặt chân tới điểm lẻ của trường Phổ thông cơ sở Bảo Thắng. Đây là điểm trường khó khăn bậc nhất của huyện Kỳ Sơn với bốn thầy giáo cắm bản.

Con đường gập ghềnh với dốc dựng đứng, đá ngổn ngang, đất đỏ trơn trượt cản trở bước chân người đi. Đã thành thói quen, cứ thấy trời mưa là bốn giáo viên cắm bản lại mang chiếc xích dài ra quấn vào lốp xe. Theo thầy Lầu Bá Rùa, đây là phương pháp hữu hiệu nhất để chống trơn. Tuy nhiên, mỗi lần đến trường họ cũng phải đi thành từng tốp để hỗ trợ lẫn nhau.

Trong bữa cơm tối giản đơn bên ánh nến chập chờn, thầy La Quang Pháp chia sẻ: “Ra trường, tôi xin lên nơi thâm sơn cùng cốc này giảng dạy. Đã ba tháng rồi, ngày nắng ráo chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn lại toàn mưa gió. Tôi cũng chẳng nhớ nổi, mình đã ngã xe bao nhiêu lần nữa. Chỉ biết, khi tới trường quần áo, xe cộ như đi làm ruộng về. Rồi những lúc thiếu thức ăn, anh em cũng phải tranh thủ xuống suối bắt con ốc, con cua, con cá để cải thiện chứ không dám bỏ trường bỏ lớp mà ra trung tâm xã”.

Tiếng gà rừng gáy vang, ngày mới trên bản Sao Va. Mì tôm gói ăn vội, thầy La Quang Pháp cho hay: “Hôm nay, tôi phải tranh thủ lên rẫy đưa học sinh về. Em này vắng học cũng khá lâu rồi. Nghe nói rẫy gia đình ở xa nên phải đi sớm cho kịp”. Ngỏ ý muốn đi cùng, tôi được thầy chấp thuận nhưng kèm theo là lời cảnh báo đường xa, nguy hiểm, vất vả.

Rời trường, chúng tôi đi xe máy chừng 500m rồi gửi lại ở nhà một hộ dân. Gần 3 giờ đồng hồ leo từ núi này qua núi khác và men theo những con suối chảy xiết, tôi mới thấm hiểu lời cảnh báo của thầy Pháp. Giữa sườn núi chênh vênh, chòi nhỏ dựng lưng chừng, xung quanh là khoảng đất trống, tít tắp là rừng cây bạt ngàn. Thấy thầy giáo đến, Cụt Văn Dần cùng đứa em đang chơi bên chòi nhỏ chạy nép vào một góc lí nhí chào.

Anh Cụt Văn Thọ (bố học sinh Cụt Văn Dần) cho biết: “Do phải lo việc nương rẫy, con để ở nhà không có ai chăm, không có cái gì ăn nên phải mang chúng đi theo. Tôi cũng muốn cho nó đi học kiếm lấy con chữ. Lên rẫy, sương buốt lạnh, thương lắm”... Sau cuộc trò chuyện, thầy Pháp hứa sẽ quan tâm, chăm lo cho các cháu. Chúng tôi cùng học sinh xuống núi. “Thế đấy, đồng lương chẳng là bao nhưng nhiều lúc phải trích ra để mong các em có thức ăn đến trường”, thầy Pháp nói.

Người Mông đặt tên cho thầy giáo

Đỉnh Pu Lon chìm trong mù sương, cách xa trung tâm xã Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) là hai bản người Mông cư trú (bản Đống Trên và Đống Dưới). Địa hình hiểm trở, cách mặt nước biển 1.700m, khí hậu quanh năm buốt lạnh. Sống cùng dân làng, vợ chồng thầy giáo Nguyễn Hồ Quang đã có thâm niên hơn 10 năm cắm bản.

Thầy Nguyễn Hồ Quang quê ở xã Yên Khê (huyện Con Cuông), còn cô Võ Thị Minh Bình quê ở Cát Văn (huyện Thanh Chương), tốt nghiệp ngành sư phạm, thầy Quang và cô Bình cùng xin lên công tác tại đây. Hai người gặp nhau rồi đi đến hôn nhân nhờ những tháng ngày chia sẻ ngọt bùi cắm bản ở nơi khó khăn nhất nhì của huyện.

Chuyện thầy giáo trên... đỉnh trời ảnh 1 Thầy giáo Nguyễn Hồ Quang đến nhà học sinh để hướng dẫn các em học bài

Thầy Nguyễn Hồ Quang kể lại, lúc mới lên nơi này “gieo chữ”, bà con người Mông ở bản Đống chẳng mấy ai nói được tiếng phổ thông.Việc giao tiếp nhiều lúc rơi vào ngõ cụt, nhất là với học trò, muốn dạy cho các em hiểu thì thầy cô phải biết tâm lí của các em. Tuy nhiên, thầy cô lại không biết nói tiếng Mông, rồi sau đó, chính các em lại là “giáo viên” tiếng Mông cho thầy cô.

Qua những năm tháng miệt mài cắm bản, giờ đây vợ chồng thầy Quang đã có thể nói tiếng Mông như người bản địa. Thầy còn là cầu nối cho những người ở xuôi lên công tác hay buôn bán với bà con. Các loại chim trên trời, con thú trong rừng hay nhành cây, gọng cỏ, bông hoa... đều được thầy nói bằng tiếng Mông. Nhìn vật dụng và cách bày trí trong gia đình thầy Quang, khó ai có thể phân biệt được đó là thầy giáo người Kinh lên đây dạy học. Mỗi lần có học sinh nghỉ học, chỉ cần thấy thầy Quang đến vận động là gia đình cho con đến trường ngay, bởi “thầy nói thì cũng như con em trong bản mình nói thôi mà” (lời của một già làng).

Không chỉ nói được tiếng Mông, thầy Nguyễn Hồ Quang biết được cả chữ viết của dân tộc này. “Mình lên đây dạy ở bản khó khăn nhất của xã, thương bà con và các em nên xin ở lại đây luôn. Những gì trên dãy Pu Lon đều quen thuộc quá rồi. Tên mình theo tiếng Mông là Hạ Chồng Của cũng là do bà con làm lễ đặt cho đấy”, thầy Nguyễn Hồ Quang chia sẻ.

Nói về điều này, trưởng bản Hạ Bá Bì cho hay: “Bà con dân bản thấy vợ chồng thầy Quang cắm bản lâu năm, lại xin chuyển hộ khẩu để ở luôn với bà con nên mọi người rất quý. Thầy lại thông thạo tiếng nói, chữ viết và cả phong tục tập quán của người Mông nên bản ta mới xin ý kiến già làng tổ chức lễ đặt tên cho thầy. Đây là một tiền lệ chưa từng có ở bản Đống. Nghĩa của tên Hạ Chồng Của là người có lòng tốt, hợp với dân”.

Một buổi chiều cuối thu, sương rơi dày đặc trên khoảng sân nhỏ nhà sàn, người dân bản Đống làm lễ nhập họ và đổi sang tên người Mông cho thầy Quang. Lễ cúng thần linh, tổ tiên bản làng được tổ chức trang nghiêm, linh thiêng theo đúng tục truyền. Quanh vò rượu cần, “Hó Chờ” (xin mời), từng ly rượu được nâng lên chúc mừng thầy Quang. Đêm xuống, lửa trại bùng cháy sáng, người dân lại nắm tay nhau nhảy, ca hát vui vầy, ấm áp. Thế là thầy Quang nhập họ, một thành viên trên đỉnh Pu Lon.

“Tôi rất tự hào với cái tên Hạ Chồng Của mà đồng bào đặt cho. Nghề dạy học nơi “thâm sơn cùng cốc” gian truân nhiều nhưng hạnh phúc cũng lắm. Ðược bà con ghi nhận, yêu quý như thân nhân là điều mà vợ chồng tôi thấy mãn nguyện nhất, Mong sao, các em chăm ngoan, học giỏi, xây dựng bản làng đổi mới”, thầy Nguyễn Hồ Quang tâm sự.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.