Chuyện "Thầy và trò thời tại chức" : Bao giờ cho đến...

Chuyện "Thầy và trò thời tại chức" : Bao giờ cho đến...
TPCN - Gần đây, trên Tiền phong Chủ nhật đã có nhiều bài viết về việc học tại chức (TC) hiện nay. Vâng, đó quả là một vấn đề đã gây ra những nỗi nhức nhối và bất an trong lòng nhiều người.
Chuyện "Thầy và trò thời tại chức" : Bao giờ cho đến... ảnh 1
Sinh viên tại chức thời nay. Ảnh: Vietnamnet

Ở bài viết này tôi không muốn tranh luận với các tác giả của những bài báo đã đăng mà chỉ muốn phát biểu ý kiến của mình, rằng việc học tại chức đã có một thời rất tốt đẹp, nó đã góp phần đào tạo ra nhiều cán bộ có chất lượng, trong tình hình đất nước chưa “thừa thầy” như bây giờ. Còn hiện nay TC lại “củ mài ăn xuống” như vậy thì nguyên nhân do đâu, và cần phải thoát khỏi tình trạng ấy bằng cách nào?

Tôi có rất nhiều bạn bè đã trưởng thành từ con đường học tại chức, chủ yếu vào những năm 70 của thế kỷ trước, bản thân tôi cũng có thời gian đã học ĐH tại chức.

Tôi còn nhớ một số liệu sau: Năm 1975 cả miền Bắc có hơn 1.400 người nhận được giấy báo của Trường Đại học Bách khoa (Hà Nội) về trường nghe hướng dẫn ôn thi vào hệ đại học tại chức. Sau 2 tháng tự ôn ở cơ quan và 1 tháng tập trung tại trường để ôn, có kèm theo lên lớp, số người dự thi chỉ còn hơn 900.

Thi xong, có hơn 200 người đỗ, trong đó lớp Chế tạo máy chiếm hơn 100 người. Học đến năm cuối, lớp Chế tạo máy chỉ còn hơn 40 người. Số liệu này nói lên phần nào việc thi cử và học TC thời ấy nghiêm chỉnh như thế nào.

Có người cho rằng việc “rơi rụng” nhiều như thế là do sức học yếu, bởi họ nghĩ rằng những người đi học TC là những người học kém, không thi được vào chính quy. Cái đó chỉ đúng một phần.

…Phải nói rằng học qua được TC “ngày xưa” đều là những người thực sự có nghị lực. Ngoài việc được hưởng lương ra, họ chẳng được ưu ái gì. Chuyên môn vẫn phải hoàn thành, không san sẻ được cho ai. Ai kiêm công tác đoàn thể vẫn phải làm tốt, ít nhất là hết nhiệm kỳ đó.

Ai dính vào công tác ngoài giờ như văn nghệ, thể thao xin cứ vui vẻ mà “trình diễn”. Còn học, xin mời ngoài giờ, vào các buổi tối và ngày Chủ nhật. Tranh thủ trong giờ ư? Chẳng khác gì kẻ cắp và sẽ “lĩnh đủ” trong mỗi kỳ bình xét.

TC thời tôi đi học, mỗi môn học được lên lớp vài tiết giới thiệu và những việc cần làm, vài tiết tổng kết giải đáp thắc mắc, lên lớp những chỗ khó trước khi vào thi, còn chủ yếu là tự học.

Tự học thì không phải ai cũng có khả năng. Phải đọc, hiểu và thuộc nữa, rồi làm bài tập, đồ án môn học trong điều kiện không ai kiểm tra, đôn đốc, thầy thì ở xa, bạn cũng xa nốt.

Tôi đã từng rút ra một điều: Những người tốt nghiệp TC trước đây có thể xếp thành hai loại: Một loại thực sự có trình độ, thậm chí còn thích hợp với việc tự học, vì một lý do khách quan nào đó mà họ không có điều kiện học chính quy; loại thứ hai lực học trung bình hoặc hơi yếu một chút (cũng còn do nhiều nguyên nhân, tuổi tác hay công việc quá bận chẳng hạn) nhưng sự chăm chỉ (lấy cần cù bù thông minh), nghị lực vượt khó của họ thì khỏi phải bàn.

Thời ấy có tiêu cực không? Xin thưa: Cũng có song rất hiếm, nếu không muốn nói cực kỳ hiếm. Mà nếu lộ ra thì nhận kỷ luật rất nghiêm khắc và mất danh dự ghê gớm, hậu quả còn là thiệt thòi nhiều về sau. Thà chỉ biết “cày” cật lực (ngày ấy chúng tôi gọi học là cày), còn thầy thì rất nghiêm. ở trường ĐH Cơ điện (Thái Nguyên) có thầy N, tổ trưởng một bộ môn được học sinh gọi là “Thầy N – trung thành với khoa học”.

Họ giải thích gọi thế là vì ai đáng điểm 2 thì thầy cho 2, đáng 5 thì cho 5, không hạ điểm của ai mà cũng chẳng nâng cho ai. Kể cả những người được thầy quý mến vì chăm chỉ, tiếp thu tốt, nhưng hễ thi mà không đạt yêu cầu, chỉ một chút thôi, cũng xin mời thi lại.

Còn có cô T, được gọi là “Cô T. máy chém”. Cô dạy ngoại ngữ. Ngoại ngữ thì nhiều người học kém. Kém thì phải nhận điểm kém thôi. Cũng chả ai dám trách cô. Đấy, thầy mà như thế thì làm sao có trò dốt lọt ra ngoài xã hội được?

TC thời ấy có nhiều chuyện để nói. Nhưng nói nữa thì các bạn trẻ bây giờ lại bảo: Các cụ chỉ thích nói chuyện “ngày xưa”. Vậy thì ta nói chuyện ngày nay. Bức tranh TC bây giờ thật là ảm đạm. Về những tiêu cực, mọi người đã nói nhiều, xin không nói lại nữa. Chỉ tóm tắt thế này: Học thì ít, ăn nhậu, chơi bời, quà cáp… thì nhiều.

Phú quý sinh lễ nghĩa cũng là lẽ thường, nhưng “lễ nghĩa” như vậy chỉ để nhằm mục đích: Moi đề, nâng điểm. Vậy là chết rồi. Ai cũng biết con người bản năng là lười biếng. Nếu bằng những cách khác mà vẫn đỗ thì còn ai học nữa? Dĩ nhiên cũng có những người học vì kiến thức; nhưng trong một môi trường như thế, liệu anh ta có còn một mình cặm cụi mãi được không?

Ngày trước chúng tôi đi thi lo lắm: Học kém, học trung bình thì lo trượt; học khá, học giỏi thì lo không được điểm cao. Lòng tự trọng bây giờ sao chả thấy? Tôi có đứa cháu học TC, không thấy nó học hành gì mấy, tôi hỏi: Sắp thi rồi mà cháu học như thế thì thi cử gì? Nó bảo: Cả lớp cũng thế mà bác, mấy ông lớn tuổi còn chả biết tí gì, thế rồi cũng “qua”. Ôi thôi, thế thì “bệnh nặng” quá rồi.

Thực trạng đào tạo tại chức bây giờ là như vậy. Nhưng đổ mọi tội lỗi cho nó xem ra cũng không ổn. Xem xét cái gì cũng phải đặt nó vào hoàn cảnh, môi trường mà nó tồn tại. Vậy ta hãy xem môi trường giáo dục hiện nay.

Từ dưới lên trên nhé: Phổ thông thì đang học lớp 6 xuống lớp 2 không học nổi (vụ này báo chí những năm qua đã đăng), thi tốt nghiệp phổ thông thì “phao” thi quăng ào ào giữa thanh thiên bạch nhật (như vụ Hà Tây mà các phương tiện truyền thông đang đồng loạt lên tiếng, mà đâu phải chỉ có Hà Tây (?); thi vào đại học thì hàng trăm thí sinh phạm quy, hàng ngàn thí sinh điểm 0 đến điểm 1, điểm 2 (hệ quả của việc tốt nghiệp nhờ “phao”?); rồi những đường dây “chạy” vào đại học…

Tốt nghiệp đại học thì đã có chợ luận văn, đồ án. Còn trên đại học thì sao nhỉ: đến tiến sĩ cũng nhờ người thi hộ! Đến thế thì… hết chỗ nói. ấy là ta đang nói đến hệ “chính quy” đấy nhé…

Chấn chỉnh cái việc dạy và học TC, tôi thấy đâu có phải là việc gì khó khăn ghê gớm lắm? Thời xưa chiến tranh, rồi bao cấp, thiếu thốn đủ thứ, chúng ta còn làm được, tương đối tốt. Bây giờ thuận lợi hơn rất nhiều, sao lại không làm được?

Không biết từ bao giờ các khoa, trường ĐHTC lại nhận cả những học sinh phổ thông vừa thi trượt ĐH (chính quy) cho thi vào TC? Những người này thì có “chức” đâu mà “tại”? Những em này đại bộ phận có sức học yếu, một số thì lười học nên kiến thức rỗng. Phải chăng đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng đầu ra của học sinh tại chức là kém?

Có lẽ vì cơ chế thi trường, các khoa, trường TC muốn có thu nhập cao, muốn cho trường lớp “hoành tráng” nên đã nhận cả lực lượng này? Chúng ta cố đấm ăn xôi mà làm gì, cố tình đào tạo ra cả một lực lượng kém chất lượng mà làm gì, trong khi đất nước đang “thừa thầy, thiếu thợ”?

Tôi nghĩ đối tượng đào tạo tại chức hãy trở về như trước đây: đó là những người vì những lý do khách quan không vào được hệ chính quy, đã có thời gian đi làm 3 năm trở lên, có đủ tiêu chuẩn về chuyên môn và đạo đức (được cơ sở xác nhận) có nghị lực vượt khó, muốn vươn lên để có kiến thức ở mức cao hơn; đó còn là những người đã có bằng ĐH hoặc Cao học, muốn có thêm kiến thức ở lĩnh vực khác để phục vụ cho công tác của mình mà không có điều kiện để học hệ chính quy.

Trò thì vậy, còn thầy thì sao? Tôi nghĩ cũng đã đến lúc nên làm một cuộc “cách mạng” (nói thế có to tát quá chăng?) Về đội ngũ các thầy đang giảng dạy tại chức. Sau bài báo “Thầy và trò thời tại chức” của ông Nguyễn Hòa (TPCN số 25, ngày 18/6/2006), Thầy Nguyễn Thế Hinh, trong bài “Một pha vào bóng ác ý” (TPCN số 26, ngày 25/6/2006) dường như hơi bị “chạm tự ái” (?).

Nếu có nhiều thầy như thầy thì xã hội ta hãy còn may đấy. Còn nếu các thầy TC đọc bài ấy mà cứ tỉnh bơ như không thì “kháng sinh” chắc đã bị “nhờn” rồi? Tôi nghĩ các thầy đã dạy TC nhiều năm qua thì nên đổi. Bởi vì chúng ta đều biết thay đổi được những thói quen là rất khó!

Việc cuối cùng tôi muốn góp ý với Bộ Giáo dục là nơi nào có đủ điều kiện về đội ngũ cán bộ giảng dạy và cơ sở vật chất thì hãy cho phép mở khoa hoặc trường đào tạo TC. Còn nơi nào chưa đủ điều kiện trên thì nên xóa bỏ. Tôi nghĩ rằng nhiều tiêu cực xảy ra trong việc đào tạo TC những năm qua cũng bắt nguồn từ việc có nhiều cơ sở không đủ những điều kiện nói trên vẫn được phép mở lớp TC.

Rồi mời thầy ở nơi khác về giảng dạy. Thầy đi dạy xa, tổ bộ môn, khoa và trường cũng khó quản lý, cơ sở sở tại thì đương nhiên phải chiều thầy. Với trò cũng vậy, cơ sở đi thuê thầy dạy thì làm sao mà quản lý tốt được về chất lượng, các thầy được thuê dạy thì chỉ biết dạy cho đủ chương trình, chất lượng ra sao cũng một phần cơ sở sở tại phải lo nữa chứ.

Cứ như vậy, trách nhiệm cũng khối chỗ nhập nhằng. Rồi việc đưa đón thầy, ăn nhậu, nghỉ mát, gặp riêng… cũng từ đó mà dễ dàng thực hiện hơn nhiều.

Những việc tôi nói trên, xét cho cùng, đại bộ phận “ngày xưa” cũng đã làm. Bây giờ nếu làm tốt hơn cả ngày xưa (mà tại sao lại không làm được nhỉ?) thì quá tốt! Nhưng trước mắt chỉ dám trông: Bao giờ cho đến… ngày xưa?

(8A/189 – Lê Hồng Phong – TP Nam Định)

MỚI - NÓNG